Báo Tin tức, TTXVN,
Thời gian qua, nhiều chính sách, chương trình phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được triển khai nhưng thu lại kết quả không cao. Nguyên nhân là do tính liên kết vùng chưa được thực hiện chặt chẽ, cụ thể thiếu liên kết giữa các địa phương trong việc thực hiện chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng - kinh tế phục vụ sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu…
Yêu cầu liên kết vùngLiên kết vùng ĐBSCL được đề cập đến từ lâu, trong thực tế việc liên kết vùng đã thực hiện thông qua một số mô hình: mô hình cánh đồng liên kết của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty Võ Thị Thu Hà; mô hình chuỗi sản xuất, thương mại, chế biến và phân phối sản phẩm khép kín của Công ty Thủy sản Hùng Vương, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang. Tuy nhiên, sự liên kết này chưa đạt yêu cầu, việc nhân rộng còn hạn chế do chưa có sự nhất quán, định hướng, quản lý và tạo điều kiện cơ sở hạ tầng cho các mô hình phát triển.
Theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển ĐBSCL, việc liên kết vùng giữa các địa phương khu vực ĐBSCL hiện chưa chặt chẽ, nền kinh tế của mỗi tỉnh vẫn phát triển độc lập. Trong khi đó, kinh tế của vùng ĐBSCL không phải là cộng hợp kinh tế của 13 tỉnh và liên kết hiện nay thực chất là cộng những “chiếc đũa”, chưa phải là một chủ thể.
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL cho biết, liên kết vùng là cơ hội phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội, phát triển nguồn nhân lực, tăng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp… Vì thế, công việc này cần huy động sự tham gia của nhiều bên liên quan gồm nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học trong suốt quá trình phát triển chuỗi giá trị đối với tất cả các sản phẩm có lợi thế vùng và theo cách liên kết vùng.
Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ kinh tế (Ban chỉ đạo Tây Nam bộ) cho rằng, qua hơn một năm thực hiện Quyết định 899 ngày 10/6/2013) của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các tỉnh trong vùng ĐBSCL đã chủ động xây dựng đề án tái cơ cấu, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng giá trị, thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, yếu tố liên kết của các tỉnh còn mờ nhạt trong mỗi đề án. Trong khi đó, yếu tố này là một trong những cơ sở quan trọng để tiến hành quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL nói riêng. Việc tạo sự liên kết vùng vững chắc sẽ tránh tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí và sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương, hướng đến mục tiêu hiện đại hóa ngành sản xuất lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái, giúp hàng triệu nông dân ĐBSCL vươn lên làm giàu bằng chính nghề nông.
Cần một “nhạc trưởng” điều phốiMặc dù đã được đề cập từ lâu, song liên kết vùng ĐBSCL chưa có cơ chế chính sách, quy định cụ thể. Theo ông Trần Hữu Hiệp, vùng ĐBSCL không phải là một đơn vị hành chính - kinh tế, việc phân bổ ngân sách, nguồn lực đầu tư vùng hoàn toàn do Trung ương đảm nhiệm. Theo đó, đầu tư phát triển vùng phụ thuộc vào sự đầu tư của Trung ương và các tỉnh, thành. Vì thế, ĐBSCL không thể thực thi một cách chủ động các chương trình, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển vùng. Không gian kinh tế vùng bị chia cắt, nhiều cụm ngành kinh tế và sản phẩm thế mạnh của chung nhiều tỉnh chưa được “liên kết”, thậm chí còn có hiện tượng cạnh tranh cục bộ lẫn nhau. Chuỗi giá trị ngành hàng bị cắt khúc, đầu tư trùng lắp, suất đầu tư cao do không tận dụng được “lợi thế dùng chung” trên cơ sở phân công trong nội bộ vùng và liên vùng
Theo ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, liên kết hợp tác sản xuất không phải là ý muốn chủ quan của một ngành, hay tổ chức, cá nhân mà đây là một yêu cầu tất yếu, khách quan của phát triển kinh tế. Tùy theo điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng, mức độ phát triển của từng địa phương mà có bước đi phù hợp, không phải 13 tỉnh cùng "dàn hàng ngang" phát triển. Trong điều kiện hiện nay, việc các tỉnh cùng phát triển các ngành, nghề lĩnh vực như nhau là không nên. Tuỳ theo thế mạnh, lợi thế so sánh có sự liên kết phù hợp giữa các tỉnh với từng lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, để thực hiện liên kết, quy chế phối hợp cũng như cơ quan điều phối phải được xây dựng để tổ chức thực hiện.
Hiện, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ được Trung ương giao nhiệm vụ kiểm tra đôn đốc các địa phương trong vùng tổ chức triển khai các chủ trương chính sách về kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Để cơ quan này điều phối được sự liên kết thì cần được phân thêm quyền hạn, trách nhiệm, nhân lực, đặc biệt là phương thức thực hiện việc điều phối, quy chế liên kết.
Ông Trần Thành Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, thời gian qua do chưa có định hướng chung nên từng tỉnh có quy hoạch cụ thể theo mỗi địa phương, gây chồng chéo. Để giải quyết được vấn đề này, cần có một cơ quan chủ trì hoặc Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ được Chính phủ “giao quyền” để chủ trì quy hoạch phù hợp, tránh đầu tư lãng phí về nguồn lực cũng như chồng chéo trong các lĩnh vực thu hút đầu tư. Trước hết, quy hoạch tổng thể của vùng phải được xây dựng, trong đó có quy hoạch cơ sở hạ tầng dùng chung cho vùng như: sân bay, bến cảng, không nên để tình trạng địa phương nào xây trường đại học, cảng… bởi như vậy phân tán, manh mún và không đủ nguồn lực để đầu tư./.
Nhận xét
Đăng nhận xét