Thúc đẩy liên kết kinh tế, khắc phục tình trạng không gian kinh tế vùng bị chia cắt là “chìa khóa” để khai phóng tốt nhất tiềm năng, lợi thế, năng lực cạnh tranh của 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, nhiệm vụ thiết lập mối liên kết này trong những năm qua vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Liên kết còn lỏng lẻo
Hiện nay, vấn đề “liên kết” vùng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn còn nhiều bất cập.
Người nuôi tôm còn phụ thuộc thương lái về đầu ra sản phẩm.
|
Thực trạng trên đã được chuyên gia kinh tế, nông nghiệp chỉ ra nhiều nguyên nhân, dù ĐBSCL rất giàu tiềm năng về sản xuất nông nghiệp nhưng lại thiếu sự liên kết phối hợp để đẩy mạnh phát triển và nâng cao sức cạnh tranh toàn vùng. Các địa phương trong vùng có nhiều lợi thế về sản phẩm mũi nhọn, song chưa thể phát triển như mong muốn, chưa tạo ra thế mạnh của vùng vì chưa xây dựng được chuỗi cung ứng hàng hóa, liên kết thị trường giữa các địa phương theo ngành hàng, nhóm hàng để nâng cao năng lực cạnh tranh, thậm chí sự cạnh tranh giữa các tỉnh có thể phá vỡ quy hoạch vùng. Chính vì vậy, tình trạng “được mùa mất giá” diễn ra thường xuyên. Sự liên kết lỏng lẻo còn thể hiện qua tình trạng cạnh tranh giữa các địa phương trong kêu gọi, thu hút đầu tư thực hiện các dự án của doanh nghiệp, dẫn đến lãng phí nguồn lực.
Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, mỗi năm ĐBSCL đóng góp 20% GDP cho cả nước, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản và 60% kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản cho cả nước... thế nhưng vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém như: Tăng trưởng kinh tế thiếu vững chắc, tiềm năng và lợi thế vùng chưa được khai thác đúng mức, kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều rộng, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, giá trị sản xuất nông nghiệp thiếu tính ổn định và có nguy cơ bị thu hẹp diện tích sản xuất do tác động của biến đổi khí hậu...
|
Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phân tích: “Các tỉnh thường quan tâm hai vấn đề: Một là các nguồn lực, chủ yếu là phân bổ vốn ngân sách từ Trung ương được chuyển giao hơn là bản chất chính sách và cơ cấu kinh tế vùng; hai là làm thế nào để tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư bằng cơ chế chính sách của địa phương. Kết quả là nhiều tỉnh “chạy đua khuyến khích” làm nảy sinh những câu chuyện như “ưu đãi đầu tư vượt rào” hay tỉnh nào cũng “đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực” dẫn đến việc đãi ngộ không còn ý nghĩa đặc thù”.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, chuyên gia cao cấp Hội đồng Chính sách khoa học và Công nghệ quốc gia cho rằng: Nguyên nhân chưa gắn kết được là các tỉnh vẫn chưa thấy được sự khác biệt giữa nguồn lực kinh tế của vùng khác với nguồn lực của 13 nền kinh tế cộng lại với nhau. “Sự năng nổ và sâu sát của lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL rất tốt, nhưng thiếu sự kết hợp với nhau để đóng góp vào tiềm lực của cả một vùng. Các tỉnh vẫn luẩn quẩn, chưa tháo gỡ khuôn phép nội tỉnh, tôi nghĩ đó là điểm cần phải phá vỡ. Để chủ động với hội nhập kinh tế, sự cạnh tranh quyết liệt hiện nay thì phải có sự kết hợp với nhau chứ không thể mỗi tỉnh, mỗi doanh nghiệp đi xuất khẩu một cách riêng lẻ, thậm chí cạnh tranh, giành giật nhau”, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân nói.
Theo TS. Lê Viết Thái, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, mặc dù các địa phương đã chủ động ký kết với nhau rất nhiều văn bản hợp tác liên kết, song hiện nay các cam kết chỉ mới mang tính chất đồng thuận về nguyên tắc, còn triển khai như thế nào thì vẫn bỏ ngỏ. Phần lớn các hoạt động liên kết chỉ dừng lại ở tham quan, hội thảo chứ chưa phát triển thành các hoạt động liên kết thực tế, mang tính chiều sâu và toàn diện.
