Trần Hữu Hiệp
Tôi làm thơ, viết
bài đăng báo, tạp chí khá sớm, từ khi còn là học sinh trung học hơn 33 năm trước
và hiện đang là cộng tác viên của hơn 10 tờ báo, tạp chí Trung ương, địa
phương.
Bài đầu tiên của
tôi trên Báo Nông nghiệp Việt Nam cách đây 18 năm, nhưng tôi mới thật sự gắn bó
thường xuyên với tờ báo ngành này khoảng 9 năm qua với vai trò bạn đọc thân thiết
và cũng là bạn viết.
Dù bài của tôi
trên báo Nông nghiệp VN không nhiều so với báo khác, nhưng điểm lại hơn 5.000 bài báo của
mình, mới phát hiện ra, đa số là bài viết của tôi dành cho lĩnh vực nông
nghiệp, nông dân, nông thôn, về đồng bằng sông Cửu Long. Ngẫu nhiên, tờ báo
ngành trở nên gần ngũi với đời sống, công việc của tôi, trở thành kênh thông
tin 2 chiều bổ ích. Qua đó là cơ hội tốt để tôi có thể trao đổi, chia sẻ,
bày tỏ những vấn đề của cuộc sống gắn với công ăn, việc làm của người nông dân
đồng bằng.
Với tôi, viết
báo cũng như tập thể dục hàng ngày, như cơm để ăn, nước để uống. Có những trang
viết hay, viết dở, nhưng mỗi dòng chữ, ngòi bút sử dụng phải có trách nhiệm và
tôi tìm thấy sự chia sẻ qua tờ báo này.
ĐBSCL, nơi tôi
sinh ra, lớn lên, đi học, đi làm, vùng đất mà tôi đã, đang và sẽ tiếp tục gắn
bó đời mình. Trong môi trường nông nghiệp, giữa không gian ruộng đồng, ba má,
anh chị em tôi - những người nông dân miền Tây chân chất vẫn bám quê, sống cuộc
đời bình dị. Có lẽ vì vậy mà cái chất nông dân, cái gốc nông thôn dường như đã
ngấm trong máu của mình.
Qua viết báo,
tôi tìm thấy sự đồng cảm của tờ báo và bạn đọc với những trăn trở về nhiều vấn
đề. Đồng bằng là vựa lúa gạo, trái cây, thủy sản, tuyến đầu “đảm bảo an ninh
lương thực quốc gia”, nhưng hạt gạo của người nông dân đồng bằng - “những người
lính an ninh” đó đang bị cắn chia làm tám phần, con cá tra bị chặt ra làm nhiều
khúc, cây mía chặt thành nhiều lóng, trái dừa bị bửa ra nhiều miếng… Cái trăn
trở là phần của người làm ra nó đang bị teo tóp, thiệt thòi.
Qua báo, tôi có
thể chia sẻ trăn trở của mình về tình trạng “nghèo trên vựa lúa miền Tây”. Vì
sao một bộ phận không nhỏ nông dân, nhiều nhất là những người trẻ bỏ ruộng đồng,
di cư lên thành thị, làm đủ thứ nghề, kể cả những ngành nghề nhạy cảm để mưu
sinh? Đó là do cuộc sống bấp bênh. Sản xuất nông nghiệp như “cây đòn
gánh”. Một đầu gánh nặng nguyên liệu, vật tư, phân bón, chi phí ngày càng cao;
đầu kia là tiêu thụ được chăng hay chớ, điệp khúc “trúng mùa, mất giá, được
giá, hết hàng” cứ diễn ra. Nhiều nông dân làm nông nghiệp với “cái đòn gánh” đó
vừa đi, vừa gánh, vừa bị lắc lư trong thế dễ ngã, đi khéo vẫn sẩy chân như thường.
