Cầu Vàm Cống và Cao Lãnh hợp long sẽ rút ngắn thời gian từ
TP HCM về vùng Tứ giác Long Xuyên còn 4-5 giờ
Những ngày qua, người
dân vùng Tứ giác Long Xuyên và các tỉnh, thành ĐBSCL rất vui mừng khi cầu Vàm
Cống thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL vừa hợp long và dự kiến thông
xe vào cuối năm như cầu Cao Lãnh.
Triển khai hàng loạt dự
án
Cầu Vàm Cống
bắc qua sông Hậu thuộc địa phận huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp và quận Thốt Nốt,
TP Cần Thơ, cách bến phà Vàm Cống khoảng 1,5 km về phía hạ lưu. Cầu có 4 làn xe
cơ giới, 2 làn xe thô sơ; vận tốc thiết kế 80 km/giờ, dài gần 3 km và độ cao
thông thuyền 37,5 m. Đây là cây cầu có nhịp thép dài nhất phía Nam, với tổng
vốn đầu tư 7.341 tỉ đồng từ nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc và vốn
đối ứng của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong chuyến thị sát đường cao
tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mới đây Ảnh: XUÂN TUYẾN
Trong khi
đó, cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền dài hơn 2 km, có 4 làn ô tô và 2 làn xe thô
sơ, kinh phí đầu tư 3.000 tỉ đồng. Khi hoàn thành, cầu Cao Lãnh và tuyến N2
hiện hữu, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đang thực hiện sẽ thành trục dọc thứ 2 bên
cạnh Quốc lộ 1 từ TP HCM nối liền các tỉnh, thành miền Tây.
Theo quy
hoạch phát triển giao thông đường bộ đến năm 2020 và định hướng năm 2030, mạng
lưới đường bộ khu vực ĐBSCL gồm các trục dọc và trục ngang. Trục dọc gồm các
tuyến N1, N2 (đường Hồ Chí Minh), cao tốc TP HCM - Cần Thơ và Quản Lộ - Phụng
Hiệp, Quốc lộ 1, các trục Quốc lộ 50, 60. Trục ngang gồm các tuyến Quốc lộ 62,
30, 53, 91, 80 và tuyến Nam sông Hậu. Riêng hệ thống đường cao tốc hiện có 91
km đang khai thác (TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP HCM - Trung Lương), 106
km đang thi công xây dựng (Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận) và 24
km đang chuẩn bị đầu tư (Mỹ Thuận - Cần Thơ). Ngoài ra, còn một số đường cao
tốc theo quy hoạch, gồm Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (200 km), Hà Tiên - Rạch
Giá - Bạc Liêu (225 km) và Cần Thơ - Cà Mau (150 km).
Dự án cao
tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư 14.678 tỉ đồng, theo hình thức
BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), triển khai từ năm 2015 và dự kiến hoàn
thành vào quý III/2020. Nguồn kinh phí hoàn vốn dự án sẽ từ nguồn thu phí đoạn
cao tốc TP HCM - Trung Lương (khoảng 11 năm) và đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận (khoảng
20 năm).
Dự án cao
tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có tổng mức đầu tư hơn 6.384 tỉ đồng, được phê duyệt đề
xuất vào năm 2016, đang trong giai đoạn thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên
cứu khả thi. Dự kiến, dự án triển khai thi công từ quý III/2018 và hoàn thành
vào quý III/2021. Kinh phí đầu tư dự án từ nguồn vốn vay, không sử dụng ngân
sách.
Thoát ám ảnh kẹt phà
Trước sự
kiện cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh hợp long và sẽ thông xe vào cuối năm, anh
Nguyễn Văn Minh, tài xế xe khách tốc hành tuyến Rạch Giá (Kiên Giang) - TP HCM,
hồ hởi: "So với cánh tài xế chạy tuyến Cà Mau - TP HCM, Cần Thơ - TP HCM,
tài xế tuyến Rạch Giá - TP HCM nào cũng ngao ngán vì phải lụy phà Vàm Cống. Có
cầu Vàm Cống, từ TP HCM về An Giang, Kiên Giang và một số quận, huyện của TP
Cần Thơ sẽ rút ngắn từ 60 phút trở lên. Tết năm nay sẽ hết cảnh xe kẹt dài cả
mấy km ở 2 đầu bến phà Vàm Cống" .
Ông Nguyễn
Phương Lam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần
Thơ, cho biết: "Việc khánh thành cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống là sự kiện
quan trọng cho vùng Tứ giác Long Xuyên, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm Tây
Nam Bộ, việc đi lại và vận chuyển hàng hóa lên TP HCM còn khoảng 4-5 giờ, giảm
2-3 giờ so với trước. Vận chuyển hàng hóa bằng container sẽ giảm chi phí nhiều
so với vận chuyển riêng lẻ, giúp doanh nghiệp (DN) tăng năng lực cạnh
tranh".
Theo ông
Lam, thuận lợi về giao thông sẽ kéo theo số lượng DN tăng mạnh trong 3-5 năm
tới, nâng cao tỉ lệ phát triển DN chung của cả vùng. Đồng thời, ngành du lịch
An Giang và Kiên Giang cũng hưởng lợi.
Tuy nhiên, ông Trần Hữu Hiệp - Ủy viên chuyên trách, Ban Chỉ
đạo Tây Nam Bộ - cho rằng phát triển hạ tầng giao thông đồng bằng đang đứng
trước bài toán khó là "vốn ít, nhu cầu đầu tư lớn". Vì vậy, cần đẩy
mạnh xã hội hóa đầu tư hạ tầng và việc thu phí, bảo đảm cho nhà đầu tư có lãi
hợp lý là cần thiết. Song, mặt trái của "xã hội hóa" đang là một
"điểm nghẽn" cần tháo gỡ để mức thu sao cho công bằng, hợp lý.
Mới đây,
trong chuyến kiểm tra, thị sát cao tốc TP HCM - Trung Lương và một số nút giao
trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định
việc ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL thời gian qua
đã góp phần phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực
cạnh tranh của cả khu vực. Phó Thủ tướng cho rằng cao tốc TP HCM đi Cà Mau,
trong đó có đoạn Trung Lương - Cần Thơ, là tuyến "xương sống" của khu
vực ĐBSCL. Đồng thời, có vai trò kết nối giữa ĐBSCL với vùng TP HCM là khu vực
phát triển năng động nhất của cả nước.
"Việc
đầu tư, phát triển cao tốc này sẽ giảm áp lực cho Quốc lộ 1, góp phần nâng cao
năng lực vận tải hàng hóa và hành khách, giảm thiểu tai nạn giao thông, từ đó
nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân" - Phó Thủ tướng nhìn
nhận.
Nỗi lo trạm
thu phí BOT bủa vây
Theo ông Trần Hữu Hiệp, những bất hợp lý từ trạm phí BOT Cai
Lậy, T2 trên Quốc lộ 91 bên cạnh cầu Vàm Cống, cùng mạng lưới hơn 10 trạm thu
phí bủa vây các tuyến đường bộ ở ĐBSCL đang tạo gánh nặng cho sản phẩm, dịch vụ
của DN. Do đó, phải có phương thức đầu tư, tính toán khoa học và hợp lý để nhà
đầu tư có lãi, xã hội có đường đi tốt hơn mà không tạo gánh nặng quá sức và bất
hợp lý cho DN và người dân. Trong niềm vui của người dân ĐBSCL trước các sự
kiện lớn của ngành giao thông, vẫn còn đó nỗi lo cần giải quyết.
Công Tuấn
Nhận xét
Đăng nhận xét