Trần Hữu Hiệp
Ngày 26-27/9, Hội nghị Chính phủ
về “Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH” sẽ diễn ra tại
Cần Thơ với khoảng 500 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự, dưới sự chủ trì
của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Nhận diện thách thức, định hình chiến
lược và hoạch định cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển đồng bằng là những
nội dung quan trọng được thảo luận tại hội nghị. Báo Cần Thơ giới thiệu bài viết
của ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên Chuyên trách Ban Chỉ đạo (BCĐ) Tây Nam Bộ, trao
đổi về vấn đề trên.
Trước “gọng kiềm” ba tầng thách thức
ĐBSCL đang đối mặt trước hai
thách thức toàn cầu xuyên biên giới là BĐKH, nước biển dâng và hội nhập, cạnh
tranh quốc tế; một thách thức khu vực là việc sử dụng nước đầu nguồn sông Mê
Công và thách thức từ chính các vấn đề nội tại của đồng bằng. 3 tầng thách thức
đó không tác động riêng lẻ mà đang tạo ra “thế gọng kiềm”, đòi hỏi sự nhận diện
hệ thống, có chiến lược ứng phó dài hạn, sự tiếp cận đa ngành và phối hợp giải
quyết liên ngành.
BĐKH là một hiện tượng toàn cầu
mà ĐBSCL được nhận diện là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới bị ảnh hưởng nặng
nề. Nó không phải là câu chuyện trăm năm mà đang hiển hiện ngay trước mặt, ngày
càng rõ nét trong những năm gần đây. Chuỗi đập thủy điện “treo túi nước” và các
kiểu “trích máu dòng sông” bằng các dự án chuyển nước dòng chính làm suy thoái
nghiêm trọng tài nguyên nước, tác động trực tiếp đến toàn bộ nền kinh tế dựa
trên hoạt động nông nghiệp, thủy sản và nền công nghiệp, dịch vụ vốn gắn liền với
trụ cột kinh tế đó của đồng bằng. Thách thức kép từ nước biển dâng, xâm nhập mặn
với sự sụt giảm và suy thoái nghiêm trọng càng bị nhân lên trước những vấn đề nội
tại của đồng bằng. Đó là một mô hình phát triển nặng khai thác tài nguyên, nền
nông nghiệp với đầu vào – đầu nặng số lượng, nhẹ chất lượng và giá trị nông sản,
ra chậm chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững. Điều đáng lo ngại là các
thách thức này không tác động riêng lẻ mà tích lũy, liên hoàn tác động. Rất cần
được xem xét tổng thể, định hướng mô hình phát triển, xác định các nhóm giải
pháp chiến lược, những đột phá trong tư duy để thống nhất hành động trong toàn
xã hội.
Tư duy trên đôi chân phát triển đồng bằng
Khó có thể có cuộc chuyển đổi lớn
mang tính cải cách mạnh mẽ, trong khi vẫn còn đó những cản trở về chính sách đất
đai, thiếu khoa học kỹ thuật cho sản xuất hàng hóa lớn, mô hình tổ chức sản xuất
- kinh doanh nông nghiệp. Không thể lắt nhắt một ít chính sách trợ giúp tạm trữ
lúa, muối, một ít chính sách hỗ trợ vốn, một vài dự án hỗ trợ khoa học kỹ thuật
có tính đối phó ngắn hạn.
Tầm nhìn tổng quan, tư duy hệ thống
là đòi hỏi trước các thách thức, cơ hội để định ra các giải pháp chuyển đổi mô
hình phát triển; xây dựng nền nông nghiệp bền vững, nâng cao sức chống chịu và
thích ứng trước nhiều thay đổi. Cần sử dụng công cụ quy hoạch không gian và
tích hợp, phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, xây dựng; xác định nhu cầu
và điều phối nguồn lực phát triển vùng đang được kỳ vọng với lời giải tổng thể
bằng sự tiếp cận đa ngành, phối hợp giải quyết liên ngành.
Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp,
trước tiên cần chuyển đổi tư duy làm chính sách mới thúc đẩy các mô hình làm ăn
mới. Nông dân của ta đang miệt mài giải bài toán chi phí - lợi ích, kinh tế -
môi trường, sinh kế - đời sống dân sinh. Trong khi thực tiễn cho thấy đòi hỏi,
sức ì trong thể chế và nội tại của sản xuất nông nghiệp cần được phá băng.
