Trong bối cảnh hội nhập
sâu và toàn diện sắp tới, ngành nông nghiệp phải chuẩn bị các bước đi thích hợp
để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Để làm được điều này, liên
kết giữa các tổ chức kinh tế với nhau hay giữa các tổ chức kinh tế với cơ sở
sản xuất, hộ nông dân để phát huy thế mạnh của mỗi bên nhằm giảm chi phí sản
xuất, tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh, thương hiệu, uy tín thị trường là
một xu thế tất yếu. Bên cạnh đó, việc rà soát lại cơ chế chính sách, thúc đẩy
kinh tế hợp tác, tái cơ cấu và đổi mới toàn diện ngành nông nghiệp cũng là
những vấn đề mà các đại biểu tham dự hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị nông
nghiệp bền vững” bàn thảo, kiến nghị nhiều giải pháp quan trọng.
Liên kết - yếu tố sống còn
“Chúng ta đang có nhiều cơ
hội thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp nước nhà, nhưng đồng thời, cũng
phải đối mặt với nhiều thách thức vì nền nông nghiệp rất dễ bị tổn thương. Đã
đến lúc chúng ta không thể né tránh thách thức mà buộc phải thích ứng, đối mặt
để tồn tại. Phát triển nền nông nghiệp bền vững thì cách tốt nhất là thực hiện
có hiệu quả chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông,
lâm, thủy sản...” - đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ
tịch Quốc hội, phát biểu tại hội thảo.
Chuỗi giá trị là những
hoạt động thông qua các giai đoạn sản xuất khác nhau cho đến khi phân phối đến
tay người tiêu dùng cuối cùng do nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện. Chuỗi giá
trị có ý nghĩa vô cùng to lớn trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đất nước ta
đang hội nhập sâu rộng với quốc tế. Sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là xuất khẩu,
do đó từng người nông dân hoặc các tổ hợp tác, hợp tác xã nhỏ lẻ không thể tự
thực hiện được chuỗi sản xuất và tiêu thụ ở thị trường quốc tế. Vì vậy cần phải
thực hiện liên kết giữa các nông hộ - tổ chức của nông dân - các doanh nghiệp
thì mới có thể đủ năng lực để đưa sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế
và làm gia tăng giá trị cho chuỗi sản xuất nông nghiệp.
“Đây là vấn đề không mới, nhưng triển khai trong thực tế còn
chậm và nhiều vướng mắc”, ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Ban Chỉ đạo
Tây Nam bộ) cho biết. Theo ông Trần Hữu Hiệp, thời gian qua, các địa phương đã
ký kết và thực hiện nhiều chương trình hợp tác, đã phát huy hiệu quả nhất định,
nhưng còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân do đâu? Thứ nhất, cho đến nay, vẫn chưa có
một “cơ chế pháp lý” rõ ràng và “một mô hình chỉ đạo, điều phối” liên kết vùng
thật sự hiệu quả. Thứ hai, việc liên kết mới chủ yếu giữa chính quyền với chính
quyền, thông qua ký kết các chương trình hợp tác, dựa vào “mối quan hệ tốt đẹp”
giữa các địa phương với nhau, là sự cam kết tự nguyện, thiếu ràng buộc trách
nhiệm pháp lý, nên hiệu quả chưa tốt. Thứ ba, mặc dù chúng ta nói nhiều đến
“liên kết 4 nhà”, nhưng trên thực tế, mối liên kết giữa sản xuất - chế biến -
tồn trữ và tiêu thụ nông sản còn nhiều yếu kém.
Phó Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Thị Kim Ngân xem sản phẩm triển lãm tại hội thảo Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng quan điểm này, PGS-TS
Võ Thị Thanh Lộc (Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL) cho biết: Nhìn tổng thể,
mối liên kết này đang bị “chặt” ra thành nhiều khúc mà phần thiệt thòi nhất
đang thuộc về nông dân. Nếu Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện, môi
trường tốt thì sẽ thúc đẩy liên kết mạnh mẽ hơn, nông dân đỡ thiệt thòi. Không
chỉ có liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp (liên kết dọc) hay doanh nghiệp với
doanh nghiệp (liên kết ngang), theo TS Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện
Nghiên cứu Thương mại, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giải quyết được những
vấn đề cốt tử: nắm bắt được thông tin thị trường cần cái gì, cần vào thời điểm
nào, cần bao nhiêu và giá cả ra sao; có thể thực hiện “sản xuất và bán cái thị
trường cần, không phải bán cái chúng ta có”.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài “liên kết 4 nhà” đã
được triển khai thời gian qua, yêu cầu của liên kết vùng không thể để từng tỉnh
hay vài ba tỉnh tự làm với nhau, mà cần có khung pháp lý rõ ràng và một mô hình
điều phối liên kết hiệu quả. Đã có một số mô hình tổ chức được đề xuất như
thành lập Hội đồng vùng, nhưng theo đề xuất này thì lại đẻ thêm bộ máy, cồng
kềnh về hành chính. Nhưng có thể tiếp cận theo hướng thí điểm, chọn lựa nội
dung “liên kết nhà nước”, tạo cơ chế, chính sách, khuyến khích thúc đẩy “liên
kết thị trường”, liên kết doanh nghiệp, các chủ thể kinh doanh. “Cần xem đây là
vấn đề cụ thể thực hiện đột phá chiến lược “cải cách thể chế” - một trong ba
đột phá chiến lược đã được xác định”, ông Trần Hữu Hiệp nhấn mạnh.
