Trần Hữu Hiệp
(TBKTSG) - Từ ngày 1-7-2017, Nghị định 55/2017/NĐ-CP của
Chính phủ về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra có hiệu lực
thi hành, thay thế Nghị định 36/2014/NĐ-CP còn nhiều bất cập. Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn cũng đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với cá
tra thương phẩm. Nhiều doanh nghiệp đã thể hiện sự đồng tình với “khung pháp lý
mới”. Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần
(CTCP) Hùng Vương, cho rằng “Nghị định 55 sẽ là nghị định khởi nghiệp”.
Nhưng đằng sau ánh hào quang “kỳ tích cá tra” và kỳ vọng
“đường bơi mới” cho đế ngư, còn nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết để “cá tra
khởi nghiệp” thành công.
Thu hoạch cá tar của người nuôi ở Thốt Nốt - Cần Thơ. Ảnh: hiepcantho |
Khi Thủ tướng làm tiếp thị
Một câu chuyện không liên quan gì đến cá tra, nhưng cũng gợi ý
một cách tiếp cận mới. Hình ảnh truyền thông ấn tượng trong chuyến thăm Mỹ đầu
tháng 6 vừa qua của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là “chiếc giày Nike”
được ông dùng để chứng minh lợi ích của nhà đầu tư Mỹ.
Theo phân tích của Thủ tướng, một đôi giày sản xuất tại Việt
Nam vào thị trường Mỹ giá 100 đô la Mỹ, “phân khúc Việt” chỉ hưởng một phần nhỏ
là 22 đô la, còn lại 78 đô la là chi phí bán lẻ, vận chuyển, thuế, phí, hậu cần
logistics và các chi phí liên quan do phía Mỹ hưởng. Đồng nghĩa với việc nó đã
tạo ra dịch vụ, việc làm chiếm đến 78% chuỗi giá trị chiếc giày Mỹ “Made in
Vietnam”. Các tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ với đội ngũ chuyên gia tư vấn đầu tư,
thương mại và pháp lý hùng hậu chắc chắn không thể không nhìn ra điều này.
Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Trong
tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước khoảng 51 tỉ đô la Mỹ, họ đã nhập
siêu từ nước ta hơn 32 tỉ. Mặc dù các tập đoàn hàng đầu của Mỹ đã có mặt sớm và
đạt nhiều thành công, nhưng cường quốc kinh tế số 1 thế giới này chỉ đạt mức
đầu tư khiêm tốn hơn 10,2 tỉ đô la Mỹ, chiếm 3,36% tổng vốn FDI và xếp thứ 9
trong số 119 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Con số này thấp
xa so quốc gia đầu bảng là Hàn Quốc, với gần 54,5 tỉ đô la Mỹ. Số liệu này chắc
chắn chưa làm hài lòng các ông chủ Mỹ. Nhưng nó cũng không làm hài lòng chúng ta
đứng trên phương diện lợi ích quốc gia.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như sản phẩm may
mặc, trái cây, tôm, cá tra, giúp nước ta là một trong 16 quốc gia nhập siêu vào
Mỹ, nhưng “phân khúc” chuỗi giá trị mà ta được hưởng cũng chỉ là phần nhỏ bé.
Tiếp tục đặt “giày Nike” bên cạnh “con cá tra Việt Nam” sẽ thấy ra nhiều điều
đáng suy ngẫm. Mặc dù Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam,
nhưng cho đến nay chưa thấy một chính khách nào “tiếp thị quốc gia” cho con cá
tra như cách làm của Thủ tướng.
Tái cấu trúc ngành cá tra cần tầm nhìn
rộng hơn, sự tiếp cận đa ngành và giải quyết liên ngành. Có hay không kiểu tư
duy quẩn quanh trong ao hồ? Nay, cần tiếp cận mới với yêu cầu chi phối được
chuỗi giá trị đích thực của con cá tra toàn cầu.
Đặt “chiếc giày Nike” của Mỹ bên cạnh con cá tra Việt Nam là
một so sánh khập khiễng, nhưng nhiều gợi mở. Một bên là giá trị thương hiệu
được Brand Finance định giá 32 tỉ đô la Mỹ, đứng đầu danh sách thương hiệu may
mặc toàn cầu có giá trị cao nhất năm 2017, chiếm hơn 60% thị trường cường quốc
số 1 thế giới. Một bên là con cá tra mặc dù nổi tiếng, nhưng hầu như chưa có
thương hiệu, đang bị chặt ra làm nhiều khúc. Chia sẻ lợi ích vượt trội của nhà
đầu tư Mỹ qua góc nhìn “đôi giày Nike” cũng rất cần tăng cường lợi ích của
chuỗi giá trị cá tra Việt vào thị trường Mỹ. Đó cũng chính là thông điệp cốt
lõi từ chiếc giày Nike và con cá tra.
Phân khúc giá trị cá tra nào cho người Việt?
