|
Trần Hữu Hiệp
|
(TBKTSG) -
Con đường từ công trường đến "thiên đường du lịch" đang mở ra với Phú Quốc, nhưng để đến
đích, không chỉ là tăng tốc đầu tư mà cần làm mát, làm sạch môi trường đảo
ngọc. Phú Quốc được nhận diện, không chỉ là một đặc khu kinh tế, mà cần được
xây dựng, phát triển theo mô hình hòn đảo thông minh, trở thành điểm đến khác
biệt, hấp dẫn, an toàn.
Lấp lánh
đảo ngọc quốc gia
Phú Quốc là hòn đảo
lớn nhất Việt Nam (tổng diện tích tự nhiên gần 60.000 héc ta, tương đương đảo
quốc Singapore, với 27 hòn đảo lớn, nhỏ), nằm ở vị trí trung tâm khu vực Đông
Nam Á, có lợi thế quan trọng trong mối liên kết giao thông hàng hải, hàng không
với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhất là chuỗi các điểm du lịch
nổi tiếng như Singapore, Phuket, Bali, Hồng Kông, Nhật Bản, Jeju... Phú Quốc là
một mắt xích quan trọng để kết nối các chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, giải trí
tầm cỡ quốc tế.
Trong ba nơi được dự
định xây dựng thành đặc khu kinh tế là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong
(Khánh Hòa) và Phú Quốc, thì hòn đảo này được đánh giá có nhiều lợi thế và tính
đặc thù hơn; nằm ở khu vực chiến lược biển Tây Nam, giàu tiềm năng, độc lập với
đất liền, có điều kiện áp dụng các cơ chế đặc biệt, năng động.
Thời gian qua, việc
đầu tư phần cứng trên đảo như sân bay quốc tế Phú Quốc; cảng biển quốc tế tổng
hợp An Thới, Bãi Thơm đã hoàn thành và Dương Đông đang xây dựng; các đường trục
Bắc - Nam, vòng quanh đảo và tuyến xương cá đang hoàn thiện. Theo chân đường
cáp ngầm xuyên biển đầu tiên ở nước ta, dài nhất Đông Nam Á, đưa điện quốc gia
vượt biển ra đảo ngọc, thì đường cáp quang viễn thông cũng đã đưa thế giới xa
ra đảo ngọc. Cáp treo dài nhất thế giới vượt biển ra Hòn Thơm đang chuẩn bị đưa
vào sử dụng. Kéo theo nhiều công trình hạ tầng lớn trên đảo là nhiều dự án đầu
tư tầm cỡ quốc gia và quốc tế, nhất là các dự án du lịch lớn.
Đến nay, đảo ngọc đã
thu hút được khoảng 200.000 tỉ đồng vốn đầu tư, tương đương 9 tỉ đô la Mỹ. Phú
Quốc cũng là huyện đảo có nguồn thu ngân sách lớn nhất. Chỉ chín tháng đầu năm
2016 đã thu hơn 1.800 tỉ đồng, dự kiến năm 2016 thu vượt mốc 2.000 tỉ đồng,
tăng 27%, chiếm khoảng 40% nguồn thu của tỉnh Kiên Giang.
Từ đầu năm đến nay, đã
có khoảng một triệu lượt khách đến Phú Quốc, tăng hơn 100% so cùng kỳ, gấp chín
lần dân số trên đảo. Bán lẻ, doanh thu dịch vụ trên đảo đạt khoảng 20.000 tỉ
đồng, tăng gần 29%.
Phát triển
nóng, cần làm mát môi trường
Tương lai của Phú Quốc
ra sao phụ thuộc vào cách ứng xử khôn ngoan, có trách nhiệm của con người đối
với nó trong hiện tại!
Hầu hết các tập đoàn
lớn trong nước đã hiện diện đầu tư tại đảo ngọc: Vingroup, Bim Group, Sun
Group, CEO Group... Về đầu tư nước ngoài, có khách sạn Novotel Phú Quốc Resort
400 phòng thuộc dự án Tổ hợp du lịch Sonasea Villas & Resort, có tổng vốn
đầu tư 4.500 tỉ đồng trong gói đầu tư dự định triển khai khoảng 10.000 tỉ đồng
(đây là dự án resort đầu tiên trên thế giới của chuỗi thương hiệu khách sạn
Novotel toàn cầu). Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Bãi Khem “Mặt
Trời Phú Quốc” với tổng vốn 6.200 tỉ đồng, có khách sạn 5 sao JW Marriott đang
hoàn thiện các công đoạn cuối cùng.
Cũng vì vậy mà trong
vài năm gần đây Phú Quốc như một đại công trường. Thống kê chưa đầy đủ, hiện có
khoảng 50.000 lao động là ngư dân từ khắp mọi miền đất nước đến Phú Quốc, hơn
20.000 lao động làm việc ở các công trình, có nơi hàng ngày thu hút trên 2.000
công nhân.
Phát triển nóng như
vậy đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý của địa phương (bộ máy
công quyền đang quá tải). Đặc biệt, tình hình an ninh trật tự ở Phú Quốc có
nhiều diễn biến phức tạp do các lực lượng lao động phổ thông đổ về đây rất lớn.
Chỉ riêng số vụ tai nạn giao thông, huyện đảo này chiếm 50% so với toàn tỉnh
Kiên Giang. Số vụ trọng án cũng xảy ra nhiều hơn.
Phú Quốc bao đời nay
là nơi rất bình an, đêm đến nhiều nhà dân ngủ không đóng cửa; nhưng ngày nay
đang có nguy cơ trở thành túi chứa tệ nạn. Người bể hụi, trốn nợ, trốn lệnh
truy nã... chạy ra Phú Quốc. Tội phạm ở đâu cũng có, nhưng Phú Quốc là đảo
ngọc, khách du lịch đến đây sẵn sàng trả phí cao hơn trong đất liền, nên họ có
quyền đòi hỏi được cung cấp “sản phẩm dịch vụ chất lượng cao”.
Những gì đang diễn ra
ở Phú Quốc trong thời gian qua rất đáng lo ngại. Cần làm sạch môi trường xã
hội, quản lý tốt hơn và xây dựng một cộng đồng dân cư sạch. Văn hóa bản địa, ý
thức, niềm tự hào, ham muốn làm giàu từ đảo ngọc sẽ biến mỗi người dân trở
thành một “đại sứ tiếp thị” cho Phú Quốc. Họ sẽ là yếu tố kết nối văn hóa đảo
ngọc với cộng đồng khác trong nước và quốc tế. Cùng với văn hóa, xã hội là yêu
cầu đầu tư, bảo vệ môi trường. Sự phát triển quá nóng của Phú Quốc gần đây đã
mang đến thực tế: ô nhiễm môi trường. Ngoài các dự án đầu tư cục bộ, thì hệ
thống xử lý nước thải, rác thải, Phú Quốc chưa có gì cả.
Phú Quốc - thành phố biển đảo, du lịch, dịch vụ ngoài
khơi trong tương lai cần được định hình dài hạn, cần một không gian xanh, sạch,
đẹp, kiểu mẫu gắn với cảnh quan biển, với chức năng đô thị được xây dựng trong
mối quan hệ với đồng bằng sông Cửu Long, cả nước và trong mối quan hệ gắn bó
với các đô thị lớn của các nước ASEAN và trên thế giới. Tương lai của Phú Quốc
ra sao phụ thuộc vào cách ứng xử khôn ngoan, có trách nhiệm của con người đối
với nó trong hiện tại!
Nhận xét
Đăng nhận xét