* Trần Hữu Hiệp
Hội nhập đang... tỏa
nhiệt
Sau các thương vụ lớn
của doanh nhân Thái mua hệ thống Metro Cash & Carry tại Việt Nam từ người
Đức, Big C từ người Pháp, hàng Thái đang "đổ bộ" vào thị trường nội
địa miền Tây Nam Bộ với quy mô lớn chưa từng có. Hàng ngoại với sức mạnh cạnh
tranh khốc liệt, hàng nội đang ngày càng chật vật hơn.
Sức ép cạnh tranh
trong nước đang nóng lên không chỉ từ hàng hóa, dịch vụ của Thái mà còn đến
từ nhiều quốc gia khác khi chúng ta gia nhập Cộng đồng kinh tế ASAN (AEC),
rút ngắn lộ trình thực thi cam kết WTO và sắp tới là TPP, với các đối thủ
cạnh tranh nhiều tiềm lực và thừa kinh nghiệm thương trường như Mỹ, Nhật, Úc.
Đó chính là mặt trái của hội nhập, là thách thức lớn mà doanh nghiệp Việt và
hàng nội phải vượt qua yếu kém, rủi ro để tồn tại và phát triển.
Đi cùng cơ hội và
triển vọng có được từ hội nhập là yêu cầu cạnh tranh mạnh mẽ trong một sân
chơi rộng lớn hơn, yêu cầu cao hơn, luật chơi khắc nghiệt hơn. Triển vọng và
cơ hội chỉ mới là cái được nhận diện, đang mở ra. Vấn đề là chúng ta tận dụng
nó, giải quyết nó như thế nào. Khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế còn phụ
thuộc rất nhiều vào việc chúng ta tranh thủ khai thác các lợi thế trong hội
nhập thị trường chung, trong việc tích cực, chủ động thực thi có hiệu quả các
Hiệp định WTO, TPP và các Hiệp định thương mại tự do. Chỉ khi có được các
giải pháp phù hợp, thì các khó khăn mới được khắc phục, thời cơ được tận
dụng, lợi thế tiềm năng mới trở thành hiện thực. Nhìn ở góc độ đó, các khu
kinh tế cửa khẩu ở miền Tây Nam Bộ đáng lo hơn đáng mừng.
"Cửa ngõ"
phát triển giao thương đang hẹp dần
ĐBSCL có 4 tỉnh An
Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Long An giáp nước bạn Campuchia với tổng
chiều dài đường biên giới hơn 340 km; có nhiều cửa khẩu quốc tế (Tịnh Biên,
Vĩnh Xương, Thường Phước, Xà Xía, Dinh Bà), nhiều cửa khẩu quốc gia và đường
tiểu ngạch.
Nhìn ở góc độ địa lý -
kinh tế, không gian phát triển vùng, thì Tây Nam là 1 trong 3 "cánh cửa
phát triển" của ĐBSCL. "Cổng trời" với cụm cảng hàng không,
trong đó có 2 sân bay quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc đang rộng mở. "Cửa
bể" - các cảng biển quốc tế ĐBSCL với những nỗ lực đã và đang tiến ra
biển Đông, nơi luồng hàng hải quốc tế sôi động nhất thế giới đi qua, khai
thác tiềm năng kinh tế ở biển Tây với đảo ngọc Phú Quốc lớn nhất Việt Nam.
Cánh cửa biên giới Tây Nam cũng đang được kỳ vọng góp phần tạo ra thế chân
kiềng, kết nối phần còn lại trên đất liền của ASEAN, đặc biệt là thị trường
Campuchia, Thái Lan, Lào thuộc tiểu vùng Mê Kông.
