Dù chưa
thể thuyết phục Lào không xây dựng đập thủy điện Don Sahong trên
dòng chính Mekong nhưng rõ ràng là có những dấu hiệu tích cực.
- Thủy điện Don Sahong: Lựa chọn của Việt Nam, Thái Lan, Campuchia
- Lào xây thủy điện Don Sahong:Việt Nam cần bằng chứng khoa học
Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ
trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã chia sẻ với Đất Việt về những nỗ
lực của các cơ quan trong suốt thời gian qua trong việc lên tiếng bảo vệ dòng
Mekong trước sự can thiệp của các con đập thủy điện. Đó là khi Lào chấp thuận
kéo dài thời gian tham vấn đối với việc xây dựng con đập này.
PV: - Thưa
ông, những tham vấn tích cực về thủy điện Don Sahong do các cơ quan của Việt
Nam, trong đó có Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ thời gian qua đã được thực hiện. Cùng
với đó là tiếng nói thẳng thắn của các quốc gia có liên quan về ảnh hưởng của
thủy điện này tới dòng Mekong, có được coi là tín hiệu tích cực trong việc bảo
vệ dòng Mekong hay không và vì sao? Nếu thành công trong vấn đề thủy điện Don
Sahong, tương lai của dòng Mekong sẽ như thế nào, thưa ông?
Ông Trần
Hữu Hiệp: - Ý kiến phản đối việc xây đập thủy điện Don Sahong
trên dòng chính Mekong thuộc Nam Lào vừa qua, tuy chưa đạt được kết quả cuối
cùng để Lào quyết định không xây dựng đập, nhưng rõ ràng là những dấu hiệu tích
cực.
Đông đảo người dân ĐBSCL,
Campuchia và các quốc gia, tổ chức quốc tế đã lên tiếng phản đối việc xây đập,
thể hiện quan điểm rõ ràng, cần thiết để bảo vệ lợi ích sống còn, yêu cầu phát
triển an toàn và bền vững, không chỉ với 18 triệu dân ĐBSCL mà cả người dân
Lào, Thái Lan và Campuchia.
Nhìn rộng ra, với vai trò
“chén cơm châu Á” và làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực thế giới của
ĐBSCL, vấn đề an ninh nguồn nước xuyên biên giới, nó còn vượt ra tầm khu vực,
cần được quan tâm bảo vệ.
Chúng ta biết, thủ tục
thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận (gọi tắt theo tiếng Anh là PNPCA -
Procedures for Notification, Prior Consultation and Agreement) là yêu cầu bắt
buộc được quy định bởi Ủy hội sông Mê Công quốc tế đối với bất kỳ công trình,
dự án sử dụng nước, chuyển nước trên dòng chính Mekong có tác động, ảnh hưởng
đến lợi các quốc gia lưu vực sông Mekong.
Đập thủy điện Xayaburi đã
được xây dựng khoảng 30% công trình, không được tham vấn trước theo quy định;
đến thủy điện Don Sahong, lúc đầu cũng không tiến hành thủ tục PNPCA, nhưng
trước sự phản đối mạnh mẽ của các bên liên quan, phía Lào đã chấp nhận tham vấn
trước. Đó cũng là một dấu hiệu tích cực đáng ghi nhận.
Sông Mekong được nhìn nhận
là tài sản chung, không chỉ của các quốc gia lưu vực sông mà còn là tài sản của
nhân loại, là con sông duy nhất còn lại trên thế giới còn xuôi dòng ra biển cả.
Việc bảo vệ dòng sông, như
các cam kết của các nước thành viên Hiệp định Mekong là trách nhiệm chung,
không chỉ có người dân ĐBSCL mà là của cả nước, của cộng đồng khu vực và trên
thế giới.
Tương lai của dòng Mekong
sẽ như thế nào phụ thuộc vào những nỗ lực đấu tranh giữa các lợi ích chung, lâu
dài và lợi ích cục bộ, trước mắt giữa các quốc gia, tiếng nói mạnh mẽ của các
tổ chức quốc tế, trên cơ sở các cam kết, pháp luật quốc tế và yêu cầu phát
triển bền vững trong tương lai.
PV: - Theo
giới chuyên môn, vấn đề còn lại là các nước trong Ủy hội trong đó có Việt Nam
cần nhanh chóng trưng bằng chứng khoa học để chứng minh cho nước bạn thấy được
bức tranh giữa việc làm thủy điện sẽ có lợi - hại ra sao. Tuy nhiên, cũng có ý
kiến cho rằng, vai trò của bằng chứng khoa học chỉ có tác dụng lớn nhất khi đối
tác lắng nghe và nhìn vào lợi ích toàn cục. Quan điểm của ông như thế nào?
