Mới đây, Cơ quan
Thường trực tại miền Nam Tạp chí Cộng sản phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh
tế - Kỹ thuật Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Chuyển dịch
cơ cấu ngành kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL theo hướng sản xuất hàng
hóa". Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học cho rằng rất cần các
giải pháp tích cực, phù hợp để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế nông
nghiệp vùng ĐBSCL trong thời gian tới...
* Nỗ lực chuyển đổi…
ĐBSCL không chỉ là
vùng trọng điểm sản xuất lương thực, trái cây và nuôi trồng, đánh bắt thủy
hải sản của cả nước mà còn được xem là vùng nông sản lớn trong mạng lưới sản
xuất toàn cầu. Hiện toàn vùng sản xuất hơn 50% tổng sản lượng lương thực,
đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu nước ta. Thế mạnh sản xuất lúa gạo, cây
ăn trái và nuôi trồng thủy sản của vùng ĐBSCL đã góp phần đảm bảo an ninh
lương thực quốc gia, gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho cả nước, ổn định đời
sống người dân khu vực nông thôn.
Nhiều ý kiến cho rằng
những thành tựu trong sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL thời gian qua là nhờ
nông dân ngày càng tiếp cận và ứng dụng nhanh hơn những tiến bộ khoa học-công
nghệ. Chủ trương liên kết "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp cũng
đã được các địa phương quan tâm thúc đẩy, nhất là thành công bước đầu của mô
hình "cánh đồng lớn" được xem là một trong những mô hình liên kết
đạt hiệu quả cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Theo tính toán, mỗi
héc-ta tham gia trong "cánh đồng lớn" nông dân có thể giảm chi phí
sản xuất từ 5-10%, giá trị tăng thêm 20-25%, lợi nhuận thêm 2,2-7,5 triệu
đồng. Ngoài sản phẩm lúa gạo, ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL
cũng đã xây dựng được các mô hình liên kết trong chăn nuôi và nuôi trồng chế
biến thủy sản. Điểm nổi bật của những mô hình này là doanh nghiệp đóng vai
trò là nhà đầu tư cho nông dân, tổ chức sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa
học kỹ thuật và đảm bảo thị trường tiêu thụ; còn nông dân trực tiếp sản xuất,
được hỗ trợ một phần chi phí đầu tư ban đầu... đã đóng góp quan trọng vào
phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL. Còn cây ăn trái phát triển nhanh, đã hình
thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với nhu cầu thị trường như:
xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, vú sữa Lò Rèn…
TP Cần Thơ đã triển
khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị
gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 (triển khai thực hiện Quyết định
889/QĐ-TTg ngày 10-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ). Tái cơ cấu ngành nông
nghiệp thành phố cũng nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các
vùng sinh thái. Hình thành các tiểu vùng nông nghiệp đặc trưng gồm: vùng
chuyên canh lúa thương phẩm liên kết theo "cánh đồng lớn", vùng lúa
giống chất lượng cao, vùng vành đai sản xuất lương thực thực phẩm quanh đô
thị ứng dụng công nghệ cao, vùng cây ăn trái đặc sản kết hợp du lịch sinh
thái, vùng phát triển chăn nuôi an toàn sinh học và nuôi trồng thủy sản tập
trung. Phát triển nhanh, toàn diện ngành nông nghiệp, nông thôn thành phố theo
hướng hiện đại, xanh, sạch, đa dạng và bền vững; mở rộng quy mô sản xuất hàng
hóa và sản phẩm ngành nghề nông thôn, hướng mạnh vào xuất khẩu và cung cấp
nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng mô
hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… TP Cần Thơ cũng
phấn đấu giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế nông thôn đạt bình
quân 9-10%/năm, vốn đầu tư xã hội trong nông nghiệp đạt 2.264 tỉ đồng, tỷ lệ
tăng vốn đầu tư trong nông nghiệp đạt trung bình 17%/năm…
Theo Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hậu Giang, tái cơ cấu ngành nông
nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, địa
phương tiếp tục rà soát và điều chỉnh Quy hoạch ngành NN&PTNT, xác định
và phát triển các nông sản chủ lực, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún và
tự phát, tạo ra cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp, nâng cao hiệu quả sản
xuất theo hướng giảm giá thành, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh. Địa
phương cũng xác định các loại cây, con chủ lực để quy hoạch và phát triển
gồm: cây lúa giữ ổn định diện tích khoảng 78.000 ha, cây mía chuyển đổi một
số diện tích kém hiệu quả và ổn định diện tích sản xuất từ 10.000-12.000 ha,
nhóm cây ăn quả (bưởi Năm Roi, cam sành, chanh không hạt, quýt đường, xoài,
khóm Cầu Đúc...)...