Đầu năm nay, giá cá tra nguyên liệu tăng mạnh có lúc vượt đỉnh
giá 28.000 đồng/ki lô gam. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do thị trường Trung
Quốc ăn hàng mạnh để tiêu thụ trong nước và chế biến, gắn mác xuất khẩu đi nước
thứ ba. Mặc dù vậy, giá cá tra nguyên liệu nông dân ĐBSCL bán ra chỉ hơn 1 đô
la Mỹ/ki lô gam. Sau chế biến, các doanh nghiệp Việt bán cá tra phi lê vào thị
trường Mỹ chỉ khoảng 2,2-2,4 đô la Mỹ/ki lô gam, trong khi giá bán tại các siêu
thị Mỹ khoảng 12-15 đô la Mỹ/ki lô gam. Một “phân khúc giá trị” mới được tạo ra
ngay trên đất Mỹ. Các nhà kinh doanh Mỹ đang nắm giữ lợi ích lớn hơn nhiều
những ông chủ nhỏ ở quê hương con cá tra nhờ lợi thế hệ thống phân phối, dịch
vụ thương mại liên quan. Điều đó góp phần lý giải tại sao người Mỹ, thay vì cấm
cửa cá tra Việt Nam bằng cuộc chiến cá da trơn trước đây để bảo vệ những người
nuôi cá nheo, thì họ đã chọn mở cửa đón nhận, nhưng kèm theo các “yêu sách”
kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm để tiếp
tục hưởng lợi từ “phân khúc thị trường” cá tra mà họ đang nắm giữ.
Việt Nam đang trong thế “độc quyền” cung ứng hơn 90% thị phần
xuất khẩu cá tra thế giới. Nhưng nhà độc quyền không có quyền làm giá. Hiện
khoảng 80% giá thành cá tra là chi phí thức ăn; trong khi khoảng 80% các doanh
nghiệp nước ngoài đang nắm giữ quyền cung cấp thức ăn, quyết định giá nguyên
liệu. Cũng khoảng 70% nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản như bắp, dầu
cám và các nguyên, phụ liệu khác cũng được nhập khẩu. Sản xuất cá tra đang bị
chi phối mạnh từ “đầu vào”. Khi cá tra được giá, người nuôi chỉ lãi khoảng 20%,
còn lại 80% thuộc phân ngành thức ăn. Thua lỗ, thì người nuôi mất trắng. Chưa
kể, vẫn còn tình trạng “bồ nhà chơi xấu nhau trên sân khách” khi các doanh
nghiệp xuất khẩu cá tra cạnh tranh nhau bằng cách hạ giá bán, tác động xấu đến
người nuôi. Năng lực tài chính, quản trị yếu kém và thiếu liên kết chuỗi cá tra
đang là thách thức mà doanh nghiệp và nông dân cần phải vượt qua.
Trong khi đó, gần 20 năm cá tra “vượt biên giới quốc gia” cũng
chỉ đơn điệu với sản phẩm catfish, chưa có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng mới
với hàm lượng chất xám nhiều hơn. Bên cạnh đó, 92 triệu dân Việt Nam là một thị
trường lớn, khó có thể chấp nhận một thị phần tiêu thụ cá tra nội địa chỉ chiếm
khoảng 2% như hiện nay. Bên cạnh các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Trung
Quốc, sản phẩm cá tra cần tìm đường đi vào bàn ăn của người tiêu dùng ngay quê
hương mình.
Phân khúc cá tra nào của chúng ta? Chuỗi giá trị con cá tra
không chỉ nằm ở công đoạn nuôi, chế biến và xuất khẩu khỏi biên giới quốc gia,
mà còn một phân khúc rất lớn từ “đầu vào” - thức ăn và “đầu ra” mà nhà nhập
khẩu đang nắm giữ. Dư địa gia tăng giá trị từ cá tra còn nhiều. Chỉ riêng lượng
bùn thải từ các ao nuôi cá tra hiện nay làm ô nhiễm môi trường cũng có thể biến
thành tiền khi nó được tận dụng làm nguyên liệu chế biến phân sinh học. Các
dịch vụ hậu cần logistics, giá trị thương hiệu và các sản phẩm như collagen
được tạo ra từ da cá tra của Công ty Vĩnh Hoàn, dầu ăn Ranee từ mỡ cá tra của
tập đoàn Sao Mai cùng nhiều sản phẩm sáng tạo khác cần được khuyến khích, đầu
tư mạnh mẽ hơn nữa để tạo ra nhiều phân khúc giá trị của loài cá này.
Tái cấu trúc ngành cá tra cần tầm nhìn rộng hơn, sự tiếp cận
đa ngành và giải quyết liên ngành. Có hay không kiểu tư duy quẩn quanh trong ao
hồ, nay cần tiếp cận mới với yêu cầu chi phối được chuỗi giá trị đích thực của
con cá tra toàn cầu. Tại sao không? Trong khi chúng ta chứ không phải ai khác
đang nắm giữ thế độc quyền. “Cá tra khởi nghiệp” có thành công hay không phụ
thuộc vào tư duy phát triển, cách tiếp cận hệ thống và giải quyết hiệu quả
những thách thức của chuỗi giá trị cá tra đang đặt ra hiện nay.
Nhận xét
Đăng nhận xét