Ông Trần
Hữu Hiệp: - Bằng chứng khoa học và bằng chứng thực tế đều quan
trọng và cần thiết. Phải thấy rằng, trên các nguyên tắc luật pháp quốc tế và
các cam kết giữa các quốc gia Hiệp định Mekong, trách nhiệm chứng minh, trước
hết thuộc về phía Lào hoặc quốc gia nào đưa ra quyết định xây dựng các công
trình thủy điện trên dòng chính Mekong với cam kết không làm tổn hại đến dòng
sông và lợi ích chung của cộng đồng.
Theo nguyên tắc cẩn trọng
của Hiến chương thế giới về thiên nhiên đã được Hội đồng LHQ công nhận năm 1982
và được áp dụng trong Công ước Montreal năm 1987, thì “Khi một hành động hay
một chính sách bị nghi ngờ có rủi ro gây hại cho công chúng hoặc cho môi trường mà thiếu cơ sở khoa học, rằng
hành động hoặc chính sách đó là không gây hại, thì trách nhiệm chứng minh thuộc
về phía đưa ra hành động và chính sách”.
Một lý lẽ giản đơn ai cũng
biết, khi anh xây nhà lầu, làm móng, đóng cọc, mặc dù trên đất nhà anh, anh có
quyền, nhưng có nguy cơ làm nứt tường, đổ vách nhà hàng xóm, thì trách nhiệm
chứng minh thuộc về anh, chứ không thể đòi hỏi người hàng xóm phải chứng minh
hay đến lúc có thiệt hại thực tế xảy ra rồi mới được lên tiếng. Một khi câu
chuyện diễn ra không còn theo logic đó nữa, thì cần đến vai trò của cộng đồng
làng xóm, của pháp luật để phân xử.
Tuy nhiên, cũng cần phải
thấy rằng, công cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường và bảo vệ dòng Mekong là một
quá trình giải quyết xung đột lợi ích phức tạp, cần phải kiên trì, có quyết
tâm, dũng khí.
Nguyên tắc của Hiệp định
Mekong là các quốc gia không can thiệp vào công việc nội bộ, không có quyền phủ
quyết lẫn nhau, đồng nghĩa là không có bất kỳ quốc gia nào có quyền cấm Lào xây
dựng công trình trên lãnh thổ thuộc chủ quyền của họ. Nhưng Hiệp định Mekong
cũng kèm theo nguyên tắc đảm bảo sự hợp tác bền vững, đồng thuận đối với những vấn đề chung.
Các công thủy điện trên
dòng chính Mekong, bao gồm Xayaburi và Don Sahong, dù được xây dựng trên lãnh
thổ của một quốc gia, nhưng khi đe dọa đến lợi ích chung, thì nó cần phải đạt
được sự đồng thuận của các quốc gia có chung lợi ích. Nếu nguyên tắc “vì lợi
ích chung” bị phá vỡ, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy dây chuyền mà không một quốc gia
nào mong muốn.
PV: - Về
phần mình, trong năm 2015 tới đây, chúng ta cần làm gì và lên tiếng như thế nào
để cứu dòng Mekong, đồng nghĩa với duy trì sinh kế cho hàng chục triệu người
dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long? Ông kỳ vọng gì vào những kết quả sẽ đạt được
trong năm 2015?
Ông Trần
Hữu Hiệp:- Ở góc nhìn vùng ĐBSCL – nơi bị đe dọa nghiêm trọng trước
“Hai gọng kiềm”: tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và việc xây các
đập thường nguồn trên dòng chính Mekong như “treo các túi nước” nguy hiểm, các
công trình “trích máu dòng Mekong” gây nguy hại, tôi nghĩ rằng, hơn ai hết,
chính quyền, các cơ quan, tổ chức và người dân vùng ĐBSCL cần phải tiếp tục lên
tiếng phản đối mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ có những hoạt động tham vấn, bày tỏ ý
kiến mà cần được nâng cao ý thức bảo vệ lợi ích chung, chủ động đấu tranh bằng
các hoạt động thiết thực.
Không chỉ vậy, đây là vấn
đề của quốc gia và quốc tế, vai trò của các cơ quan Trung ương, Ủy ban sông
Mekong quốc gia Việt Nam cần được tăng cường hơn nữa trong công cuộc “vừa hợp
tác, vừa đấu tranh”.
Cần kiên quyết, kiên trì,
đoàn kết và dũng khí, vừa đấu tranh, vừa hợp tác trên cơ sở tận dụng, phát huy
tình đoàn kết, mối quan hệ tốt đẹp Việt – Lào, tranh thủ sự ủng hộ của các bên
có lợi ích liên quan, các quốc gia và tổ chức quốc tế quan tâm, tiếp tục hợp
tác nghiên cứu, không chỉ đưa ra các bằng chứng khoa học và thực tế để chứng
minh, phản bác các công trình thủy điện, chuyển nước dòng Mekong … mà còn hợp
tác khai thác, phát triển khu vực Mekong thịnh vượng, an toàn và trù phú trong
tương lai.
Xin trân
trọng cảm ơn ông!
Bích
Ngọc (thực hiện)
Nhận xét
Đăng nhận xét