Tại tỉnh An Giang,
ngành NN&PTNT địa phương đã triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành với mục
tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả và
khả năng cạnh tranh thông qua năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng nhằm
đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh
xuất khẩu; phấn đấu giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng bình quân ngành là
3,35%/năm. Đồng thời, chuyển dịch kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ
trọng ngành thủy sản, phát triển chăn nuôi, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt và
ổn định lâm nghiệp, phát triển các ngành nghề dịch vụ nông thôn. Địa phương
định hướng sẽ tập trung cho sản xuất lúa giống để cung ứng cho vùng ĐBSCL,
các vùng khác và Campuchia với quy mô khoảng 22.000 ha; xây dựng vùng chuyên
canh sản xuất lúa chất lượng cao khoảng 80.000 ha; quy hoạch sản xuất cá tra
đến năm 2020 đạt 1.430 ha...
* Cần đẩy mạnh liên
kết vùng
Theo đánh giá của các
nhà quản lý và nhà khoa học, ngành nông nghiệp đã có chủ trương tái cơ cấu
ngành để giải quyết tăng giá trị nông sản, xử lý điệp khúc "trúng mùa,
rớt giá"… Tuy nhiên, do chưa có chính sách, chiến lược về sản xuất và
tiêu thụ nông sản nên nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong chuyển đổi cơ
cấu cây trồng, vật nuôi. Nhiều tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL đã lập và thông
qua đề án tái cấu trúc lại ngành nông nghiệp địa phương giai đoạn 2015-2020
và tầm nhìn 2030, nhưng đa số đều có tính giải quyết cục bộ cho địa phương,
chưa có sự liên kết vùng nên chưa thật sự có hiệu quả cao. Trong xu thế hội
nhập hiện nay mỗi địa phương không thể tự sản xuất theo ý riêng mà phải
chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, cần có sự liên kết vùng để cùng
nhau giải quyết khó khăn thì mới mang lại hiệu quả.
Theo ông Trần Hữu
Hiệp, Ủy viên Chuyên trách Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, chuyển dịch cơ
cấu kinh tế nông nghiệp hiện nay rất cần cải cách về thể chế, trong đó phải
chú trọng đến liên kết phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL. Trên cơ sở kết quả
quá trình phát triển kinh tế vùng ĐBSCL thời gian qua và yêu cầu tập trung
cho các sản phẩm chủ lực, cũng như tạo điều kiện hình thành và phát triển một
số cụm liên kết ngành tiềm năng của vùng như: lúa gạo, cây ăn trái và thủy
sản. Tăng cường liên kết vùng ĐBSCL trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân,
nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông
thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL là rất cần thiết. Song, liên kết
kinh tế vùng ĐBSCL cần một cơ chế pháp lý rõ ràng và mạnh mẽ hơn là sự
"khuyến khích". Đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc
thù thu hút đầu tư vào 3 sản phẩm mũi nhọn của vùng ĐBSCL, tập trung hoàn
thiện cơ sở hạ tầng kinh tế, khai thông các kênh tín dụng và đào tạo nguồn
nhân lực để phát triển các ngành mũi nhọn và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện
đại hóa nông nghiệp, nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn
2016-2020. Tăng cường hơn nữa các hình thức liên kết, hợp tác theo nhu cầu và
đi vào thực chất hơn...
Ông Nguyễn Minh Thạnh,
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Các giải pháp tái cơ cấu
ngành nông nghiệp của TP Cần Thơ là mở rộng liên kết với các địa phương trong
vùng và liên kết 4 nhà, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, khuyến
khích phát triển trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp, hoàn thiện cơ chế chính
sách và nhân rộng các mô hình liên kết hiệu quả. Ngoài ra, đầu tư đồng bộ hạ
tầng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao
khoa học - công nghệ, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông,
đẩy mạnh cơ giới hóa trong các khâu sản xuất. Củng cố, sắp xếp lại hệ thống
thu mua, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản để giải quyết
khâu tiêu thụ sản phẩm...
Bài, ảnh: ANH KHOA
|
Nhận xét
Đăng nhận xét