ThS.
Trần Hữu Hiệp
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Tại các đô thị vùng
sông nước miền Tây Nam Bộ, nơi có nhiều sản vật tự nhiên, ẩm thực hấp dẫn và
sinh hoạt mang tính cộng đồng cao; hoạt động mua bán hàng rong diễn ra thường
xuyên, đa dạng về chủng loại, phong phú về hình thức và có phần “lộn xộn” về
tính tự phát.
TP. Cần Thơ – Tây Đô là đô thị trung tâm vùng ĐBSCL về nhiều mặt, quận Ninh Kiều là “cửa ngõ” của Tây Đô, hoạt động này diễn ra thường xuyên tại các tuyến phố, khu vực đông dân cư, nhiều khách tham quan du lịch, tại các “chợ chồm hổm”; hoặc mua bán nhộn nhịp dưới sông (chợ nổi, ghe hàng, …).
TP. Cần Thơ – Tây Đô là đô thị trung tâm vùng ĐBSCL về nhiều mặt, quận Ninh Kiều là “cửa ngõ” của Tây Đô, hoạt động này diễn ra thường xuyên tại các tuyến phố, khu vực đông dân cư, nhiều khách tham quan du lịch, tại các “chợ chồm hổm”; hoặc mua bán nhộn nhịp dưới sông (chợ nổi, ghe hàng, …).
Nhu cầu sử dụng
“hàng rong” của cư dân và du khách tại quận trung tâm Ninh Kiều nói riêng và TP.
Cần Thơ nói chung, không chỉ là nhu cầu tiêu dùng mà còn là tập quán sinh hoạt
mang đậm nét văn hoá, là một nhu cầu khách quan. Theo đó, “mua bán hàng rong” tồn
tại để đáp ứng cung – cầu. Song, nó cũng mang theo những mặt tiêu cực như: làm
mất mỹ quan độ thị, không đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh
thực phẩm.
Do nhìn nhận thực
trạng này một cách phiến diện, thiếu giải pháp đồng bộ mà nhiều nơi đã sử dụng
các biện pháp hành chính “cứng rắn” như xử phạt nặng người bán, tịch thu phương
tiện mua bán hàng rong. Nhưng mua bán hàng rong vẫn tồn tại với sức sống riêng
của nó, bất chấp việc cấm đoán. Vấn đề đặt ra đối với hoạt động này khi thực
thi các giải pháp, biện pháp hành chính, kinh tế - xã hội, môi trường … là góc
nhìn chính sách – pháp luật. Đó cũng là nội dung chính của tham luận này.
II. NỘI DUNG
& ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
1. Một
số vấn đề lý luận và thực tiễn cần thống nhất về mua bán hàng rong
Các nghiên cứu lý luận và thực tiễn cho thấy, hoạt động mua bán hàng
rong với cả hai mặt, tiêu cực và tích cực của nó đã, đang và sẽ còn tồn tại lâu
dài tại các đô thị ở nước ta. Vấn đề đặt ra là “chính sách ứng xử” với nó như
thế nào của nhà quản lý, sao cho vẫn giải quyết nhu cầu khách quan về sinh kế của
người dân, nhu cầu sử dụng “hàng rong” của người tiêu dùng, lồng ghép với phát
triển du lịch, làng nghề và đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị.
“Khái niệm” mua bán hàng rong có thể được hiểu là những “hoạt động
thương mại” thường xuyên, chủ yếu là mua bán
hàng hóa tiêu dùng, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhỏ lẻ nhằm mục
đích sinh lợi, nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của
pháp luật. Theo đó,
mua bán rong, bao gồm mua dạo, bán dạo, không có
địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong); mua bán không có địa điểm cố định (mua bán vặt) như thức ăn nhanh đường phố, bán vé số, sách báo cá
nhân, mua phê liệu, phế thải, dịch vụ đánh giầy, chữa khóa,
sửa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc … và các dịch vụ khác không có địa
điểm cố định hoặc có địa điểm
“cố định tạm thời”. Đặc điểm chung của mua, bán hàng rong là “không có địa điểm
cố định”. Tuy nhiên, trong thực tế, cũng tồn tại những điểm bán rong “cố định
tạm thời” do những người bán rong lấn chiếm lòng, lề đường, khu phố, khu chợ mà
không có đăng ký hay được phép sử dụng. Người
bán hàng rong cũng không được luật định là thương
nhân hay là người buôn chuyến[2].
