Hằng năm, khu vực Đồng
bằng sông Cửu Long sản xuất hơn 50% sản lượng lương thực, cung cấp hơn 90%
lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Lúa gạo khu vực này đã trở thành ngành hàng có
ưu thế lớn.
Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, trước những thách thức của biến đổi khí hậu, thị
trường nhiều biến động, cần thiết sớm có giải pháp phát triển bền vững lúa gạo
Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng ngành hàng này lại đang gặp không ít cản lực tồn
tại nhiều năm qua.
Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách kinh tế, Ban Chỉ
đạo Tây Nam Bộ, cho rằng sau 30 năm đổi mới, ngành lúa gạo Đồng bằng sông Cửu
Long đạt nhiều thành tựu quan trọng; góp phần đưa Việt Nam từ một nước thiếu
lương thực vươn lên thành cường quốc xuất khẩu gạo, tham gia chuỗi giá trị nông
sản toàn cầu.
Tuy nhiên, những thành tích đã qua, không phải là một đảm
bảo chắc chắn cho thành công tới. Sản xuất nhiều gạo hơn, xuất khẩu gạo thô
nhiều hơn không hẳn là giải pháp cho an ninh lương thực và giúp nông dân làm
giàu.
Mà cần cách tiếp cận đa ngành, có sự phân biệt rõ ràng giữa
đáp ứng cho mục tiêu chính trị - xã hội – công cộng và kinh tế - thương mại –
tạo lợi nhuận hợp lý và bền vững cho nông dân.
Trồng lúa trước yêu cầu mới, không chỉ đơn thuần là một
ngành trồng trọt, mà nó phải gắn kết theo chuỗi giá trị lúa gạo.
Chia sẻ về thực trạng hiện nay, ông Trần Hữu Hiệp cho hay,
sản xuất lúa của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh
mún.
Dựa trên quy mô và hình thức liên kết sản xuất, thì 86% hộ
dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long có quy mô nhỏ, diện tích dưới 2ha; hộ
trồng lúa quy mô lớn hơn, diện tích từ 2 ha trở lên chỉ chiếm khoảng 14%.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Cần, Trường Đại
học Cần Thơ, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối đầu với sự cạnh
tranh của nhiều đối thủ sản xuất kinh doanh mạnh.
Cụ thể nông dân phải cạnh tranh với hàng hóa nông sản nhập
khẩu và cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu của nông dân các nước mạnh hơn;
với sự tổ chức rất tốt về hệ thống và quy mô, cũng như sự hợp tác trong sản
xuất kinh doanh ở đỉnh cao.
Trong khi đó, một thực tế nghiệt ngã là nông dân Đồng bằng
sông Cửu Long chịu nhiều rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Đó là được mùa rớt
giá, tổ chức sản xuất lỏng lẻo đơn độc, kinh doanh thiếu hợp tác mạnh ai nấy
làm, thiếu kế hoạch.
Ước tính có trên 50% giá trị sản xuất nông nghiệp cho xuất
khẩu của Việt Nam theo kiểu "ăn xổi ở thì", các rủi ro về giá cả thị
trường nông dân gánh lấy. ác hình thức kinh tế hợp tác như tổ hợp tác, hợp tác
xã nông nghiệp chưa đủ mạnh, chưa đem lại hiệu quả.
Cùng với đó, chuỗi giá trị lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu
Long còn nhiều khâu trung gian và phụ thuộc rất lớn vào thương lái, đại lý vật
tư nông nghiệp.
Ngành lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động rất lớn
bởi yếu tố rủi ro do thiên tai, biến động của giá cả thị trường lúa gạo trong
nước và trên thế giới.
Sự hưởng lợi của khâu trung gian và việc thiếu vắng tiếng
nói của nông dân trong quá trình hoạch định, ban hành chính sách liên quan cũng
là những vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong ngành lúa gạo hiện nay.
Một trong những trở lực nữa mà theo Tiến sĩ Đoàn Mạnh Tường,
Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long là việc tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ
lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long những năm qua gặp không ít thách thức và
khó khăn.
Đó là liên kết sản xuất lúa giữa nông dân với nông dân còn
rất khiêm tốn, chưa phát huy hết vai trò của liên kết sản xuất nâng cao giá trị
hàng hóa của sản phẩm lúa gạo làm ra.
