Đức Khánh
Đó chính là Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Trần Hữu Hiệp. Đối với ông Hiệp, chuyện viết
lách dường như đã trở thành cái nghiệp, thấm vào máu, vào hơi thở, nhịp đập con
tim...
Nhiều người có chung nhận xét: Mỗi
lời văn, ngôn từ được thể hiện trên từng tác phẩm báo chí của ông Trần Hữu Hiệp
đều đậm chất Nam Bộ. Những tác phẩm báo chí của ông khiến người đọc nghiền ngẫm,
thú vị và luôn cảm nhận một bức tranh đồng quê trù phú, về cuộc sống sinh động
của con người miền Tây Nam Bộ.
33 năm làm báo “lụi”
Về thâm niên làm báo “lụi” của
ông Hiệp, nếu nói ra chắc nhiều người phải “té ngửa”, đôi khi nửa tin nửa ngờ.
Với 48 tuổi đời thì ông chí ít đã có 33 năm làm nghề viết báo với khối tài sản
là hàng nghìn tác phẩm, bản tin.
Tôi may mắn quen biết ông đã được
chừng 10 năm, từ khi tôi còn là thằng sinh viên báo chí mới ra trường tập tễnh
dấn thân vào nghề báo. Ông đối với tôi như là một người bạn, người anh, người
thầy… dễ gần, dễ mến và rất đáng trân trọng.
Quê huyện Thới Lai, quận Ô Môn,
TP.Cần Thơ, khi mới 15 tuổi Trần Hữu Hiệp đã là hội viên Hội Văn học nghệ thuật
tỉnh Cần Thơ (cũ). Niềm đam mê viết lách đã thấm vào ông ngay từ thuở đó. Ông
Hiệp chia sẻ: “15 tuổi, với chùm 3 bài thơ đầu đời được in trên Tạp chí Văn nghệ
Cần Thơ, những dòng thơ có lúc “bốc đồng, hô hào” nhưng khiến tôi không thể nào
nguôi được cảm xúc sung sướng”.
“Từ những trang báo tường thắm đượm
chất học trò hơn 30 năm trước; đến những trang báo, trang văn, và cả những mẩu
tin, bài báo bằng tiếng Đức, rồi những trang văn, truyện ngắn, truyện vụ án,
chuyện cảnh giác… trên các báo Công an nhân dân, Minh Hải, Công an Hậu Giang,
Tư pháp Hậu Giang… Tôi vừa viết để phản ánh hiện thực nhưng cũng để kiếm cơm
khi còn là anh sinh viên đói ăn. Thắm thoát vậy mà đã hơn 30 năm...” – ông Hữu
Hiệp bộc bạch.
Với ông, đó là những trang viết đầy
ắp kỷ niệm với “gạo, tiền công chức nhà nước”, lúc ra trường “lương ba cọc, ba
đồng”, rồi “vợ sinh con, mỏi mòn lương tháng”...
Có một kỷ niệm vui trong đời làm
báo “lụi” mà ông Hữu Hiệp vẫn nhớ mãi. Đó là một lần ông từ Sài Gòn về qua bắc
Cần Thơ, nghe em bán báo rao “chuyện vụ án” trên trang báo vừa phát hành, chi
tiết có vẻ quen quen, mua một tờ đọc. Hóa ra, chuyện là của mình…
“Ngàn trang viết, có dở, có hay.
Có những nghĩ suy thành trang báo, trang văn đến với bàn dân thiên hạ; nhưng
cũng có những trăn trở thâu đêm mãi còn nằm trong quyển vở học trò, những dòng
nhật ký điện tử... Vì ta chỉ viết cho ta. Trò chơi con chữ, lặng lẽ như chiếc
bóng, vẫn âm thầm theo ta suốt cuộc đời này” – ông Hữu Hiệp trải lòng.
Trăn trở với đồng bằng
Đảm nhiệm chức vụ Vụ trưởng Vụ
Kinh tế - Xã hội, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhiều năm qua ông Hiệp đã có những
đóng góp hết sức đáng kể vào những hiến kế, chiến lược, giải pháp, đề xuất về
lĩnh vực “tam nông”, để từng bước giúp cho nhà nông cả nước nói chung, nhà nông
miền Tây nói riêng nâng cao thu nhập, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
“Tôi vẫn canh cánh trong lòng,
làm sao để nhanh chóng tháo gỡ những bất cập, khó khăn ở vùng đất trù phú đầy ắp
lúa gạo, cá tôm, cây trái phong phú… mà sao nhiều người vẫn còn nghèo. Cần phải
có sự quyết liệt hơn nữa trong việc liên kết vùng để gia tăng chuỗi giá trị
hàng hóa. Đồng thời, phải thống nhất quan điểm và đồng bộ trong chỉ đạo sản xuất,
tính kỷ cương trong quy hoạch…” – Vụ trưởng Trần Hữu Hiệp trăn trở.
Với ông, thông qua diễn đàn báo
chí là cơ hội tốt để trao đổi, chia sẻ, bày tỏ những vấn đề của cuộc sống gắn với
công ăn, việc làm của người nông dân đồng bằng. Hiện ông là cộng tác viên của rất
nhiều tờ báo, thường xuyên có những bài phân tích, bình luận về tình hình kinh
tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ. Với Báo NTNN, ông Hiệp là cây bút chủ lực giữ mục
“Quê tôi – ngày ấy – bây giờ” trên chuyên trang ĐBSCL.
“Với tôi viết báo cũng như tập thể
dục hàng ngày. Lặng lẽ quan sát, suy ngẫm và viết. Mỗi dòng chữ, ngòi bút sử dụng
phải có trách nhiệm hơn. Tuy làm báo “cho vui” nhưng hàng năm đến ngày 21.6,
mình cũng nhận được nhiều lời chúc mừng, động viên, xúc động và sung sướng lắm”
– ông chia sẻ.
Nhận xét
Đăng nhận xét