Chọn chính sách đòn bẩy
Ở góc độ vĩ mô, ông Nguyễn
Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã mang đến hội thảo một cái nhìn
mới về hướng tiếp cận chuỗi giá trị nông sản thông qua nghiên cứu. Theo đó, cần
phải đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản chủ lực hiệu quả và bền
vững, phù hợp với thực trạng nền sản xuất nông nghiệp với lộ trình hợp lý trong
điều kiện đặc điểm Việt Nam. Giải pháp chính của vấn đề này là đổi mới thể chế,
nâng cao năng lực điều phối giữa các khâu và các tác nhân tham gia chuỗi nông
sản hiệu quả và bền vững; tiếp tục phân cấp, phân quyền, nhất là giảm quyền ở
cấp trên, ủy quyền cho cấp dưới, cần sớm thành lập Hội đồng cạnh tranh quốc gia
trực thuộc Chính phủ, có người điều hành (không kiêm nhiệm) để nâng cao hiệu
quả và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, trong đó có nông sản chủ lực trong
chuỗi giá trị. Ông Nguyễn Văn Hiếu khuyến nghị và đề xuất 9 giải pháp, trong đó
các giải pháp then chốt là sớm trình Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch quốc
gia, ban hành chính sách tài chính ưu đãi đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh
sản phẩm chủ lực quốc gia; đổi mới nhận thức và pháp luật về tư hữu đất đai và
hạn điền, thành lập Viện Giống quốc gia và Cục Thương hiệu quốc gia…
Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào
Hồng Lan cho biết: Chuỗi giá trị nông nghiệp trải qua rất nhiều khâu, nhiều chủ
thể khác nhau, nâng cao vai trò, vị thế của người nông dân, nâng cao kiến thức
sản xuất nông nghiệp là yếu tố then chốt. Theo đó, đến hết quý 2-2015, tỷ lệ
lao động nông nghiệp qua đào tạo chỉ 5%. Để giải bài toán này, Chính phủ đã ban
hành nhiều chương trình, nhất là Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông
thôn. Qua 5 năm thực hiện đề án này, các địa phương rà soát lại lao động, đào
tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Có 2,2 triệu lượt; 42,7%
học nghề nông nghiệp, số còn lại chuyển sang phi nông nghiệp. Kết quả, 78,7% có
việc làm sau học nghề. Chính phủ giao cho Bộ NN-PTNT xây dựng chương trình đào
tạo, tránh việc triển khai dàn trải, gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm nâng
cao kỹ năng sản xuất, năng lực cho nông dân
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT
Lê Quốc Doanh, để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, doanh nghiệp không thể
liên kết cụ thể với từng hộ nông dân mà phải thông quan đại diện của họ. Hiện
nay, Bộ NN-PTNT đang xây dựng nghị định về HTX và sẽ sớm trình Chính phủ ban
hành Nghị định này để “siết” lại liên kết 4 nhà. Trong chương trình tái cơ cấu
ngành nông nghiệp, Bộ NN-PTNT sẽ chọn một số sản phẩm chủ lực để làm thí điểm
liên kết chuỗi, trước nhất là 2 sản phẩm cà phê và lúa gạo. Chậm nhất là cuối
năm 2015 hoặc sang đầu năm 2016, Bộ NN-PTNT sẽ trình Chính phủ chỉnh sửa Quyết
định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25-10-2013 về chính sách khuyến khích phát triển hợp
tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Hiện
nay, Bộ NN-PTNT đang tập trung xây dựng khung và các vấn đề liên quan đến chuẩn
sản xuất an toàn (GAP) theo hướng thuận lợi hơn cho nông dân, khuyến khích
doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn và xây dựng khu nông nghiệp công
nghệ cao toàn quốc. Phấn đấu đến năm 2020, cả nước sẽ có 10 khu nông nghiệp
công nghệ cao, nhằm làm gia tăng giá trị nông sản quốc gia.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học
- công nghệ
Để làm được vấn đề này,