2. Cơ sở pháp
lí cho sự tồn tại của hoạt động bán hàng rong:
Cơ sở thực
tế đã rõ. Song, có hay không một cơ sở pháp lý cho hoạt động bán hàng rong? Mặc
dù hoạt động này đã tồn tại lâu đời và diễn ra thường xuyên trong đời sống hàng
ngày, tập trung ở khu vực đô thị, nhưng khái niệm bán hàng rong không có trong Luật Thương mại. Theo nghiên cứu của
tôi, qua việc rà soát và đối chiếu các văn bản pháp luật hiện hành, thì văn bản
có tính pháp lý cao nhất hiện nay trực tiếp điều chỉnh hoạt động bán hàng rong là Nghị định số 39/2007/NĐ-CP ngày
16-3-2007 của Chính phủ, quy định về hoạt động thương mại một cách độc lập, thường
xuyên không phải đăng ký kinh doanh. Cụ thể, Điều 3 của Nghị định này nêu rõ: “Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động
mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa
bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương
nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán
rong”.
Cá nhân hoạt động bán hàng rong tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật và không phải là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại.
Cá nhân hoạt động bán hàng rong tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật và không phải là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại.
Như vậy, mặc dù cần phải tiếp
tục hoàn thiện, nhưng “cơ sở pháp lí” để
các hoạt động bán hàng rong tồn tại đã được xác định. Ngoài ra, các nguyên tắc Hiến định
và luật định về quyền tự do kinh doanh, công dân được kinh doanh tất cả những
ngành nghề pháp luật không cấm, quyền tự do đi lại, cư trú, quyền có việc làm của
người lao động … đã được quy định trong Hiến pháp, các luật chuyên ngành cũng
chính là các căn cứ pháp lí quan trọng cho hoạt động bán hàng rong tồn tại hợp
pháp. Vấn đề còn lại là biện pháp tổ chức, sắp xếp, bố trí, quản lí, sử dụng tổng
hợp các giải pháp kinh tế, văn hoá – xã hội, hành chính, kể cả việc xử phạt để
đảm bảo yêu cầu quản lí … được thực thi như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.
3. Mua bán hàng rong dưới góc nhìn chính sách và đề xuất
các giải pháp:
Mua bán hàng rong cần được nhìn nhận dưới góc nhìn của
chính sách kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, vệ
sinh an toàn thực phẩm và yêu cầu quản lí
nhà nước
về trật tự an toàn xã hội.
3.1. Chính sách
kinh tế: hoạt động mua bán
hàng rong đã tồn tại như một “bộ phận cấu thành” của nền kinh tế nhiều thành phần
– kinh tế cá thể “nhỏ và siêu nhỏ” – có quan hệ sở hữu, vận hành theo “quy luật
cung – cầu”, “quy luật giá trị” … của kinh tế thị trường. Do tính chất “mua tận
gốc, bán tận ngọn, trực tiếp, giá cả bình dân”, nên bán hàng rong đã chiếm phần
lớn thị phần. Qua giao tiếp với khách hàng, người bán hàng rong cũng rút ra được
nhiều kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng kinh doanh mà khó có trường học lý thuyết
nào mang lại.
Dưới góc độ kinh tế, bán hàng rong là một “kênh tiêu
thụ truyền thống”. Đội ngũ bán hàng rong là những người có nhiều kinh
nghiệm thực tiễn trong việc phân phối hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng. Bán
hàng rong đã xác lập được một kênh tiêu thụ tự nhiên, bền chặt. Mặc dù là một
hoạt động kinh tế không chính qui, không chính thức, thậm chí tên gọi của các
“chủ thể” cũng chưa được luật định, nhưng hoạt động bán hàng rong là một phần
quan trọng của mạng lưới phân phối, có lợi thế cạnh tranh với hệ thống thương mại
quốc doanh hay hệ thống cửa hàng, siêu thị hiện đại của các công ty lớn nhờ sự
gần gũi và trực tiếp với người tiêu dùng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối
cảnh kinh tế khó khăn. Nếu hoạt động bán hàng rong không còn, chắc chắn hệ thống
các chợ đầu mối sẽ bị ảnh hưởng, khu vực nông nghiệp, nông thôn, tiểu thủ công
nghiệp và dịch vụ theo mô hình hộ kinh tế gia đình nhỏ lẻ sẽ gặp khó khăn, kênh
phân phối bình dân ở khu vực đô thị bị tắc nghẽn.
3.2. Chính sách văn hoá – xã hội: hàng rong là một nét văn hoá đặc trưng miệt vườn, sông
nước Miền Tây; tạo
việc làm, tăng khả năng giao tiếp;mang lại lợi ích cho người
tiêu dùng, là môi trường thực tiễn sinh động rèn luyện cho các “thương nhân
tương lai”. Hầu hết những người bán hàng
rong là từ nông thôn hoặc khu vực ngoại thành, họ mưu sinh vì nhiều lí do rất
khác nhau: thu nhập thấp, không ổn định, không có công ăn việc làm, không đất sản
xuất, mất nghề truyền thống hoặc không còn con đường mưu sinh nào khác. Khi
người bán, người mua giao lưu trực tiếp, cũng làm tăng khả năng giao tiếp, trao
đổi thông tin. Theo cách này, hệ thống người bán hàng rong có thể góp phần nâng
cao hiểu biết lẫn nhau giữa các nhóm người, tạo gắn bó thông qua sinh hoạt cộng
đồng thường xuyên hàng ngày.
