Trần Hữu Hiệp
TCCSĐT - Thương hiệu
biển Việt Nam gần đây được đề cập với yêu cầu tạo dựng niềm tin, sự nổi tiếng
cho các sản phẩm, dịch vụ gắn với tiềm năng, thế mạnh của kinh tế biển. Với vị
trí địa - kinh tế đặc biệt, thực tế đang đòi hỏi cần phải xây dựng và phát
triển thương hiệu biển “Đảo ngọc Phú Quốc”, tỉnh Kiên Giang vừa mang tính đặc
thù địa phương, vừa đại diện cho du lịch biển đảo, gắn với phát huy thế mạnh
của kinh tế biển Việt Nam và phát triển toàn diện đảo Phú Quốc trên đường hướng
đến mục tiêu đặc khu kinh tế trong tương lai.
Đảo Phú Quốc cách Hà
Tiên khoảng 45km, cách thành phố Rạch Giá khoảng 120km, có tổng diện tích tự
nhiên gần 60.000ha, tương đương đảo quốc Singapore, với 27 hòn đảo lớn, nhỏ.
Đây là đảo lớn nhất Việt Nam, nằm ở vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á, có lợi
thế quan trọng trong mối liên kết giao thông hàng hải, hàng không với các quốc
gia trong khu vực và trên thế giới; vừa có tiềm năng phát triển kinh tế to lớn
với vị thế địa - kinh tế du lịch quan trọng trong cộng đồng ASEAN, vừa có vị
trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phòng thủ đất nước.
Phú Quốc có điều kiện
thuận lợi về khí thượng thủy văn, có bờ biển dài với nhiều bãi biển, cho phép
tổ chức hoạt động du lịch quanh năm. Nơi đây có ngư trường khá giàu tiềm năng,
với trên 1.000 loài hải sản, trong đó có khoảng 20 loài có giá trị kinh tế cao;
có nhiều rạn san hô ven bờ, quần thể sinh vật biển đa dạng, phong phú, giá trị
cao, sản lượng lớn; có đá huyền để làm đồ trang sức, mỹ nghệ; có rừng nguyên
sinh đẹp, có nhiều di tích lịch sử hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Cùng
với việc “mở cổng trời” - sân bay quốc tế; “cửa bể” - cảng biển quốc tế tổng
hợp An Thới, các cảng nội địa Dương Đông, Bãi Thơm cũng được hoàn thành; các
đường trục Bắc - Nam, vòng quanh đảo và tuyến xương cá đang hoàn thiện. Theo
chân đường cáp ngầm xuyên biển đầu tiên ở nước ta, dài nhất Đông Nam Á, đường
cáp quang viễn thông cũng không chậm chân ra đảo ngọc. Song hành cùng nhiều công
trình hạ tầng lớn trên đảo là nhiều dự án đầu tư tầm cỡ quốc gia và quốc tế,
nhất là các dự án du lịch lớn. Các công trình này đang tạo ra sức hút mới cho
đảo Phú Quốc.
Tuy nhiên, cho đến nay,
ngoài cách gọi bóng bẩy là “Đảo ngọc”, chúng ta vẫn chưa có một thương hiệu Phú
Quốc theo đúng nghĩa một thương hiệu biển nổi tiếng bằng chính các công nghệ du
lịch, thương mại và là một sản phẩm “sở hữu trí tuệ” được xây dựng, đăng ký bảo
hộ độc quyền. Yêu cầu xây dựng và phát triển thương hiệu biển “Đảo ngọc Phú
Quốc” với đặc thù biển đảo độc đáo, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, gắn với
các doanh nghiệp mạnh, uy tín, “trách nhiệm công” của chính quyền, yêu cầu liên
kết, hợp tác,… đang là những yêu cầu, đòi hỏi có tư duy, tầm nhìn, chiến lược,
hoạch định hệ thống cơ chế, chính sách và nỗ lực thực thi hiệu quả.
Thực trạng phát triển
thương hiệu biển
Thương hiệu quốc gia
biển là một tập hợp các thương hiệu về biển, không chỉ giới hạn trong các lĩnh
vực kinh tế hay kinh doanh về biển mà còn bao gồm nhiều lĩnh vực có liên quan,
như địa danh, các thương hiệu đã được tổ chức thương hiệu chứng nhận, thương
hiệu hình tượng liên quan đến văn hóa, lịch sử, danh nhân... Đó chính là những
sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, những tên gọi, hình ảnh gắn liền với biển Việt Nam,
đã trở nên nổi tiếng, đi sâu vào tiềm thức của mọi người, đem lại cảm xúc,
thông điệp và niềm tin cho khách hàng.