Tư duy thị trường phải được định
hình ngay trong tư duy quy hoạch và định hình cơ chế chính sách. Chính thị trường
mới quyết định nuôi trồng, sản xuất cái gì, như thế nào và bán cho ai? Không thể
duy ý chí, áp đặt chủ quan từ bên trên để đặt chỉ tiêu phải sản xuất bao nhiêu,
kim ngạch xuất khẩu đạt bao nhiêu. Nói cách khác, không thể áp đặt trồng cây
gì, nuôi con gì trong một thị trường luôn thay đổi, “trăm người bán, vạn người
mua”, mà chỉ có thể định hướng và phải luôn linh hoạt theo độ co giãn của thị
trường.
Nông dân “4 bước”, nông nghiệp
“4 đúng”
Nông dân là chủ thể, nông thôn là
địa bàn, nông nghiệp là cơ hội. Nông thôn ĐBSCL đang trong tình trạng “4 nhất”:
nghèo nhất, lạc hậu nhất, hưởng phúc lợi xã hội thấp nhất và dễ bị tổn thương
nhất. Trước thách thức sống còn của những thay đổi về điều kiện tự nhiên, tài
nguyên đất, nước và thị trường, nông thôn ĐBSCL cần thay đổi căn bản; nông nghiệp
chuyển đổi theo “4 đúng”: đúng lượng, đúng chất, đúng thời điểm, đúng giá trị
nông sản; nông dân phải vượt qua hoặc vướng lại trong “4 bước đi”: bước lên, bước
xuống, bước vào, bước ra. Vào làm ăn và đi lên bằng doanh nông hiện đại, theo
cách làm mới, liên kết, hợp tác làm giàu hay bước ra riêng lẻ, tụt hậu trước
thách thức, cạnh tranh toàn cầu. Cần những nghiên cứu căn cơ, thiết thực, đề xuất
cải tiến cơ chế, chính sách liên kết vùng, thực hiện “tam nông” trong điều kiện
và đặc thù riêng của vùng.
Các chính sách của Nhà nước cũng
phải hướng tới giúp người sản xuất nhận diện và thẩm thấu tư duy thị trường như
đào tạo kiến thức thị trường, cung cấp thông tin, hỗ trợ giảm chi phí vận chuyển,
bảo quản, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã (đào tạo nhân lực, đầu tư kho
bãi, nhà kho, nhà xưởng...).
Chuyển đổi mô hình phát triển cho
đồng bằng phải được tiến hành bằng tư duy, chính sách dài hạn hơn là những đối
phó ngắn hạn. Kế hoạch ĐBSCL, tầm nhìn dài hạn đến năm 2100 được các chuyên gia
Hà Lan cùng các nhà khoa học trong nước khuyến nghị Chính phủ xem xét qua 4 kịch
bản phát và khuyến nghị mô hình công
nghiệp hóa kinh doanh nông nghiệp. Cần tập trung ba vấn đề mang tính xương sống.
Một là, quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng
trên cơ sở gắn với cung - cầu thị trường. Hai là, tái cấu trúc nông nghiệp phải
theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Quá trình tái cơ cấu phải chú trọng đến việc
đổi mới cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo tính hài hòa trong việc phân chia lợi
ích giữa các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ba là,
tập trung cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, tạo các giống có năng suất, chất
lượng và giá trị cao. Đưa nhanh các công nghệ mới vào tất cả các khâu: sản xuất,
thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, gắn với đổi mới
sáng tạo trong nông nghiệp, khuyến khích nông dân khởi nghiệp cùng với nâng cao
tri thức kinh doanh nông nghiệp cho nông dân.
Tư duy về lợi thế của nông nghiệp
ĐBSCL cần được thể hiện trong một chiến lược quốc gia, vùng miền để tạo ra sức
cạnh tranh hơn là quanh quẩn trong địa giới hành chính tỉnh, huyện như vừa qua.
Yêu cầu khắc nghiệt của hội nhập, cạnh tranh quốc tế đòi hỏi người nông dân phải
vượt khỏi không gian ruộng đồng, phải chuyển đổi tư duy “làm ra nhiều nông sản”
sang tư duy “làm ra nhiều giá trị từ nông sản”. Thách thức gay gắt của hội nhập,
cạnh tranh đòi hỏi “tam nông” ĐBSCL phải khắc phục những yếu kém nội tại và tận
dụng lợi thế. Doanh nhân hóa nông dân, nông dân làm giàu được từ kinh doanh
nông nghiệp và môi trường nông thôn mới đáng sống là những kỳ vọng cho một giai
đoạn mới.
Trần Hữu Hiệp
Ủy viên Chuyên trách BCĐ Tây Nam
Bộ
Nhận xét
Đăng nhận xét