Ở miền Tây Nam Bộ bây giờ, chẳng còn
mấy đứa trẻ nào biết và gọi tên phần hành lang trước mỗi ngôi nhà là “cái hàng
ba” như lứa tuổi 6X chúng tôi trở về
trước, để nhớ, để thương về cái hàng ba đong đầy kỷ niệm ấu thơ.
Cho tôi một vé đi về
miền… tuổi thơ. Nơi đó là quê nội, tôi đã sống thời thơ bé. Nơi có hàng cau
thẳng đứng thân cây, cạnh vườn trầu mượt vàng lá thắm. Có cái hàng ba mang bóng
nắng mái hiên rọi xuống cho tôi biết giờ đi học buổi chiều vì nhà nghèo không
có đồng hồ để định “cái thời gian”.
Hàng ba là gì? Sao gọi
hàng ba? Có lẽ nó là đặc sản phương ngữ Nam Bộ. Người miền Bắc, ngoài Trung,
không nghe ai gọi thế. Người ta gọi “hành lang” hay “thềm nhà”. Từ điển Tiếng
Việt, NXB Đà Nẵng 2011; từ điển Từ và ngữ của giáo sư Nguyễn Lân; NXB Tổng hợp
TP. HCM 2006, tôi tra mãi cũng không có từ này.
Theo từ điển Từ ngữ Nam
Bộ của Huỳnh Công Tín, NXB Chính trị Quốc gia, 2009, trang 603, thì “hàng ba”
là hành lang phía trước nhà, phần nền có mái che nhưng không có tường bao
quanh. Nếu đếm cột ở hàng ba, thì mỗi nhà chỉ có 1 hàng cột, thường là 4 cây,
đâu phải 3. Có lẽ người Nam Bộ xưa xuôi phương Nam khai khẩn đất hoang, vẫn nhớ
miền cố thổ với mái nhà xưa “3 gian, 2 mái”, nên gọi phần phía trước căn nhà
của mình là cái hàng ba?
Hàng ba nhỏ trước ngôi
nhà quê, rộng bằng chiều ngang ngôi nhà, nhưng thâm hậu chỉ khoảng 1-2 thước
hơn. Chiều chiều tắt nắng, người lớn thì ra hàng ba đánh cờ, bày trà cùng uống,
cùng san sẻ vui buồn, nghĩa tình lối xóm.
Con nít thì ra hàng ba
chuyện trò, tán dóc. Hàng ba là “sân chơi” nho nhỏ của bọn trẻ ngày xưa. Con
gái thì đánh đũa, búng dây thun, hột me, hột ô môi. Con trai thì đá dế, đá cá
lia thia.
Ngày nay, giữa ồn ào phố chợ hay cái bề bộn đã xâm chiếm làng
quê, có còn ai nhớ về cái hàng ba xưa trước ngôi nhà quê như để nhớ thương về
một thời dĩ vãng đã xa xăm?
Nhận xét
Đăng nhận xét