Trung
Chánh
(TBKTSG) - TBKTSG số ra ngày 28-2
đã có bài Phải tăng sản lượng để... hạ
giá cá tra xuống?, trong đó nêu đề xuất tăng sản lượng, giảm giá bán
nhằm tăng sức cạnh tranh của ngành cá tra Việt Nam trong bối cảnh các nước đang
“rục rịch” đẩy mạnh nuôi. Thế nhưng, tăng sản lượng thì dễ, tìm người mua mới
khó. Một số chuyên gia trong ngành tiếp tục nêu ý kiến về vấn đề này.
Tăng sản
lượng để giảm giá bán chưa chắc đã là giải pháp khả thi để tăng sức cạnh tranh
cho cá tra. Trong ảnh, người dân cho cá tra ăn. Ảnh: Trung Chánh
Tăng sản lượng hay chú trọng cung - cầu?
Trước sức hấp dẫn quá lớn về giá bán (giá
cá nguyên liệu năm 2018 có lúc đạt 36.000 đồng/ki lô gam và lợi nhuận đạt
6.000-10.000 đồng/ki lô gam) mà ngành cá tra Việt Nam đã đạt được trong hai năm
2017-2018, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ cũng gia
nhập “cuộc chơi”… sản xuất cá tra. Điều này được xác định là nguy cơ khiến
ngành cá tra trong nước sẽ bị cạnh tranh gay gắt, đánh dấu sự chấm hết lợi thế
“một mình một chợ” trong nhiều năm qua.
Để tăng sức cạnh tranh của ngành này, ông Võ
Hùng Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), cho rằng Việt Nam cần
tiếp tục gia tăng sản lượng để... hạ giá xuống, chứ không nên giảm sản lượng để
tăng giá. “Nếu chúng ta không gia tăng sản lượng, không hạ được giá xuống, thì
nó sẽ là động lực kích thích tất cả các quốc gia có điều kiện tương tự nuôi cá
tra”, ông nói.
Tuy nhiên, trao đổi với TBKTSG,
nhiều chuyên gia đặt vấn đề: “Sản lượng tăng lên thì thị trường tiêu thụ ở
đâu?”.
Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch
VINAPA, khi một số nước có thể tự sản xuất cá tra thì coi như mình đã mất đi
một phần thị trường đó rồi. Câu chuyện cung cầu vì thế cũng cần phải tính toán
kỹ. “Chẳng hạn, với ngành lúa gạo, Việt Nam giỏi cách mấy cũng chỉ bán được 6-7
triệu tấn/năm. Bởi, thương mại gạo cả thế giới chỉ có 42-43 triệu tấn/năm,
nhưng lại chia đều cho Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam… Nếu gạo Việt Nam có giá rẻ
hơn thì lượng bán ra cũng chỉ tăng một ít thôi, không thể nào chiếm hết thị
trường được”, ông nêu ví dụ.
TS. Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế, cho
biết diện tích nuôi cá tra toàn ngành hiện khoảng 5.000-5.500 héc ta, nhưng giá
mới chỉ tăng trong hai năm 2017-2018, người nuôi có lãi tốt. Còn những năm
khác, diện tích cũng ở mức đó, thậm chí thấp hơn do “treo ao”, nhưng cá vẫn bị
ùn ứ, khó bán.
Trong bối cảnh một số nước như Bangladesh,
kể cả Campuchia cũng nuôi, tức không còn “một mình một chợ”, tình hình càng
thách thức hơn. Việc tăng sản lượng vì thế không phải là giải pháp để tăng cạnh
tranh của ngành cá tra, mà cần phải xác định được “sức cầu”, quan trọng hơn là
đầu tư cho những sản phẩm giá trị gia tăng để tạo lợi thế như cá tra phi lê,
collagen, dầu cá…
“Điều quan trọng của ngành cá tra không
nằm ở “trọng cung”, mà nên hướng hài hòa “cung-cầu”. Tăng diện tích, hạ giá bán
xuống để cạnh tranh không phải là con đường bền vững và tạo lợi thế”, ông Hiệp
nhấn mạnh.