Ngọc trai Phú Quốc |
Nói đến thương hiệu biển
là nói tới những sản phẩm, tên gọi thương mại gắn liền với các lĩnh vực hàng
hải, hải sản, du lịch biển, khoáng sản biển, các ngành công nghiệp liên quan
đến biển, các khu bảo tồn biển,... Những sản phẩm, tên gọi thương mại này nếu
trở nên nổi tiếng, trở thành thương hiệu, sẽ làm cho tên của các doanh nghiệp,
các địa phương cung cấp các dịch vụ, sản xuất ra các sản phẩm đó trở nên nổi
tiếng, trở thành thương hiệu. Nhiều doanh nghiệp và địa phương có các thương
hiệu nổi tiếng sẽ làm cho Việt Nam nổi tiếng về các dịch vụ và sản phẩm liên
quan đến biển, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia biển, và tên gọi “Việt Nam” sẽ
đại diện cho các sản phẩm về biển có uy tín, chất lượng, được ưa chuộng và trở
thành thương hiệu quốc gia. Tên gọi “Đảo ngọc Phú Quốc”, vì thế, cần được xây
dựng để trở thành một thương hiệu biển nổi tiếng của Việt Nam và thế giới.
Món Cầu Gai (con Nhum) và Còi Biên Mai - đặc sản Phú Quốc |
Gần đây, nhiều thương
hiệu biển đang được quan tâm xây dựng, được “mài dũa, đánh bóng”, thể hiện rõ
nét nhất thông qua việc xây dựng, đăng ký chứng nhận xuất xứ hàng hóa, bảo hộ
thương hiệu tập thể. Nước mắm Phú Quốc đã được đăng ký và bảo hộ tại 28 quốc
gia châu Âu. Một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào Phú Quốc đã tạo dựng
những cơ sở nền tảng cho các thương hiệu của mình trên đảo ngọc. Tuy nhiên, cho
đến nay, gần như vẫn chưa có một chương trình thương hiệu biển trong chiến lược
thương hiệu quốc gia để định vị và định hướng cho những hành động cụ thể trong
tổng thể chiến lược kinh tế biển Việt Nam, khiến nhiều sản phẩm, lợi thế về
biển đảo vẫn ở dạng “tiềm năng” mà Phú Quốc nằm trong số đó.
Nhìn ở cấp độ quốc gia,
các sản phẩm kinh tế biển có thương hiệu còn rất hạn chế, nhiều doanh nghiệp
chưa quan tâm đến thương hiệu của mình. Số lượng các sản phẩm của Việt Nam có
thương hiệu biển trên thế giới tập trung ở dầu khí, hàng hải, một số doanh
nghiệp xuất khẩu hải sản; trong khi đó nhiều lĩnh vực, như cảng biển, dịch vụ
hàng hải, dịch vụ du lịch,… chưa có thương hiệu. Trong bối cảnh chung đó, cùng
với tiềm năng thương hiệu biển còn ngủ yên, quá trình triển khai thực hiện các
cơ chế, chính sách đầu tư phát triển đảo Phú Quốc đã và đang bộc lộ nhiều bất
cập, chưa bảo đảm tạo lập niềm tin của các đối tác, nhất là đối tác nước ngoài
đầu tư vào Phú Quốc, nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế và huy động có hiệu
quả các nguồn lực để phát triển.
Vì thế, việc xây dựng và
phát triển thương hiệu biển “Đảo ngọc Phú Quốc” cần được đặt trong một chuỗi
giá trị biển, đảo và kinh tế biển Việt Nam. Thương hiệu biển này vừa mang những
giá trị riêng, vừa đại diện cho giá trị chung của biển, đảo Việt Nam để xác
định trách nhiệm - lợi ích của từng “chủ thể” tham gia, những “công đoạn” quyết
định, “điểm nút” đột phá để chọn lựa giải pháp, thứ tự ưu tiên và tiến hành
đồng bộ để xây dựng chiến lược thương hiệu.
