(Quan điểm) - Chúng tôi nhất quán quan điểm là phải lên tiếng trước việc Lào xây dựng thủy điện Don Shahong khi chưa có thông tin đầy đủ và rõ ràng.
Mô hình đạp thủy điện trên dòng Mekong
|
Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã cho Đất Việt biết như vậy.
Vừa hợp tác vừa đấu tranh trên cơ sở luật pháp
Theo ông Hiệp từ thực tiễn và các nghiên cứu khoa học đã chứng minh được rằng khi xây các đập thủy điện sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hệ sinh thái, sẽ làm gia tăng sự xâm nhập mặn.
Nói như GS Nguyễn Ngọc Trân thì sẽ có hai gọng kìm đối với ĐBSCL, một là các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong và hai là xâm nhập mặn từ biển vào.
Để có tiếng nói gửi tới các cơ quan hữu quan, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ với chức năng nhiệm vụ ở vùng thời gian qua đã phối hợp với các nhà khoa học trong vùng và một số tổ chức Green ID, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, Trường ĐH Cần Thơ thực hiện các tham vấn cộng đồng.
Theo đó kết quả là gần 100% người dân tại 13 tỉnh ĐBSCL và các nhà khoa học ở Hà Nội đều phản đối việc xây dựng đập Don Sahong cũng như các đập khác trên dòng chính của sông Mekong.
Qua phản ánh, người dân ĐBSCL khẳng định họ không có lợi từ việc xây dựng đập Don Sahong và các con đập khác trên dòng chính của sông Mekong. Ngược lại họ chịu rất nhiều rủi ro như ít được phù sa bồi đắp, tăng nguy cơ sạt lở đất, giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn gia tăng…. Những điều này ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống của người dân.
"Hiện chúng tôi đã có kết quả và gửi lên Thủ tướng, Phó Thủ tướng với những kiến nghị chỉ đạo các ngành tiếp tục đẩy mạnh việc trình báo cáo tham vấn có ý kiến người dân. Chúng tôi nhất quán quan điểm là phản đối việc xây dựng thủy điện này khi chưa có thông tin đầy đủ và rõ ràng", ông Hiệp cho biết.
Theo ông Hiệp, việc xây dựng các thủy điện trên dòng chính sông Mekong ảnh hưởng nghiêm trọng đến ĐBSCL, không chỉ về chất lượng nước mà còn đe dọa đến sự phát triển bền vững, đặc biệt là lượng thủy sản.
"Do vậy chúng tôi đã kiến nghị với Thủ tướng vừa hợp tác, vừa đấu tranh trên cơ sở những quy định của pháp luật quốc tế, đặc biệt là thông qua tổ chức Ủy hội sông Mekong mà 4 nước đã ký kết. Hiệp định sông Mekong ký năm 1995 cũng cần phải được tuân thủ. Bên cạnh các hợp tác thì cũng phải có đấu tranh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình", ông Hiệp nói.
Kiên trì lên tiếng
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho biết, trên thực tế Lào vẫn đang quyết tâm thực hiện việc xây dựng thủy điện Don Shahong. Tuy nhiên không phải vì thế mà các hoạt động tham vấn dừng lại.
"Hiện các kết quả tham vấn chúng tôi đã gửi đến các cơ quan có trách nhiệm và theo thông tin tôi được biết thì Ủy ban sông Mekong Việt Nam sẽ tổng hợp các ý kiến này vào báo cáo quốc gia để gửi đến Chính phủ Lào. Ở Việt Nam hiện các cơ quan thuộc Chính phủ đã nhận được các kết quả tham vấn và đang xem xét", bà Khanh cho biết.
Mặc dù vậy, các nhà vận động chính sách cũng tỏ ra lo ngại về việc Lào quyết tâm xây dựng thủy điện này bằng những động thái ‘phủ đầu’ từ phía truyền thông tới cộng đồng.
Nhưng bà Khanh cho biết: "Dù thế nào chúng tôi vẫn nỗ lực mọi việc để nói lên tiếng nói của cộng đồng. Trong tuần tới chúng tôi sẽ tổ chức họp báo và mời các chuyên gia đến để trao đổi thêm xung quanh việc này".
