Báo Nhân Dân, Thứ Tư, 27/09/2017, 15:29:21
NDĐT - Ngày 27-9, tỉnh Hậu Giang
phối hợp Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Trường
đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy liên kết, phát triển chuỗi giá trị
lúa gạo chất lượng cao theo hướng bền vững tỉnh Hậu Giang”, với sự tham dự của
hơn 300 đại biểu là nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ các cơ
quan Trung ương, địa phương trong vùng ĐBSCL.
Đây là một phần trong chuỗi hoạt
động xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang sẽ chính thức diễn ra vào ngày mai (28-9),
với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại buổi hội thảo, Phó
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho rằng: Trong những năm qua, sản
xuất nông nghiệp của vùng nói chung và Hậu Giang nói riêng gặp những khó khăn
thách thức trong quá trình sản xuất cũng như tiêu thụ. Tác động rõ nhất là biến
đổi khí hậu, mưa trái mùa, tình hình hạn hán xâm nhập mặn, dịch bệnh diễn biến
bất thường; an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều tồn tại, các hợp đồng tiêu thụ
sản phẩm không như mong muốn, giá cả bấp bênh…
Do đó, hội thảo lần này là một hoạt
động mang ý nghĩa hết sức thiết thực, giúp đưa ra nhiều giải pháp phù hợp, đặc
biệt là có sự hỗ trợ của nhà khoa học, các viện, trường, các hiệp hội doanh
nghiệp nghiên cứu đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến ứng
dụng vào sản xuất lúa gạo theo hướng sạch và an toàn thực phẩm, từng bước tiến
tới sản xuất hữu cơ nâng cao giá trị lúa gạo.
Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng
lúa gạo, cũng như tạo điều kiện tổ chức sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị,
hình thành các tổ chức kinh tế hợp tác, đại diện cho nhiều hộ nông dân thực hiện
hợp đồng kinh tế có tính pháp lý và bền vững. Đồng thời, có các chính sách hỗ
trợ cho người trồng lúa, giảm bớt các khâu trung gian, nâng cao chất lượng và
giá trị lúa gạo, cải thiện thu nhập cho người trồng lúa, góp phần công nghiệp
hóa, hiện đại hóa nông thôn.
Tại hội thảo, các đại biểu tập
trung đánh giá về tình hình sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL nói chung, tỉnh Hậu
Giang nói riêng, đồng thời cùng thảo luận và nhận định đúng vai trò, tầm quan
trọng của việc phát triển lúa gạo chất lượng cao hiện nay. Từ đó, đúc kết những
bài học kinh nghiệm, nhằm bổ sung, phát huy tốt hơn nữa cho việc nghiên cứu và
phát triển cây lúa chất lượng cao trong tương lai, góp phần bảo đảm vững chắc về
an ninh lương thực và tăng thu nhập cho người trồng lúa.
Các đại biểu cũng đề xuất các giải
pháp thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo hướng bền vững, từng
bước hướng đến sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ, lấy tăng trưởng xanh làm nền tảng,
bảo đảm an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên
trách Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ: Để bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững, để hạt gạo
Hậu Giang không bị “cầm tù trong ranh giới hành chính tỉnh” thì cần đặt trong mối
quan hệ liên kết vùng ĐBSCL, trước cơ hội và thách thức hội nhập, cạnh tranh của
thị trường lúa gạo cả nước và toàn cầu.
Hậu Giang cần đầu tư chiều sâu, gắn kết với
định hướng đầu tư Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Đồng thời,
phải tăng cường liên kết với các địa phương khác trong vùng để bảo đảm nguồn
nguyên liệu trước mắt cho chế biến, xuất khẩu hoặc lựa chọn phân khúc đầu tư
cho các sản phẩm sau gạo, có giá trị gia tăng cao. Địa phương cũng cần nghiên cứu
chọn hướng đi riêng và tạo sự khác biệt trong sản phẩm...
PHÙNG DŨNG
Nhận xét
Đăng nhận xét