4. Đề xuất một số chính
sách, giải pháp:
4.1. Chính sách và pháp luật: trong khi chưa có những chính
sách tập trung hỗ trợ và huy động đầu tư như chương trình mục tiêu quốc gia xây
dựng nông thôn mới, đào tạo nghề lao động nông thôn, ngoài Nghị quyết
06/NQ-HĐND ngày 05-7-2013 của HĐND thành phố như đã nêu, cần có cơ chế nguồn vốn,
chỉ đạo hỗ trợ đào tạo nghề cho dân nghèo thành thị, đặc biệt là đối tượng bán
hàng rong. Chính quyền thành phố cần ban hành các văn bản pháp qui có liên quan
để định hướng, tạo điều kiện tổ chức quản lí tốt, xử phạt nghiêm minh các hành
vi vi phạm liên quan hoạt động bán hàng rong.
4.2. Giải pháp qui hoạch: cần rà soát, qui hoạch hoạch mới và bổ sung các làng nghề, sản phẩm,
dịch vụ truyền thống là “nguồn cung” của hoạt động bán hàng rong theo
hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính hợp lý. Cần quy hoạch những khu phố, điểm bán
hàng rong tập trung, chợ đêm, phố đi bộ, khu du lịch ẩm thực thu hút khách, xây
dựng văn hoá thương mại.
Quy hoạch các tuyến đường, phần đường được phép sử dụng hay các điểm tập
trung được phép bán hàng rong, tiến tới việc cấp
trang phục như áo bà ba, nón lá cho phụ nữ, thẻ bán hàng hay các hình thức nhận
dạng phù hợp khác cho người hành nghề theo các thủ tục đơn giản và thuận tiện
nhất cho người dân và công tác quản lí. Đối với những loại hàng hoá, dịch vụ
liên quan vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường, cần phải đảm bảo các yêu cầu
này như một điều kiện kinh doanh bắt buộc. Do tính chất phức tạp của hoạt động bán hàng
rong, để đáp ứng yêu cầu quản lý, không thể tách rời các biện pháp mà cần phối,
kết hợp đồng bộ.
4.3. Tạo mạng lưới phân phối ổn định: hỗ trợ xây dựng các
mô hình đặt hàng, bán hàng qua điện thoại và giao hàng tận nơi theo yêu cầu. Hỗ
trợ người bán hàng rong từng bước tiếp cận thương mại hiện đại (thương mại điện
tử, xúc tiến thương mại, sử dụng truyền thông công cộng để quảng bá sản phẩm, dịch
vụ).
III. KẾT LUẬN:
Quản lý bán hàng
rong là một bài toán khó, không chỉ là nhiệm vụ của UBND các phường trong quận
Ninh Kiều, lực lượng quản lí thị trường, cảnh sát trật tự mà cần có sự tham
gia, phối hợp đồng bộ và hiệu quả của nhiều cơ quan, các cấp chính quyền quận,
thành phố. Hơn hết là xây dựng ý thức, trách nhiệm, hành vi và hành động cụ thể
từ người bán hàng, người tiêu dùng và toàn xã hội.
Hoạt động bán hàng
rong tại quận Ninh Kiều hiện nay vẫn bộc lộ cả 2 mặt, tiêu cực lẫn tích cực của
nó. Câu trả lời từ nghiên cứu lí luận và thực tiễn cho thấy, hoạt động này vẫn đang
và sẽ còn tồn tại lâu dài ở đô thị trung tâm Tây Đô. Vấn đề quan trọng được rút
ra là cần một nhận thức đúng đắn, toàn diện về hiện tượng này và hệ thống chính
sách, giải pháp đồng bộ để tạo điều kiện phát triển hoạt động “thương mại đặc
thù” trong trật tự, hạn chế tối đa mặt tiêu cực và khai thác tốt nhất yếu tố
tích cực của nó.
[1]
Hội thảo Khoa học lần 2 đề tài “Phân
tích thực trạng bán hàng rong tại quận ninh Kiều, TP. Cần Thơ và đề xuất giải
pháp, tổ chức tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ ngày 10-8-2013.
[2] Khoản 1, Điều 6-Luật Thương mại
2005: “Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được
thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên
và có đăng ký kinh doanh”,
Nhận xét
Đăng nhận xét