Trần Hữu Hiệp
ĐBSCL là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới chịu tổn thương nặng
nề nhất do BĐKH và nước biển dâng. Đi kèm là các hệ lụy như hạn mặn, thời tiết
cực đoan đảo lộn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống và sản xuất của người dân.
Tình trạng ngập lụt hay hạn mặn diễn ra trước
mắt dễ nhận thấy. Hiện tượng sạt lở cũng được xem là tình huống thiên tai khẩn
cấp.
Trong khi đó, mối nguy khác là tình trạng sụt
lún đang làm cho đồng bằng "chìm dần" lại ít được quan tâm hơn, khiến
nó trở thành "kẻ giấu mặt" làm biến dạng đồng bằng, rất cần được nhận
diện để ứng phó kịp thời.
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra, việc khai thác nước ngầm thiếu
kiểm soát là nguyên nhân chính gây sụt lún đất. Tốc độ sụt lún ở ĐBSCL ngày
càng nghiêm trọng hơn, trung bình 1,1cm/năm, có nơi 2,5cm/năm, cao hơn 10 lần
so với tốc độ nước biển dâng. Mực nước ngầm ở một số nơi đã bị hạ thấp hơn 5m.
Để cứu ĐBSCL khỏi bị biến dạng, cần một chiến lược tổng thể
"cân bằng nước", nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý, sử dụng tài
nguyên nước theo hướng giảm tối đa việc khai thác nước ngầm.
ĐBSCL cần thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, công nghiệp
và tiêu dùng nước theo hướng phát triển nền công nghiệp xanh, nông nghiệp sạch,
giảm thâm canh, giảm đầu vào, tăng giá trị và chất lượng đầu ra, tăng cường
liên kết, chú trọng xây dựng, hoàn thiện các chuỗi giá trị nông sản chủ lực
vùng như thủy sản, trái cây, lúa gạo.
Nghị quyết 120/NQ-CP về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với
biến đổi khí hậu của Chính phủ đã xác định hai tư duy đột phá. Đó là tư duy
thích ứng thuận theo tự nhiên và quy hoạch không gian tích hợp. Cần sớm được
hiện thực hóa bằng các quy hoạch, chương trình, kế hoạch hành động thực tế.
Những giải pháp công trình mang tính kỹ thuật, công nghệ để ứng
phó trước tác động của BĐKH, sụt lún, hạn mặn là cần thiết. Nhưng ĐBSCL có
những đặc thù, cần nhận thức đúng để thích ứng chứ không nên chống chọi một
cách duy lý. Tác động của BĐKH không còn là cảnh báo mà đã hiển hiện.
Nhưng ĐBSCL không phải sẽ biến mất ngay trong vài mươi năm. Đó
là một quá trình đòi hỏi sự thích ứng chủ động và khôn ngoan. Hành động thích
ứng có thể đúng, có thể sai trong một tương lai bất định, nhưng cần dựa trên
"nguyên tắc không hối tiếc". Nếu hành động sai thì vừa tốn kém, không
hiệu quả mà cái giá phải trả cho sai lầm sẽ rất đắt.
Tư duy quy hoạch tích hợp mang tính không gian vùng, tiểu vùng
và liên kết đòi hỏi phải thực thi mệnh lệnh liên kết vùng. Mạnh ai nấy làm như
mọi khi, địa phương nào biết địa phương đó, ngành nào biết ngành đó không còn
phù hợp sẽ làm cho những kẻ thù dấu mặt sụt lún dưới tầng nước ngầm và phía sau
BĐKH, nước biển dâng ngày càng hung bạo hơn.
Chỉ có cách tiếp cận theo vùng, liên vùng, phối hợp liên ngành
cùng hành động mới mong thích ứng trước các biến đổi tự nhiện và xã hội.
TRẦN
HỮU HIỆP
Nhận xét
Đăng nhận xét