Trần Hiệp Thủy
SGGP, thứ tư, 11/06/2014, 00:57 (GMT+7)
SGGP, thứ tư, 11/06/2014, 00:57 (GMT+7)
Giáo dục, đào tạo (GD-ĐT) tiếp tục
làm nóng nghị trường Quốc hội. “Tư lệnh ngành” hôm nay (11-6) phải giải trình về
các vấn đề bức xúc, trong đó có việc cho phép mở quá nhiều trường đại học, cao
đẳng (ĐH, CĐ), nhiều loại hình đào tạo nhưng chất lượng đào tạo thấp, tỷ lệ
sinh viên không tìm được việc làm cao, lãng phí nguồn lực xã hội.
Đến cuối năm 2013, cả nước có hơn
1,2 triệu lao động trong độ tuổi đang thiếu việc làm. Đáng lo ngại, trong số đó
gần 21% là thanh niên từ 20 - 24 tuổi tốt nghiệp CĐ, ĐH trở lên. Đặc biệt, có
hơn 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, chấp nhận làm lao động phổ thông.
Thời gian qua, GD-ĐT và dạy nghề
ĐBSCL đã đạt những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, chất lượng
nguồn nhân lực. Mạng lưới trường ĐH, CĐ đã hình thành và phát triển nhanh. Từ số
lượng ít ỏi các trường ĐH công lập nặng tính bao cấp trước đây, đến hàng loạt
trường ĐH, CĐ ra đời, tạo “diện mạo mới”.
Theo quy hoạch, đến năm 2020,
ĐBSCL sẽ có khoảng 70 trường ĐH,CĐ. Năm 2000, toàn vùng ĐBSCL chỉ có trường ĐH Cần
Thơ, nay đã tăng lên 17 trường. Bình quân, mỗi năm, vựa lúa này “đẻ thêm” hơn 1
trường ĐH. Nhưng đáng tiếc, do nhiều trường “đẻ non” nên đến lúc phải “kế hoạch
hóa sinh sản”, thay đổi về chất, xiết lại trật tự kỷ cương... trước khi xuất hiện
“cái chết hàng loạt” như nhiều người dự báo.
Nhiều trường được mở ra, đua nhau
“nâng hạng” từ trung cấp lên CĐ, từ CĐ lên ĐH. Nhưng lên CĐ, ĐH rồi vẫn xin chỉ
tiêu được đào tạo trung cấp với nhiều lý do nghe qua rất “chính đáng”.
Nào là tận dụng cơ sở vật chất,
trang thiết bị được đầu tư, đội ngũ giáo viên và nhu cầu người học. Đây cũng là
nguồn để các trường tiếp tục “tận dụng” xin mở thêm các lớp liên thông ĐH. Về mặt
tâm lý, cho dù chỉ ngồi ở lớp trung cấp, nhưng nhiều người vẫn thích được học ở
trường ĐH hơn.
Thực trạng này vừa gây khó khăn
nguồn tuyển cho các trường trung cấp, vừa góp phần làm mất cân đối nguồn nhân lực
của vùng. Trong khi ở nhiều quốc gia, quy mô đào tạo bậc trung cấp luôn chiếm tỷ
lệ nhiều hơn CĐ, ĐH, nhưng ở ta ngược lại. Cả nước trong tình trạng “thừa thầy,
thiếu thợ”, ĐBSCL càng đáng lo ngại hơn theo “hình chóp lật ngược”.
Trên thực tế, nhiều trường đang
đào tạo cái mình có chứ không phải cái xã hội cần. Thời gian qua, mặc dù Bộ
GD-ĐT đã rất kiên quyết chấn chỉnh việc các trường CĐ, ĐH đào tạo trung cấp.
Nhưng nhiều trường CĐ, ĐH “kêu ca”, xin được “gia hạn” nên phải giãn lộ trình.
Tất nhiên, để khắc phục tình trạng đào tạo theo kiểu “anh giành phần em” phải
có nhiều giải pháp đồng bộ.
Phải dựa vào chiến lược nguồn
nhân lực quốc gia, của ngành, vùng và từng địa phương. Ngành GD-ĐT và LĐTB-XH cần
phối hợp sắp xếp lại hệ thống các trường đào tạo, thay đổi cơ cấu đào tạo để đảm
bảo phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực.
Cùng với chiến lược nguồn nhân lực
quốc gia và các tỉnh, rất cần một chiến lược nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL. Quy
hoạch phát triển hệ thống các trường ĐH, CĐ, trường nghề… phải dựa trên chiến
lược này. “Hướng cầu” là thị trường lao động, nhu cầu sử dụng nhân lực của
doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trong vùng làm động lực phát triển hơn là dựa
trên năng lực chuyên môn, cơ sở vật chất của các trường.
Có ý kiến cho rằng, cùng với tái
cấu trúc nền kinh tế, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và tái cấu trúc ngành
ngân hàng, xử lý nợ xấu thì cũng rất cần “tái cấu trúc” mạng lưới trường ĐH-CĐ
để nâng cao chất lượng đào tạo và “xử lý nợ xấu” đầu ra. Đã đến lúc phải “kế hoạch
hóa sinh sản trường ĐH” để “nuôi dạy” tốt hơn.
Nhận xét
Đăng nhận xét