Nhìn theo hướng tích cực, ông Hiệp cho rằng từ câu chuyện Lào xây dựng thủy điện Xayabury trước đó hoàn toàn không có tham vấn các nước. Nhưng sau việc đấu tranh nay với Don Shahong Lào đã chấp nhận tổ chức tham vấn các nước trong đó có Việt Nam.
"Đây là một kết quả nhất định. Tất nhiên việc này vẫn phải tiếp tục trên cơ sở pháp luật quốc tế, thực tiễn và cả mối quan hệ đối ngoại song phương dù biết rằng không phải một lúc mà nói họ nghe ngay", ông Hiệp nói.
Ông Hiệp cũng đưa ra hình ảnh một anh hàng xóm xây nhà khi thấy họ chuẩn bị làm móng có thể đe dọa đến an toàn nhà mình thì buộc mình phải lên tiếng bảo vệ quyền lợi.
"Mình có quyền lên tiếng dù nhiều người cho rằng họ có quyền xây trên đất họ - điều đó đúng, song ngược lại nếu điều đó có ảnh hưởng đến mình thì phải lên tiếng. Tất nhiên sẽ còn nhiều việc phải làm nữa nhưng vẫn phải làm", ông Hiệp nhìn nhận.
Từ quan điểm này, ông Hiệp cho biết về phía Việt Nam cần tiếp tục tập hợp ý kiến cộng đồng, thu thập chứng cứ khoa học, có kết quả để chứng minh bằng nhiều kênh và trên con đường ngoại giao phải đấu tranh. để bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng.
GreenID và đơn vị tổ chức hoạt động tham vấn kiến nghị
1.Ủy ban sông Mekong Việt Nam, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại Giao và các cơ quan chính phủ xem xét các ý kiến đóng góp và nguyện vọng của người dân để báo cáo Thủ tướng, Chính phủ và đưa vào ý kiến phản hồi chính thức của Việt Nam gửi tới Ủy hội sông Mekong quốc tế về kết quả tham vấn dự án thủy điện Donsahong tại Việt Nam.
2.Tài liệu phản hồi quốc gia của Việt Nam đối với dự án thủy điện Don sahong cần nhấn mạnh yêu cầu: 1) kéo dài thời gian tham vấn để các bên liên quan có thêm các nghiên cứu bổ sung thêm thông tin, minh chứng và xem xét đánh giá tính khả thi của các giải pháp giảm thiểu đưa ra; 2) nhà đầu tư và chính phủ Lào nghiêm túc tuân thủ các cam kết theo Hiệp định Mekong và các cam kết cấp cao, không được tiến hành khởi công xây dựng đập nào cho đến khi hoàn thành các nghiên cứu bổ sung về tác động tích lũy, minh chứng cho tính khả thi của các giải pháp giảm thiểu.
3.Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) và các quốc gia thành viên của MRC đưa quy trình tham vấn với người dân bị ảnh hưởng tại cộng đồng trở thành một điều kiện tham vấn bắt buộc trong quá trình PNPCA theo Hiệp định Mekong 1995.
4.Chính phủ và cơ quan quản lý cần chú trọng và có chiến lược truyền thông phù hợp, sắc sảo và nhất quán về vấn đề thủy điện dòng chính sông Mekong tại Việt Nam sao cho đảm bảo cập nhật thông tin sát thực về vấn đề này cho công chúng đồng thời hỗ trợ cho các nỗ lực đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia và đồng bằng sông Cửu Long.
5.Nghiên cứu “Tác động của hệ thống thủy điện bậc thang dòng chính sông Mekong đối với đồng bằng sông Cửu Long” do Ủy ban sông Mekong Việt Nam chủ trì cần tham vấn rộng rãi tới nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ và tổ chức quần chúng tại đồng bằng sông Cửu Long để thu nhận những ý kiến đóng góp thực tiễn phục vụ cho quyết sách của chính phủ liên quan tới sự phát triển bền vững của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trích báo cáo tham vấn cộng đồng
Bích Ngọc
Nhận xét
Đăng nhận xét