Sản lượng chưa tăng, thị trường đã vội lao
dốc
Nhìn vào lịch sử diễn biến của ngành cá
tra trong những năm qua, có thể thấy thị trường tiêu thụ, giá cả luôn đầy biến
động. Hiện tại, dù sản lượng cá tra chưa tăng như đề xuất, nhưng giá nguyên
liệu cũng đã lao dốc khá mạnh. Cụ thể, nếu như trong năm 2018, giá cá tra
nguyên liệu luôn duy trì ở mức rất cao, có lúc đạt 35.000-36.000 đồng/ki lô
gam, thì hiện đã quay đầu giảm mạnh, rớt xuống chỉ còn 24.000-25.000 đồng/ki lô
gam.
Ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công
ty cổ phần Thủy sản Trường Giang, cho biết giá cá tra giảm mạnh do thị trường
Trung Quốc mua chậm, còn thị trường Mỹ năm ngoái nhập khẩu tăng đột biến (năm
2018 xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 549,5 triệu đô la Mỹ, tăng 59,5% so với 2017)
thì năm nay cũng giảm nhập, lượng hàng tồn kho nhiều.
Theo ông Văn, trong khi doanh số xuất khẩu
của các doanh nghiệp sụt giảm, thì từ sau Tết người nuôi cá lại muốn đẩy mạnh
bán ra nên các nhà máy hấp thụ không hết, thậm chí một số công ty lớn tuyên bố
không mua khiến người dân hoảng loạn, giá bán giảm mạnh.
Ngoài ra, trước đây, thương lái Trung Quốc
trực tiếp sang Việt Nam gom mua cá tra nguyên liệu vài chục tấn mỗi ngày để
xuất theo đường biên mậu. Tuy nhiên, hàng không được kiểm soát, chất lượng kém,
nên sang Trung Quốc không bán được, vì vậy, từ sau Tết đến nay họ không sang
thu mua nữa, làm giá giảm.
Trước sức ép giảm giá như vậy, theo ông
Văn, tâm lý khách hàng nhập khẩu ở cả thị trường châu Âu và châu Á đều tiếp tục
chờ đợi giảm giá thêm. Trong khi đó, các công ty lớn tuyên bố kế hoạch đào thêm
khoảng 2.000 héc ta diện tích ao nuôi, với sản lượng dự kiến ước tăng 50% so
với năm 2018 (1,3-1,4 triệu tấn) càng khiến tình hình xấu hơn.
Trao đổi với TBKTSG, đại diện
của một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long cho biết mới
đây 12 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn cùng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu
thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức cuộc họp bàn tháo gỡ khó khăn. “Tại cuộc họp
hôm thứ Hai vừa rồi, 12 công ty xuất khẩu lớn, tất cả đều hoảng loạn”, ông nói
và cho biết có hai giải pháp đã được cuộc họp đưa ra, thứ nhất là tiếp tục bán
và chấp nhận giá rớt theo điều tiết của thị trường; thứ hai là “khóa van”,
nhưng việc này tạo ra mối lo tình hình trong nước chịu không nổi sẽ “vỡ đập”
thì càng thảm hại hơn.
Theo vị đại diện doanh nghiệp nói trên,
doanh nghiệp nên bình tĩnh, thống nhất chào bán ở một mức giá hợp lý, không ép
giá trong nước vì cũng không có lợi. “Ép giá, anh cũng chỉ mua được một vài ao
thôi, cũng không cứu lỗ được, mà cái quan trọng là tất cả phải cùng ngồi lại
với nhau, đưa ra một mức giá hợp lý”, vị này nói và cho rằng nếu chào giá thấp,
nhà nhập khẩu sẽ tiếp tục “đạp” xuống.
Song song việc cùng chào giá hợp lý, doanh
nghiệp nên chú trọng củng cố chất lượng và đưa ra thị trường một lượng hàng vừa
phải. “Khi khách đặt mua 20 container, doanh nghiệp có thể thỏa thuận giảm giá
thêm nếu khách mua 40 container”, vị đại diện doanh nghiệp nói. Muốn vậy, ngân
hàng cần phải vào cuộc hỗ trợ bằng cách nới rộng thời gian đáo hạn vốn vay.
“Muốn doanh nghiệp giữ hàng lại trong kho
ở mức độ nào đó thì ngân hàng phải nới rộng thời gian đáo hạn, thay vì sáu
tháng thì tăng lên chín tháng. Nếu không, doanh nghiệp buộc phải đẩy hàng ra vì
áp lực vốn vay”, vị này giải thích.
Nhận xét
Đăng nhận xét