Bên cạnh đó, một số địa phương vẫn tỏ ra chưa mặn mà trong việc liên kết với các thành phố lớn. Vì tâm lý cho rằng, liên kết với tỉnh mạnh thì dễ được lợi hơn, còn liên kết với tỉnh yếu thì không được lợi và liên kết với tỉnh ngang nhau thì không được gì, thậm chí dễ rơi vào thế cạnh tranh hơn là hợp tác.
Đâu là lối ra
Trong những năm gần đây, nhà nước đã đầu tư nhiều về lĩnh vực thủy lợi, giao thông, cơ sở hạ tầng nhưng lại bị chi phối bởi cơ chế tỉnh làm phân tán, phân chia nguồn lực dẫn đến đầu tư nhỏ lẻ, không tạo được lợi thế phát triển toàn vùng.
“Quy hoạch vùng được phê duyệt, nhưng “chủ thể vùng” không rõ nên việc tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra... mờ nhạt. Các vùng nói chung và ĐBSCL nói riêng không phải là một cấp hành chính, việc phân bổ ngân sách, nguồn lực đầu tư cho vùng hoàn toàn do Trung ương đảm nhiệm. Do vậy việc đầu tư cho vùng phụ thuộc vào sự đầu tư của Trung ương với các tỉnh, thành chủ yếu là để phát triển địa phương”, ông Trần Hữu Hiệp cho biết thêm.
Ở góc độ địa phương, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cho rằng, nguyên nhân việc liên kết giữa các địa phương còn bất cập là do thiếu một cơ quan đảm nhiệm với vai trò chỉ đạo, điều hành, điều phối chung. Điều này dẫn đến tình trạng không thống nhất cách thực hiện liên kết vùng giữa các tỉnh, thành. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra dự thảo Quy chế thí điểm liên kết vùng ĐBSCL giai đoạn 2014-2019, đây là Quy chế liên kết vùng đầu tiên của cả nước sẽ ban hành trong năm nay với 3 chương và 8 điều. Trong giai đoạn thí điểm, nội dung liên kết vùng bao gồm các lĩnh vực như: Đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới giao thông, thủy lợi, hạ tầng sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản và các lĩnh vực xã hội theo quy hoạch được duyệt; sản xuất chế biến và tiêu thụ các mặt hàng nông nghiệp, thủy hải sản, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng chủ lực có thế mạnh của vùng như: Tôm - cá, lúa gạo, trái cây... Đây là một trong những bước đi đầu tiên, một cơ sở pháp lý đầy đủ để triển khai mục tiêu liên kết vùng cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cũng kiến nghị Chính phủ trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng, quy hoạch tổng thể của từng địa phương và quy chế liên kết vùng cần phải có cơ chế giám sát thực hiện chặt chẽ nhằm bảo đảm liên kết hiệu quả, tránh phát triển trùng lắp, gây lãng phí nguồn lực.
Về phân bổ nguồn lực cần có cơ chế hợp lý giữa các địa phương theo hướng tập trung cho những khu vực trọng điểm. Đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ thích hợp đối với các địa phương còn lại. Chẳng hạn như tập trung đầu tư phát triển công nghiệp cho một khu vực, địa phương nào đó thì cần có chính sách hỗ trợ đối với những khu vực, địa phương làm nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, trước đó cần phải có những nghiên cứu cơ bản về vùng và xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học vùng (tài nguyên đất, nước, rừng, biển...) để làm nền tảng phân tiểu vùng và liên kết vùng, kết nối không gian phát triển và sản xuất, từ kết nối sản xuất đến tiêu thụ, cuối cùng là kết nối thị trường, doanh nghiệp. Đây là một cứ liệu cơ sở quan trọng để theo dõi, đánh giá, dự báo trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng đã được thực hiện trước đây.
Bài và ảnh: M.T
Nhận xét
Đăng nhận xét