Định hướng phát triển
thương hiệu biển “Đảo ngọc Phú Quốc”
Trước hết, cần định danh rõ từng “thương hiệu con” trong thương
hiệu chung của “Đảo ngọc Phú Quốc”, gắn trách nhiệm đối với thương hiệu đó của
doanh nghiệp và địa phương. Bên cạnh các “thương hiệu con”, như “Nước mắm Phú
Quốc”, “Ngọc trai Phú Quốc”, “Ẩm thực Phú Quốc”,… thì thương hiệu “Đảo ngọc Phú
Quốc” là cách tiếp cận chung, cần thiết và hiệu quả. Phát triển thương hiệu
biển “Đảo ngọc Phú Quốc” cần có sự vào cuộc phối hợp của nhiều bộ, ngành liên
quan với nhau, với tỉnh Kiên Giang, với các địa phương trong vùng đồng bằng sông
Cửu Long cũng như với các đối tác trong và ngoài nước. Các giải pháp phải đồng
bộ, từ hoạch định chính sách, đầu tư phát triển, nỗ lực của chính quyền đến
doanh nghiệp và người dân để tăng cường sự nhận biết về Phú Quốc trên thị
trường trong nước và thế giới, nhất là thị trường đầu tư và du lịch.
Xây dựng thương hiệu
biển “Đảo ngọc Phú Quốc” phải bắt đầu từ doanh nghiệp, đặt trong các mối quan
hệ thị trường, chịu sự tác động và điều chỉnh của cơ chế thị trường. Sự hợp tác
của doanh nghiệp và người dân Phú Quốc cùng với nghiên cứu của các nhà khoa học
sẽ tạo ra không gian địa lý cho những sáng tạo vật chất và tinh thần, làm nên
thương hiệu biển độc đáo của Phú Quốc. Doanh nghiệp và người dân kinh doanh du
lịch, lao động sản xuất trong các ngành kinh tế biển là “mắt xích” quan trọng
nhất, vừa là “đầu vào”, vừa là “đầu ra” tạo nên thương hiệu trong lòng khách
hàng. Hơn ai hết, họ “biết mình, biết ta” trong cuộc cạnh tranh thương trường -
không gian tồn tại và phát triển của thương hiệu. Cộng đồng cư dân trên đảo
đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng và bảo vệ thương hiệu “Đảo ngọc”.
Văn hóa bản địa, ý thức, niềm tự hào, ham muốn làm giàu từ biển sẽ biến mỗi
người dân trở thành một "đại sứ tiếp thị" cho Phú Quốc. Họ sẽ là yếu
tố kết nối văn hóa đảo ngọc với cộng đồng khác trong nước và quốc tế.
Vấn đề thứ hai là vai trò của nhà khoa học, nhất là các ngành khoa học
biển, để tạo nên “chất xám” của thương hiệu. Các thương hiệu biển “Đảo ngọc”
như ngọc trai, chó Phú Quốc, nước mắm Phú Quốc, thiên đường nghỉ dưỡng và tương
lai là “đặc khu kinh tế” độc đáo, hấp dẫn được xây dựng gắn với tên gọi Phú
Quốc, với các doanh nghiệp. Để có thương hiệu biển “Đảo ngọc” phải giải quyết
đồng bộ từ chính sách, đầu tư, quản lý điều hành, thực thi pháp luật và kinh
doanh thương trường; từ giải quyết các vấn đề tự nhiên (môi trường biển, môi
trường rừng, đa dạng sinh học, sinh vật biển) đến các vấn đề văn hóa và trật
tự, an toàn xã hội trên đảo. “Chất xám” của nhà khoa học cần được gắn cụ thể
với doanh nghiệp, các chủ thể kinh doanh và người dân đảo. Muốn vậy, phải tổ
chức lại sản xuất - kinh doanh trên đảo theo các chuỗi giá trị kinh tế và mang
đậm dấu ấn văn hóa đặc thù.
Một vấn đề quan trọng
khác là sự tác động, hỗ trợ của Nhà nước từ trung ương đến địa phương, đóng vai
trò “khâu nối" các bên liên quan, doanh nghiệp, người tham gia xây dựng
thương hiệu biển “Đảo ngọc Phú Quốc” và tiếp thị hình ảnh mới này ra thế giới.
Vai trò của Nhà nước có tác động to lớn thông qua cơ chế chính sách, quy hoạch
đầu tư và quản lý đảo. Nhà nước đóng vai trò quyết định trong việc điều hòa lợi
ích trong hành trình xây dựng thương hiệu “Đảo ngọc Phú Quốc”.
