Vài lời: Lưu lại bài viết này trong mục "Dấu xưa miền Tây Nam Bộ" không chỉ vì yêu mến văn tài của nhà văn tiêu biểu đặt sệt giọng Nam Bộ xưa, mà còn vì có những hình ảnh tuổi thơ tui qua các địa danh ở quê hương "rạch Cái Tắc Ô Môn" nay là Tắc Ông Thục, Ba Se, Cầu Nhím...
Bài, ảnh: Đăng Huỳnh
Hiểu hơn
về Cần Thơ xưa là mong muốn của những người yêu mến mảnh đất này. Chúng tôi đã
lần tìm trong hàng chục tiểu thuyết của nhà văn Nam bộ Hồ Biểu Chánh với mong
muốn phác họa một chút về Cần Thơ xưa qua những dòng văn của ông. Thật nhiều
điều thú vị!
Tiểu thuyết “Cư kỉnh” của nhà văn Hồ
Biểu Chánh với bối cảnh là miệt vườn Ô Môn.
Hẳn nhiều người đặt vấn đề: tiểu thuyết-
một thể loại văn học- chắc sẽ có điều hư cấu. Song, chúng tôi tìm hiểu Cần Thơ
xưa ở khía cạnh này vì mấy lẽ. Trước đây, đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa
học về Gò Công, Sài Gòn xưa qua tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh bởi tính
xác thực của những thông tin mà ông miêu tả trong truyện. Cốt truyện, nhân vật
ông có thể hư cấu nhưng bối cảnh, sự kiện thì hầu như có thật. Vậy, một người
Gò Công, sống chủ yếu ở Sài Gòn như Hồ Biểu Chánh thì hiểu gì về Cần Thơ? Lần
giở tiểu sử của ông mới hay, sau thời gian dài làm Ký lục hành chánh khắp Lục
tỉnh Nam kỳ, ông thi đậu Tri huyện, được bổ nhiệm về làm Chủ Quận Càng Long
(Trà Vinh); năm 1932 về làm Chủ Quận Ô Môn và đến năm 1934 thì làm Chủ Quận
Phụng Hiệp (Cần Thơ). Chính những năm tháng làm việc nơi mảnh đất Cần Thơ đã
mang lại cho nhà văn Hồ Biểu Chánh sự thông hiểu và cảm tình.
Mặt khác, chúng tôi tin vào lời nhận xét
sau đây của cố nhà văn Sơn Nam: “Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh là sử liệu về hoạt
động miền đồng bằng, xa xôi tận Long Xuyên, Cà Mau: khung cảnh vườn tược, cách
trang hoàng trong nhà điền chủ, nhà nông dân, đống rơm, bầy heo, sông rạch, lời
ăn tiếng nói…” (“Đồng bằng sông Cửu Long- nét sinh hoạt xưa”, NXB TP Hồ Chí
Minh, 1985, trang 160). Cần Thơ xưa mà chúng tôi muốn nói đến là bối cảnh
khoảng những năm 1930 của thế kỷ XX.
Khung
cảnh Cần Thơ
Đặc sắc nhất về khung cảnh Cần Thơ thời
bấy giờ có lẽ là trong tiểu thuyết “Cư kỉnh”, được nhà văn Hồ Biểu Chánh viết ở
Vĩnh Hội- Sài Gòn hồi năm 1941. Tiểu thuyết này đã được chuyển thể thành bộ
phim “Tình án” khá hay. Bối cảnh của tiểu thuyết là vùng Châu Thành Ô Môn. Nhà
văn Hồ Biểu Chánh mở đầu câu chuyện bằng việc miêu tả rạch Cái Tắc Ô Môn: “Tại
Châu Thành Ô Môn, có một cái rạch nhỏ bắt đầu chỗ góc nhà thương tẻ vô làng Ô
Môn, rồi chạy thẳng qua miền Ba Se đụng ngọn rạch Cần Thơ quanh co lò lên tới
đó. Con rạch nhỏ này người ta kêu là rạch Cái Tắc”. Nhà văn còn lý giải thêm
rằng, có lẽ là tại người ở Ô Môn nhờ con rạch này để đi tắt qua Ba Se, Cầu
Nhiếm, Phong Điền khỏi phải đi vòng ngã Cần Thơ xa xôi nên gọi “Cái Tắc”.