Nông dân phải vượt qua (hay vướng lại) trong “4 bước đi”: Bước lên, bước xuống,
bước vào, bước ra. Vào làm ăn và đi lên hợp tác hóa nông nghiệp theo cách
làm mới hay bước ra riêng lẻ, tụt hậu trước thách thức, cạnh tranh toàn cầu?
Đó
không chỉ là trăn trở của nhiều người mà đang là những bức xúc nổi lên, những vấn
đề lớn đặt ra nếu chậm được giải quyết căn cơ, thì kỳ tích lúa gạo, trái cây và
thủy sản - thành tựu to lớn của nông nghiệp Việt Nam sau 30 năm đổi mới sẽ
cũng chỉ là quá khứ. Thành tích đã qua không phải là một đảm bảo chắc chắn cho
thành công tới. “Vựa lúa gạo quốc gia” hay vị thế của một nước hàng đầu thế giới
về xuất khẩu nông sản đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới, đòi hỏi
phải có tầm nhìn, tư duy và nhận thức mới. Nông sản Việt có được phát huy lợi
thế cạnh tranh hay không bằng chính tư duy, tầm nhìn và cách làm. Chiếc bánh
ngon của mình cũng có thể thành miếng mồi ngon của thiên hạ. “Chiếc bánh
nông sản” cần được chế biến thành những “chiếc bánh” ngon hơn, bán giá cao hơn,
lãi hợp lý hơn cho những người làm ra nó. Thời gian qua, Báo Nông nghiệp Việt
Nam không chỉ phản ánh những bất cập mà còn phát hiện những điển hình mới,
đề xuất giải pháp xây dựng, tạo diễn đàn hiến kế cho phát triển nông nghiệp,
nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Ai cũng biết, Việt Nam là một nước nông
nghiệp và nông nghiệp là "bệ đỡ" của nền kinh tế. Điều đó đã được khẳng
định trong lịch sử phát triển đất nước này và vẫn còn nguyên ý nghĩa. Nhưng muốn
giàu có, phát triển, không thể chỉ dựa vào hạt gạo, trái cây, con cá, con tôm,
không chỉ trông chờ vào tài nguyên hữu hạn, mà quan trọng hơn là khai thác tài
nguyên vô hạn là trí tuệ, sức sáng tạo của con người. Chủ thể trong nông nghiệp,
nông thôn chính là người nông dân. Nhưng trong điều kiện kinh tế thị trường,
người nông dân không chỉ là những người cần cù, lao động giỏi, mà còn phải là
những người kinh doanh giỏi, không chỉ biết làm ra nhiều nông sản mà quan trọng
hơn là làm ra nhiều giá trị lợi nhuận từ nông sản để làm giàu.
Để làm được điều
đó, nông dân cần được giải phóng gánh nặng của “cây đòn gánh", được trang
bị kiến thức của người kinh doanh. Đào tạo nghề nông nghiệp, tập trung nâng cao
các chuỗi giá trị nông sản; đào tạo nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề và tác
động tích cực trở lại cho nông nghiệp, nông thôn là chìa khóa.
Doanh nhân hóa
nông dân ĐBSCL thay cho những hỗ trợ nông dân, nông nghiệp, nông thôn có tính
“theo đuôi thiệt hại” như vừa qua. Những sáng kiến, đề xuất đó đã được báo
ngành ta chuyển tải, đề xuất, kiến nghị, cổ vũ, động viên bằng ngôn ngữ báo chí
rất gần gũi với nông dân.
Kỷ niệm 70 năm tờ báo ra đời không chỉ là dịp để đội
ngũ những người làm báo tự hào về tờ báo ngành của mình được chính Bác Hồ khai
sinh, mà hơn hết là niềm tin yêu của độc giả. Chúc báo giữ vững tôn chỉ, mục
đích của tờ báo trước nhiều thách thức của báo chí, biến động của thông tin, tiếp
tục khẳng định thương hiệu của tờ báo tam nông Việt Nam...
Verry Good, Vụ trưởng.
Trả lờiXóa