Kiến nghị giải pháp
Để xây dựng và phát
triển thương hiệu biển “Đảo ngọc Phú Quốc” vấn đề quan trọng là phải thay đổi
tư duy và phương thức đầu tư, chuyển từ đầu tư theo “đoạn” sang đầu tư theo
“chuỗi” sản xuất. Đầu tư theo chuỗi sẽ giúp tránh trường hợp tập trung đầu tư
không cân đối trong chuỗi, gây ra tình trạng mất ổn định. Muốn vậy, cần xác
định sản phẩm góp phần làm nên thương hiệu “Đảo ngọc Phú Quốc” phải trải qua
những công đoạn nào trong chuỗi giá trị để quy hoạch và xây dựng, phát triển
thương hiệu. Trên cơ sở đó, xin kiến nghị một số nhóm giải pháp sau:
Nhóm giải pháp về cơ
chế, chính sách, quy hoạch - đầu tư
Về cơ chế, chính sách
Việc xây dựng chiến lược
quốc gia xây dựng thương hiệu biển phải gắn kết được chiến lược phát triển kinh
tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành quan trọng và chiến lược phát triển
vùng. Từ đó, đưa ra mục tiêu phát triển các ngành, sản phẩm cụ thể gắn với thương
hiệu biển và đưa ra danh mục ưu tiên, trách nhiệm của các ngành, các cấp, địa
phương và doanh nghiệp.
Xây dựng cơ chế, chính
sách nhằm tạo sự liên kết giữa các tỉnh, thành phố có biển, tạo nên sức mạnh
tổng hợp, phát huy sức mạnh tiềm năng kinh tế biển; định vị lợi thế cạnh tranh,
liên kết và tiến tới cạnh tranh sòng phẳng với các đảo phát triển trong khu vực
ASEAN. Tạo cơ chế, chính sách hợp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển,
nâng cao sức cạnh tranh, tạo thương hiệu biển Việt Nam trên toàn thế giới. Cơ
chế tài chính và hỗ trợ nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng có ý nghĩa rất quan
trọng trong giai đoạn đầu hỗ trợ doanh nghiệp.
Cần xây dựng và phát
triển thương hiệu biển “Đảo ngọc Phú Quốc” dưới hai góc độ là “tài sản riêng
của doanh nghiệp” và “tài sản chung” của cộng đồng trên đảo, hướng đến nâng tầm
quốc gia và quốc tế. Trong cách tiếp cận “thương hiệu đảo ngọc” là “tài sản
riêng”, cần bổ sung chính sách thương hiệu biển để khuyến khích doanh nghiệp
đầu tư, xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc thù của đảo Phú Quốc. Tiếp tục
hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi để bảo hộ thương hiệu biển một cách
có hiệu quả hơn.
Về quy hoạch - đầu tư
Cần chú trọng đặc biệt
đến giải pháp quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển đảo nằm trong một chiến
lược tổng thể, đồng bộ. Theo đó, cần rà soát, quy hoạch phát triển đảo theo
hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, dựa trên lợi thế cạnh tranh của đảo Phú
Quốc để xây dựng thương hiệu mạnh, tránh dàn trải để tập trung đầu tư chiều
sâu. Tầm nhìn chiến lược của một “đặc khu kinh tế” yêu cầu phải định vị Phú
Quốc trong mối quan hệ cạnh tranh sòng phẳng, không chỉ phát huy mà phải tạo ra
những lợi thế so sánh của đảo ngọc này trong mối quan hệ với các đặc khu kinh
tế, như Thâm Quyến, Sán Đầu, Chu Hải (Trung Quốc); Incheon (Hàn Quốc) và các
hòn đảo phát triển của các quốc gia như JeJu (Hàn Quốc), Phuket (Thái Lan),
Bali (Indonesia).
Nhóm giải pháp về khoa
học và công nghệ
Để khắc phục tình trạng
sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống, công nghệ lạc hậu dẫn đến chất lượng
sản phẩm kém, cần áp dụng quy trình sản xuất, quản lý tiên tiến một cách đồng
bộ đối với các sản phẩm và dịch vụ để nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng
của sản phẩm… gắn với thương hiệu. Chú trọng công tác bảo tồn, phục hồi đa dạng
sinh học biển và nguồn lợi thủy sản, nguồn giống hải sản tự nhiên,... đang giảm
sút. Cần sớm triển khai xây dựng Trung tâm Bảo tồn tài nguyên biển Phú Quốc,
gắn nghiên cứu khoa học biển, kinh tế biển và ngành du lịch.