Đem những thông tin này đi hỏi người dân
cố cựu ở Ô Môn thì được biết, rạch Cái Tắc đó chính là Tắc Ông Thục ngày nay,
nối từ ngọn sông Cần Thơ ở Phong Điền đổ ra sông Hậu phía Ô Môn. Sở dĩ sau này
có địa danh Tắc Ông Thục vì con rạch này đi tắt ngang qua nhà ông Thục- một
người dân bổn xứ rồi ra sông Hậu, không phải qua vàm Ô Môn nên bà con gọi vậy.
Đọc “Cư kỉnh” mới hay, Tắc Ông Thục thuở xưa “đã tiện lợi cho sự giao thông mà
lại đẹp đẽ về phong cảnh nữa”. Nhà văn Hồ Biểu Chánh tả: “Hai bên rạch vườn
tược thạch mậu, nhà cửa liên tiếp, hễ đến lúc nước lớn đầy thì những thảo mộc
nhờ nước mà được sum sê, rồi phải hiệp nhau che tàn mà đậy mặt nước, nên vẻ ra
cái bức tranh tốt tươi vui vẻ, gây nên cái không khí mát mẻ u nhàn”.
Miệt vườn sông nước Cần Thơ được nhà văn
Hồ Biểu Chánh miêu tả khá nhiều trong các tiểu thuyết.
Rồi ông lại khoái trá như đưa người đọc
vào thế giới của miệt vườn cây trái khi viết rằng, bên mé rạch, phía tay mặt,
có đắp một con đường làng rộng rãi cao ráo, dọc theo đường trồng hai hàng dừa
bị, gốc hai hàng mà ngọn de ra rạch, mấy khoảng lại trồng xen những mít, dâu,
nhất là trồng đu đủ, cây nào cũng lùn thấp mà có trái đeo đầy cổ, với tay hái
được, chẳng cần phải trèo leo. Một khung cảnh đẹp về sự trù phú của miệt vườn
Cần Thơ qua ngòi bút văn sĩ từng là Chủ Quận nơi đây.
Ở tiểu thuyết “Bỏ vợ”, được nhà văn Hồ
Biểu Chánh viết xong năm 1938, kể chuyện thầy Vũ Như Bình thi đậu Ký Lục Sài
Gòn, có lệnh bổ nhiệm tùng sự tại Tòa bố Cần Thơ. Sau này, ông lui tới miệt
vườn Bình Thủy và có vợ là cô Hương, con bà chủ Phận ở Bình Thủy. Sau đây là
đoạn thầy Bình nói với thân nhân về đường đi xuống Cần Thơ: “Ở Sài Gòn mình đi
tàu Lục Tỉnh, nó chạy qua Mỹ Tho, lên Vĩnh Long, Sa Đéc, Châu Đốc, rồi đổ xuống
Long Xuyên, Cần Thơ hay là mình đi xe lửa xuống Mỹ Tho rồi đi tàu nhỏ qua Cần
Thơ cũng được”. Để giải tỏa nỗi lo của thầy Bình khi tùng sự ở đất Cần Thơ, ông
Hương Thân Đáng nói rằng: “Ở đây khá lắm. Tỉnh giàu, hương chức biết ơn nghĩa,
mà dân cũng dễ chịu”. Ắt hẳn đây là cá tính của người Cần Thơ được khái quát.
Qua những đoạn đối thoại, biết thêm rằng, từ Cần Thơ lên Bình Thủy thì khoảng
3-4 ngàn thước, đi xe ngựa không mấy hồi thì tới.
Cũng trong tác phẩm “Bỏ vợ”, thầy Bình
và vợ mua căn nhà ở rạch Cái Khế với giá 5 ngàn đồng. Theo nhà nghiên cứu Nhâm
Hùng, 5 ngàn đồng thời đó có thể mua đến 5 ngàn giạ lúa. Lại thêm chi tiết mà
Hồ Biểu Chánh miêu tả: “Xe chạy vòng vô rạch Cái Khế. Cô Huyền thấy nhà dài
theo mé cái rạch cái nào cũng đẹp đẽ, trước sân bông hoa đua nở, sau vườn cây
trái sum sê”. “Miêu tả vậy thật hợp với tình cảnh rạch Cái Khế lúc bấy giờ.
Nhiều tài liệu cho biết, con đường ven rạch Cái Khế (giờ là đường Hoàng Văn
Thụ- NV) có tên là Emery, nhà cửa sung túc, khang trang y như vậy”- ông Nhâm
Hùng nói.
