Xác định giao thông là một trong ba khâu đột phá cho sự phát
triển kinh tế và an sinh xã hội, thời gian qua, mạng lưới giao thông vùng Đồng
bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có sự quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, thực tế cho
thấy, cơ sở hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng với nhu cầu để phát huy thế
mạnh của vùng và đang là “điểm nghẽn” của quá trình phát triển.
Kết nối thông suốt
Thời gian qua, nhiều
công trình giao thông trọng điểm của vùng ĐBSCL đã được hoàn thành, đưa vào sử
dụng như: Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 TP Hồ Chí Minh-Năm Căn; đường cao
tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương; tuyến Nam Sông Hậu, Quản Lộ-Phụng Hiệp; đường
nối Cần Thơ-Vị Thanh... khởi công nâng cấp tuyến vận tải thủy từ TP Hồ Chí Minh
qua Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đến Hà Tiên và TP Hồ Chí Minh-kênh Chợ
Gạo-Chợ Lách-Mang Thít-Đại Ngãi-Bạc Liêu...
Bên cạnh các công trình,
dự án đã hoàn thành, còn có những con đường mới cùng các cây cầu được đầu tư
xây dựng. Đơn cử như cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền; cầu Vàm Cống bắc
qua sông Hậu, nối huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ)
cùng các công trình quan trọng như Đường Hồ Chí Minh giai đoạn II, đường hành
lang ven biển phía Tây Nam cũng được khởi công... Đây là dự án đặc biệt
quan trọng để kết nối khu vực phía Tây của ĐBSCL tạo thành trục giao thông
huyết mạch thứ hai song song với Quốc lộ 1, xóa đi cảnh chen chúc lộn xộn, mất
thời gian, thiếu an toàn tại các bến phà vốn tồn tại hàng thế kỷ nay. Đồng
thời, góp phần rút ngắn khoảng đi từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh Đồng Tháp, An
Giang, Kiên Giang...
Cầu Cần Thơ đi vào hoạt động góp phần thuận lợi cho giao
thương của bà con các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long.
Còn những “điểm nghẽn”
Thực tế cho thấy, còn
nhiều hạn chế trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông hỗ trợ phát triển liên
kết vùng ĐBSCL. Cụ thể là hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất
là hạ tầng giao thông trục chưa có tính kết nối và liên thông thuận lợi giữa
các địa phương trong nội vùng và liên vùng. Đầu tư kết nối giữa các phương thức
vận tải chưa phát huy hiệu quả của toàn hệ thống, thiếu đồng bộ, nhất là kết
nối giữa đường sắt và cảng biển.
Bên cạnh đó, đầu tư
cho giao thông thủy cũng thiếu đồng bộ, chỉ tập trung đầu tư, xem nhẹ việc duy
tu, bảo trì luồng lạch, trang thiết bị đường thủy, nâng cao năng lực bốc xếp,
kho bãi… Trong khi đó, hệ thống cảng biển, cảng sông trên địa bàn cũng manh
mún. Lĩnh vực vận tải thủy chưa khai thác hết thế mạnh về điều kiện tự nhiên
sông nước của khu vực để phát triển, tạo sự liên kết giữa các phương thức vận
tải thủy-bộ trong vận chuyển hành khách, hàng hóa giữa các địa
phương trong toàn vùng. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh
Đồng Tháp cho rằng: “Thời gian qua, ở ĐBSCL vận tải bằng đường bộ là chủ yếu,
các phương thức vận tải khác chưa phát huy được hiệu quả khai thác. Việc khai
thác, sử dụng hiệu quả công trình sau đầu tư chưa được chú trọng, gây lãng phí
nguồn lực. Các trung tâm logistics quy mô còn nhỏ (dưới 10ha), chủ yếu phục vụ
một số doanh nghiệp trong khu vực khu công nghiệp hoặc một địa phương, chưa
phát triển đến quy mô phục vụ một ngành hoặc một vùng kinh tế.
Về các địa phương, để
hoàn thành một dự án giao thông cần có sự tham gia đầu tư của Nhà nước ít nhất
là 50% tổng vốn đầu tư, nhưng khả năng ngân sách nhà nước rất khó khăn. Chủ yếu
nguồn vốn ngân sách hằng năm phân bổ cho ngành giao thông chỉ đủ để bố trí
nguồn vốn đối ứng phục vụ các dự án ODA, không còn vốn để triển khai các dự án
khác. Do đó vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa nhu cầu đầu tư và khả năng nguồn
lực.
Gỡ khó cho hạ tầng giao
thông
Nhiều ý kiến cho rằng,
đối với việc đầu tư cho hạ tầng giao thông, bên cạnh những công trình, dự án
trước mắt, cần phải có chiến lược và tầm nhìn dài hơi. ĐBSCL có tiềm năng rất
lớn về giao thông thủy, nhưng không thể phát huy được do trước đây khi xây dựng
các cầu, chúng ta không chú ý đến tĩnh không thông thuyền. Giờ đây nó trở thành
"điểm nghẽn" kìm hãm sự phát triển giao thông thủy.
Bên cạnh đó, do đặc điểm
của vùng ÐBSCL có nhiều kênh rạch, nền địa chất phức tạp, vật liệu khan hiếm,
các dự án trong khu vực có tổng mức đầu tư rất lớn, do đó cần có những giải
pháp, cơ chế đặc thù nhằm tăng cường nguồn vốn đầu tư cho khu vực này. “Chúng
ta nên tăng nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông
vùng ÐBSCL; ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp tạo môi trường đầu tư
thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn vốn thực hiện các dự án, trong đó Nhà nước
phải góp từ 30 đến 50% vốn vào dự án, đồng thời thu hút các nhà đầu tư, các
doanh nghiệp trong và ngoài nước bỏ vốn xây dựng hạ tầng giao thông bằng các
hình thức BT, BOT...”-ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây
Nam Bộ nói.
Ông Nguyễn Văn Thể, Ủy
viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nhấn mạnh, nhu cầu đầu tư hệ
thống giao thông ở ĐBSCL là rất lớn. Ông Thể cho rằng: “Để đột phá về giao
thông, việc đầu tư cần làm nhanh và có trọng điểm. Nên tập trung cho những
tuyến đường thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Rà soát lại quy hoạch hạ
tầng giao thông của vùng và của các địa phương, kể cả quy hoạch của ngành giao
thông và các lĩnh vực. Phải xác định vai trò thật sự của công tác quy hoạch để
qua đó loại bỏ các quy hoạch không phù hợp, không bám sát sự phát triển của
ngành, địa phương và của vùng. Không phát triển hạ tầng giao thông bằng mọi
giá, phải thật sự tính toán kỹ. Phát triển hạ tầng giao thông phải gắn với
chiến lược phát triển của ngành trong xu thế hội nhập quốc tế và khu vực”.
Bài và ảnh: THÚY AN
Nhận xét
Đăng nhận xét