Trần Hữu Hiệp
TTO - Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương về miền Tây chẳng khác
nào là cao tốc... cụt bởi sau khi "bon bon", mọi người lại phải chen
chúc trên quốc lộ 1.
Đến nay, khi cả nước đã có 740km đường cao tốc thì vùng trọng
điểm nông nghiệp ĐBSCL nối TP.HCM và miền Đông Nam Bộ chỉ có 40km. Đường về
miền Tây còn xa quá. Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương về miền Tây chẳng khác
nào là cao tốc... cụt bởi sau khi "bon bon", mọi người lại phải chen
chúc trên quốc lộ 1.
Sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng lo ngại khi đường cao
tốc TP.HCM - Trung Lương chỉ dừng lại ở đó, dù có mở rộng quốc lộ đến Cà Mau
thì đây vẫn là tuyến độc đạo, bị nghẽn cổ chai.
Chủ trương đầu tư tiếp tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận -
Cần Thơ là nhằm xóa cảnh cao tốc cụt, phá thế nghẽn cổ chai cho vùng đồng
bằng.
Tuy nhiên, 9 năm qua, dù tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã
qua 2 lần khởi công, từ năm 2009 và gần đây nhất là năm 2015, nhưng đến nay vẫn
thi công ì ạch.
Trong khi tiến độ giải phóng mặt bằng đã hoàn thành gần 97%
nhưng khối lượng thi công chỉ đạt 3%.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã phê bình Bộ GTVT
về tiến độ chậm chạp của tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Nguyên nhân chậm
là do chưa bố trí được vốn, thay đổi thiết kế, thủ tục.
Đại diện nhà đầu tư cho biết nếu được tháo gỡ về thủ tục, được
gia hạn thời gian ký hợp đồng vay vốn ngân hàng thì đến quý 2-2020 mới xong
tuyến cao tốc này. Thế là mọi người phải chờ.
Đường về miền Tây còn xa quá là bởi vựa lúa gạo, trái cây, thủy
sản quốc gia nhiều năm liền chỉ có tuyến quốc lộ 1 độc đạo gồng mình quá
tải.
Gần đây, có thêm tuyến N1 (dọc biên giới), N2, đường Hồ Chí Minh
giai đoạn II nối từ Chơn Thành đến Cà Mau.
Rồi cầu Rạch Miễu nối đôi bờ sông Tiền, phá thế độc đạo của xứ
dừa Bến Tre và các cầu vượt sông lớn trên trục quốc lộ 1 đã nối nhịp đến mũi Cà
Mau.
Trục chiến lược ven Biển Đông nối TP.HCM với phần ven biển của
các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau được hình
thành.
Các quốc lộ 53, 54, 60, 80... đã được nâng cấp, mở mới tuyến
Quản Lộ - Phụng Hiệp, Nam Sông Hậu.
Nhưng đã nói đến hạ tầng là phải nghĩ đến kết nối thông suốt, là
một hệ thống mạng nhện tỏa ra các nơi, chứ một hoặc hai dự án cũng không thể
phá được thế độc đạo, khó phát huy được hiệu quả của các công trình đã đầu tư.
Bởi thế, không chỉ người miền Tây mà ngay cả ở TP.HCM và miền
Đông cũng vui khi Quốc hội bố trí vốn làm đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ
và dự án cầu Mỹ Thuận 2.
Nhưng đây cũng là lúc mọi người phải hồi hộp chờ, bởi không khéo
thì tình trạng cao tốc cụt khó được xóa bỏ nếu vì lý do nào đó mà xong đoạn này
lại phải chờ đoạn kia.
Cơ hội cất cánh nhanh hơn cho ĐBSCL sẽ không đến nếu toàn
tuyến cao tốc từ TP.HCM về Cần Thơ cứ thi công ì ạch, tình trạng cao tốc cụt
chưa được xóa bỏ.
Hãy trải thảm đón nhà đầu tư về với ĐBSCL. Thảm đỏ không chỉ là
chính sách, những ưu đãi, mà còn là hạ tầng, trong đó có đường sá, mà thời buổi
bây giờ phải là đường cao tốc.
Nhận xét
Đăng nhận xét