Nét sinh
hoạt miệt vườn
Tiểu thuyết gia Hồ Biểu Chánh được đánh
giá là bậc thầy trong văn tả cảnh. Sự chi li, tinh tế và am hiểu văn hóa địa
phương khiến người đọc mường tượng như cảnh thật. Một vài đoạn văn Hồ Biểu
Chánh miêu tả về những ngôi nhà của người thời xưa ở Cần Thơ khá thú vị. Đó là
nhà Huyện Hàm Tân ở Ô Môn trong “Cư kỉnh”: “Cách Châu Thành Ô Môn chừng vài
trăm thuớc, có một tòa nhà nguy nga, nền đúc đá, cửa cuốn gạch, tường trắng
toát, nóc đỏ lòm, trước nhà có một cái sân lớn chứa kiểng vật tốt tươi, bông
hoa đủ sắc còn hai bên và phía sau nhà, thì vườn tược sởn sơ rậm rạp”. Còn đây
là đoạn ông miêu tả cảnh lịch xinh tươi của những ngôi nhà ở làng Bình Thủy:
“Xe lên tới Bình Thủy, đậu trước nhà Xã trưởng Tồn. Mấy tòa nhà ngói đồ sộ,
ngoài có hàng rào xây gạch, sân có để kiểng vật đủ thứ. Mặt trời vừa mới lặn mà
trong nhà đèn đốt sáng trưng” (“Bỏ vợ”).
Trong tiểu thuyết “Cư kỉnh”, thông qua
lời kể của nhân chứng về cái chết của văn sĩ Chí Cao, ta lại hình dung một nếp
sống sôi động ở Ô Môn thuở trước. Qua lời cô Túy với Chí Cao được biết, thời
đó, ở chợ Ô Môn người ta đọc sách, tiểu thuyết khá nhiều và còn chọn cho mình
những tác giả yêu thích để đọc. Khi Chí Cao bị đâm chết, ngay lập tức xóm làng
lao xao, ông Hương quản làng Thới Thạnh và thầy đội đồn Ô Môn đều có mặt để xử
trí.
Thú vị nhất là chi tiết để chứng tỏ mình
không có mặt ở hiện trường vụ án, tên Quận là người ở bồi (giúp việc) cho Chí
Cao kể rằng, tối đêm đó anh đi coi hát Tiều ở ngoài vàm Ba Rích. Từ chỗ rạch
Cái Tắc tới Ba Rích đi xuồng chừng nửa tiếng đồng hồ thì tới. Chúng tôi suy
luận rằng, việc hát Tiều chỉ có thể có ở chùa Hoa mà tại vàm Ba Rích ngày nay
có một ngôi chùa Hoa là Cảm Thiên Đại Đế đã hơn 100 tuổi, phải chăng tên Quận
đã đi coi hát ở đây? Cũng qua lời tên Quận và bạn bè của y, phác họa được một
bức tranh đi coi hát của người Cần Thơ xưa, đông vui và thâu đêm suốt sáng. Tên
Quận khai: “Vì hát (Tiều) hay, lại có anh em cầm ở coi nên tôi coi hát tới hừng
đông tôi mới về”. Theo lời nhận định của quan Chủ Quận thì coi hát là dịp quy
tụ đông đảo, con người ta đông nghẹt. Tên Canh là bạn của tên Quận thì khai như
vầy: “Lối 3 giờ khuya hai anh em tôi mới gặp tên Quận lại. Tên Quận rủ anh em
tôi đi ăn cháo. Ba đứa tôi đi ăn uống chơi cho tới vãn hát rồi kiếm ghe qua
sông mà về”. Một không khí thật náo nhiệt khi mà 2-3 giờ sáng quán xá vẫn buôn
bán như thường, minh chứng cho sự phát triển của vùng đất Ô Môn thuở trước.
* * *
Cố nhà văn Sơn Nam từng nói về tiểu
thuyết của Hồ Biểu Chánh: “Tất cả nhân vật sống trong đồng quê bát ngát, dọc
theo những con sông mà người nhà quê bơi những chiếc xuồng ba lá”. Trong khung
cảnh yên ả đó, nhà văn Hồ Biểu Chánh đã dành không ít trang viết để phác họa
hương sắc Cần Thơ.
Nhận xét
Đăng nhận xét