Chủ động nghiên cứu các
tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và đề xuất giải pháp thích ứng.
Chú ý đến các hệ sinh thái biển, đảo, các giá trị dịch vụ của chúng, người dân
đảo - những đối tượng dễ bị tổn thương và bị tác động mạnh mẽ nhất bởi thiên
tai.
Nhóm giải pháp về mô
hình tổ chức quản lý và ngành kinh tế
Nghiên cứu, xây dựng mô
hình tổ chức thích hợp nhất đối với đảo Phú Quốc để khai thác tốt nhất các tiềm
năng, lợi thế và phát huy có hiệu quả các nguồn lực để phát triển đảo theo
hướng phát triển mạnh kinh tế biển vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm
với những ngành có lợi thế so sánh, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia
mạnh về kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế.
Xây dựng Phú Quốc trở thành đặc khu là một trong những nơi làm thí điểm nhằm
đổi mới và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, thu hút vốn đầu tư nước
ngoài, từng bước nhân rộng mô hình kinh tế biển, đảo hướng ngoại của các vùng,
miền, các tổ chức kinh tế trong cả nước. Xây dựng đặc khu Phú Quốc trong mối
quan hệ tổng thể cấp khu vực và quốc tế.
Phát triển nền kinh tế
đa ngành nghề, với mũi nhọn là du lịch, dịch vụ; liên kết nhiều chiều, vừa
hướng ngoại, vừa hợp tác với các vùng sâu trong nội địa. Phát triển các ngành
kinh tế khác trên đảo theo hướng không làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch,
không phá vỡ cảnh quan, môi trường tự nhiên của Phú Quốc. Từng bước phát triển
đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, trước hết là dịch vụ tài chính, ngân hàng,
bảo hiểm, y tế, thông tin, hàng không, hàng hải, thương mại, hội chợ, xuất nhập
khẩu, nhà ở, văn phòng, hội nghị, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể
thao, vui chơi giải trí, du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng quốc tế, khu vực.
Nhóm giải pháp về nguồn
nhân lực
Hiện nay, phần lớn lao
động của Phú Quốc, Kiên Giang chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật tốt, đa số
xuất thân từ nông thôn, hoạt động sản xuất - kinh doanh chủ yếu dựa vào khả
năng, kinh nghiệm mang tính truyền thống. Vì thế, việc áp dụng tiến bộ khoa học
kỹ thuật, công nghệ quản lý mới, nhất là các ngành dịch vụ du lịch, hậu cần
logistics, gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ quản lý còn thiếu kiến thức và kỹ
năng, dẫn đến quản lý điều hành mang tính tự phát, cảm tính và thiếu tầm nhìn.
Cần có quy hoạch, đào tạo chuyên môn và dạy nghề, đặc biệt chú trọng phát triển
nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao, phù hợp, cán bộ quản lý có năng lực để
cung cấp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư gắn với xây dựng thương hiệu “Đảo
ngọc”.
Nhóm giải pháp tăng cường
hợp tác quốc tế
Từ khởi điểm “Năm du
lịch quốc gia Phú Quốc - Kiên Giang 2016”, cần duy trì thường xuyên các hoạt
động xây dựng và phát triển thương hiệu biển “Đảo ngọc Phú Quốc”, lồng ghép với
các diễn đàn kinh tế biển, diễn đàn thương hiệu biển hằng năm và các hoạt động
của Ngoại giao đoàn Việt Nam. Từ quy mô cấp quốc gia, nên nghiên cứu tổ chức có
sự tham dự của đại diện các nước trong khu vực ASEAN, tổ chức quốc tế quan tâm
đến chủ đề biển, đảo. Qua đó, tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế để phát
triển kinh tế biển và nỗ lực xây dựng khu vực biển Đông thành biển hòa bình,
xây dựng hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia về biển “Đảo ngọc Phú Quốc”
trong nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, đầu tư, thương mại, du lịch của Phú
Quốc./
Nhận xét
Đăng nhận xét