Cụ thể như trong thực hiện cánh đồng mẫu lớn tại Đồng bằng
sông Cửu Long đã bước sang giai đoan thứ hai, dựa trên quy mô liên kết để trở
thành cánh đồng lớn và định hình vùng nguyên liệu sản xuất ổn định nhiều năm,
tiến tới giai đoạn thứ ba là xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
Tuy nhiên, qua số liệu của Cục Trồng trọt cho thấy, toàn
vùng năm 2014 đã triển khai được gần 150.000 ha và năm 2015 triển khai hơn
200.000 ha, nhưng đến vụ Hè Thu năm 2017 thực hiện cánh đồng lớn với diện tích
hơn 100.000 ha, giảm gần 30.000 ha so với vụ Hè Thu 2016.
Điều đáng lo ngại là so diện tích canh tác lúa của vùng
Đồng bằng sông Cửu Long thì diện tích triển khai cánh đồng lớn vẫn còn quá nhỏ.
Năm 2014 diện tích cánh đồng lớn của vùng chỉ chiếm hơn 3%
tổng diện tích canh tác cả vùng, qua năm 2015 diện tích tăng được gần gấp đôi
và diện tích này tăng thêm chưa được 1%, chiếm 6,35% tổng diện tích lúa vụ Hè
Thu năm 2017 của vùng.
Cùng với đó, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa nông
dân và doanh nghiệp cũng nằm trong tình trạng chung như liên kết sản xuất giữa
nông dân với nông dân trong xây dựng cánh đồng lớn.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo bắt đầu tham
gia liên kết với nông dân thời gian gần đây như Công ty Hoàng Nhật Minh, Công
ty Gentraco, Công ty Hiệp Lợi, Công ty Vinacam, Công ty Cờ Đỏ, Công ty Mê Kong;
Công ty Lương thực Sông Hậu, Công ty Vinafood I, Công ty Vinafood II,…
Tuy nhiên, sự tham gia sâu trong liên kết của các công ty
là chưa nhiều. Năm 2013, diện tích lúa được bao tiêu sản phẩm chỉ chiếm khoảng
4,5% tổng diện tích canh tác lúa và chiếm khoảng 17% diện tích cánh đồng lớn.
Năm 2014, diện tích lúa được bao tiêu sản phẩm chỉ chiếm
gần 8% tổng diện tích canh tác lúa và chiếm gần 30% diện tích cánh đồng lớn.
Vụ Hè Thu năm 2017 diện tích lúa được các doanh nghiệp ký
kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho toàn vùng đạt 3,45% tổng diện tích lúa và
chiếm 54,32% diện tích cánh đồng lớn.
Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách kinh tế, Ban Chỉ
đạo Tây Nam Bộ, cho rằng hiện phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưa có
liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau để tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế
giới; chủ yếu tự mình tìm kiếm khách hàng, đặt giá, xây dựng thương hiệu.
Một số doanh nghiệp đầu tư sản xuất gạo hữu cơ, bước đầu
quan tâm đầu tư xây dựng thương hiệu và một số sản phẩm sau gạo, tuy chưa
nhiều, nhưng cũng đáng ghi nhận, cần được khuyến khích.
Tuy nhiên, nhìn chung, các nhà xuất khẩu gạo lớn của Việt
Nam vẫn chưa có sự liên minh, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp xuất khẩu
gạo ở các nước khác để đạt được thế mặc cả cao hơn trên thị trường.
Ở một khía cạnh khác về sự lỏng lẻo trong liện kết sản xuất
và tiêu thụ lúa gạo, ông Nguyễn Văn Vui, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vị
Thủy, tỉnh Hậu Giang, nhìn nhận có nhiều nguyên nhân mà mô hình liên kết sản
xuất lúa theo cánh đồng lớn là rất tốt, nhưng không tăng được diện tích trong thời
gian qua.
Đó là việc tham gia của chính quyền địa phương trong giải
quyết các khó khăn, vướng mắc giữa nông dân và doanh nghiệp chưa được kịp thời.
Nhất là việc nông dân mãi chạy theo năng suất mà quên quan tâm chất lượng, chạy
theo cái lợi trước mắt mà phá vỡ hợp đồng làm ăn trong lâu dài.
Rõ ràng, liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở Đồng bằng
sông Cửu Long vẫn là một mối liên kết yếu, đặc biệt chưa thể hiện được nhiều
trong mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa nông dân và doanh nghiệp.
Hơn bao giờ hết, người nông dân cần sớm liên kết lại, tổ
chức lại theo hình thức hợp tác xã kiểu mới, tiên tiến và đủ mạnh, đủ lớn để
giúp họ quản lý, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, sản xuất theo chuỗi giá
trị và áp dụng công nghệ cao một cách tốt hơn./.
Bài 2: Nâng cao năng lực hợp tác xã trồng lúa
Xem thêm:
Phạm Duy Khương/TTXVN
Nhận xét
Đăng nhận xét