khoa học công nghệ luôn đóng vai trò then chốt. Đến tham dự và cùng chủ trì hội
thảo, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân đã nêu nhiều giải pháp quan trọng, đáp ứng
được sự mong mỏi của các doanh nghiệp, HTX, nông dân sản xuất giỏi. Theo Bộ
trưởng Nguyễn Quân, nếu không tiến hành sản xuất lớn, không thể áp dụng khoa
học công nghệ. Chỉ có sản xuất lớn dưới sự liên kết mạnh mẽ giữa nông dân và
HTX, nông dân và doanh nghiệp thì mới có điều kiện để đưa tiến bộ khoa học kỹ
thuật vào. Từ năm 2010, khoa học công nghệ đã đổi mới để đáp ứng nhu cầu quốc
gia. Hiện nay, Bộ KH-CN đang tập trung cho 9 sản phẩm quốc gia gồm 6 sản phẩm
chính thức: Sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao; thiết bị
siêu trường, siêu trọng; Bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin; động cơ sử
dụng cho phương tiện giao thông vận tải; Sản phẩm vaccine phòng bệnh cho người
và vật nuôi của Việt Nam; Sản phẩm phục vụ an ninh quốc phòng. 3 sản phẩm
dự bị gồm: Sản phẩm cá da trơn Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm chế biến
từ cá da trơn; Sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu; Sản phẩm vi mạch điện tử. Việc
lựa chọn và triển khai sản phẩm quốc gia thể hiện sự đổi mới quan trọng trong
sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam. Đó là lấy sản phẩm và
doanh nghiệp làm trọng tâm để thu hút và gắn kết các nguồn lực khoa học công
nghệ cho việc phát triển sản phẩm, phát triển doanh nghiệp. “Khoa học công nghệ
luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp và bà con nông dân”, Bộ trưởng Nguyễn
Quân cam kết.
Diễn ra trong 1 ngày, thời
gian làm việc không nhiều, nhưng hội thảo đã thu hút 28 ý kiến của lãnh đạo các
bộ ngành, các chuyên gia, các nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX và nông dân. Chủ
nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu bày tỏ: Có nhiều tham luận
giá trị, chuẩn bị công phu nhưng thời gian không cho phép nên tác giả không thể
trình bày tại hội trường, đề nghị các đại biểu tham khảo, tự nghiên cứu sâu
hơn. Về tổng thể, có thể nói hội thảo đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Hội thảo đã
lắng nghe nhiều ý kiến và các mô hình về trồng trọt, chăn nuôi, lâm sản, thủy
sản trên phạm vi cả nước. Đây là những giải pháp, mô hình sáng tạo, sáng kiến
từ thực tế cuộc sống, sản xuất. Hiện cả nước có 2.500 mô hình liên kết, trong
đó, hơn 40% là thành công, còn 60% chưa được đánh giá. Nhiều mô hình mới xuất
hiện như sản xuất nghêu ở Bến Tre, tái cơ cấu nông nghiệp ở Đồng Tháp, mô hình
liên kết trong sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị rau quả ở tỉnh Bắc
Giang, mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị ngành chăn nuôi: nghiên cứu điển
hình ngành thịt heo tại Chương Mỹ (Hà Nội), sản xuất gà an toàn theo chuỗi giá
trị của HTX Chăn nuôi và thủy sản Gò Công; mô hình tổ chức sản xuất cá ngừ theo
chuỗi giá trị tại Bình Định, hình chuỗi giá trị nguyên liệu gỗ rừng trồng tại
Quảng Bình… Hầu hết các ý
kiến tại hội thảo đều thể hiện rõ sự quyết tâm đổi mới, phấn đấu xây dựng nền
nông nghiệp phát triển toàn diện. “Ẩn chứa bên trong các đề xuất, hiến kế phát
triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững là trách nhiệm cộng đồng và
đặc tính nhân văn của người Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Giàu đúc kết.
|
|
TRẦN MINH TRƯỜNG
- See more at:
http://www.sggp.org.vn/kinhte/2015/12/404792/#sthash.IkF7TWWN.dpuf
Nhận xét
Đăng nhận xét