Những năm gần đây, hệ
thống chợ biên giới và khu kinh tế cửa khẩu ở khu vực này được hình thành, có
bước phát triển, hoạt động biên mậu được đẩy mạnh, góp phần tăng cường hợp
tác đầu tư và giao thương giữa 2 nước Việt Nam- Campuchia, mở ra cánh cửa
phát triển mới về hướng Tây Nam. Một số địa phương như An Giang, kinh tế biên
mậu đã có đóng góp quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, khu
vực dịch vụ của tỉnh này chiếm gần 50%. Chỉ riêng cửa khẩu Tịnh Biên, nhiều
năm liền kim ngạch thương mại biên mậu luôn chiếm hơn 60% toàn tuyến biên
giới Tây Nam, góp phần nâng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ của tỉnh An
Giang đứng hàng thứ 2/13 tỉnh, thành Tây Nam Bộ.
Song, đã qua thời khởi
sắc, các khu kinh tế cửa khẩu Tây Nam hiện nay trong tình trạng "suy
dinh dưỡng", chịu cảnh trống vắng. "Cửa ngõ" biên mậu vốn được
kỳ vọng thu hút giao thương, nay đang bị thu hẹp dần và trong tình trạng
ngoắc ngoải. Nguyên nhân được nhận diện là hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu kết
nối, nhất là kết nối giao thông, hạ tầng thương mại và kinh tế đối ngoại. Một
số khu kinh tế được đầu tư "so le", thiếu các cặp cửa khẩu song
hành, nên không phát huy tác dụng. Trong khi đó, chính sách thu hút doanh
nghiệp đầu tư vào các khu thiếu ổn định, rõ nhất là kêu gọi - hạn chế - rồi
khai tử chuỗi các cửa hàng miễn thuế. Nhà đầu tư cũ bỏ đi, khó thu hút nhà
đầu tư mới. Cũng cần phải thừa nhận, trong xu thế hội nhập, cắt giảm thuế
quan, các khu kinh tế cửa khẩu đang mất dần lợi thế ưu đãi dựa trên các cơ
chế, chính sách đặc thù. Vấn đề đặt ra là phải làm gì để tránh lãng phí đầu
tư, thích ứng với xu thế mới?
Tầm nhìn dài hạn và
đối phó nhất thời
Để khắc phục tình
trạng trống vắng, dở dang của các khu kinh tế cửa khẩu, đã có một số ý kiến
đề xuất nên chuyển đổi công năng hoạt động các khu thương mại cửa khẩu sang
khu, cụm công nghiệp, kho ngoại quan, làm dịch vụ hậu cần logistics. Nhưng
chuyển đổi sang mô hình cụ thể nào cho phù hợp trong kinh tế hội nhập, để
phát huy hiệu quả, còn là bài toán khó.
Giải bài toán các khu
kinh tế cửa khẩu đang cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận mới trong xu thế hội
nhập, cạnh tranh; giải quyết tổng thể các vấn đề xuyên biên giới hơn là những
đối phó cắt khúc ngắn hạn. Quy hoạch và thực hiện đầu tư phát triển khu vực
biên giới cần có "hệ đệm" vững chắc của tuyến dân cư với điều kiện
kinh tế - xã hội được ưu tiên đầu tư tốt hơn và "biên giới mềm" được
xây dựng trong môi trường hòa bình, hợp tác. Cần xây dựng một cơ chế phối hợp
năng động và hiệu quả giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và tăng cường hơn
nữa sự hợp tác quốc tế với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông. Vấn đề là
cần nâng mối quan hệ hợp tác đó lên tầm cao mới, trên cơ sở lợi ích của các
bên. Cần cụ thể hóa các thỏa thuận, cam kết trong khuôn khổ Ủy ban sông Mê
Kông để có được một cơ chế hợp tác quốc gia hiệu quả.
Xử lý vấn đề của các
khu kinh tế cửa khẩu hiện nay cần đặt trong mối quan hệ của "cuộc chiến
thị trường" thời kỳ hội nhập. Nó không chỉ là việc xử lý một dự án đầu
tư mà cần được xem xét trước yêu cầu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế,
chính sách cho sát hợp với thực tế và yêu cầu mới, nhất là những thách thức của
nó trước tác động của hội nhập, cam kết và thực thi AEC, TPP và và các Hiệp
định thương mại tự do có hiệu lực. Các Khu kinh tế cửa khẩu Tây Nam đang cần
lời giải mới.
|
Nhận xét
Đăng nhận xét