Trần Hữu Hiệp
Từ xa xưa, các bậc tiền hiền khai phá vùng châu thổ Cửu Long đã phải chống chọi với điều kiện khắc nghiệt của vùng đất mới. Lịch sử hàng trăm năm qua cho thấy, người dân nơi đây đã biết chủ động thích ứng thuận thiên, hợp địa, tôn trọng quy luật tự nhiên theo điều kiện thực tế.
Giống
lúa chịu mặn tốt được canh tác ở Bạc Liêu. Ảnh: CHÍ QUỐC
Bao đời nay, người dân ven biển đã biết dùng lu, khạp để trữ nước ngọt
mùa mưa dùng cho mùa khô. Thực tế, trong một số tiểu vùng bị hạn mặn nghiêm
trọng vẫn có nhiều nông dân "né hạn" nhờ chủ động lịch thời vụ, sử
dụng giống ngắn ngày, có những rẫy màu chủ động tưới bằng nước ngầm, tránh được
thiệt hại. Tư duy thích ứng đó cần được nâng lên thành định hướng "3
chuyển dịch": chuyển lịch thời vụ "né hạn, mặn", sử dụng giống
thích ứng hạn, mặn và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế
hơn cây lúa kèm theo là các giải pháp kỹ thuật, tín dụng, gắn với thị trường
tiêu thụ nông sản để đảm bảo sự chuyển đổi thành công, không duy ý chí và hành
chính hóa sản xuất.
ĐBSCL đã xuất hiện nhiều mô hình tốt như lúa – tôm ở Bạc Liêu, Sóc Trăng;
mô hình nuôi tôm sạch dưới tán rừng ở Cà Mau; cây dừa thích ứng BĐKH ở Bến Tre
và các mô hình sinh kế thích ứng trên đất giồng ven biển ở Trà Vinh … Các mô
hình đó cần được tiếp tục nghiên cứu để nhân rộng trong phạm vi từng tiểu vùng
thích hợp, trên cơ sở tôn trọng giá trị nhân văn, kiến thức bản địa kết hợp với
tri thức công nghệ hiện đại và tư duy hệ thống chứ không phải bằng kinh nghiệm
đơn thuần.
Để nâng tầm thích ứng của người dân trước thách thức mới, chính quyền các
tiểu vùng ven biển với vai trò kiến tạo của mình, cần thay đổi tư duy phát
triển, chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp đa
dạng, từ nặng về số lượng sang chất lượng và giá trị. Cần tiếp cận tổng thể,
tích hợp chứ không thể chỉ đạo phát triển lẻ mẻ từng mô hình rồi nhân rộng một
cách cứng nhắc. Cần lấy tài nguyên đất và nước được ví như đôi chân phát triển
đồng bằng làm yếu tố cốt lõi. Khai thác thổ nhưỡng phải gắn với từng tiểu vùng
sinh thái.
Bên cạnh nước ngọt, cần xem nước mặn, lợ cũng là tài nguyên phát triển kinh
tế biển, ven biển. Tránh ngăn mặn bằng cách can thiệp thô bạo như đã làm. Chú
trọng phát triển vùng duyên hải, vùng đặc quyền kinh tế, phát huy vị trí địa –
kinh tế, chính trị của đồng bằng.
Thích nghi với hạn, mặn, phát triển kinh tế ven biển, kinh tế biển xanh phù
hợp chính là bước chuyển dịch căn bản để vùng đất phù sa vượt qua khỏi cái bóng
của nông nghiệp lúa nước truyền thống từ ngàn đời, hướng đến mục tiêu an toàn,
thịnh thượng trong tương lai.
Nhận xét
Đăng nhận xét