Báo Phụ nữ TPHCM - 25/11/2024 - 06:29
Trần Hữu Hiệp
PNO - Vùng ĐBSCL cần một chiến lược quản lý nước toàn diện, hài hòa giữa công trình và phi công trình để bảo đảm an ninh nguồn nước trong dài hạn thay vì tập trung xây dựng các công trình chứa nước đồ sộ.
Trong bối cảnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đối mặt với hàng loạt thách thức về biến đổi khí hậu, hạn, mặn, khan hiếm nước ngọt thì việc xây dựng các hồ chứa nước ngọt cũng là giải pháp cần thiết.
Các hồ chứa không chỉ nhằm trữ nước cho sản xuất và sinh hoạt mà còn góp phần điều tiết nước, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước, đồng thời có thể kết hợp khai thác du lịch sinh thái cộng đồng bền vững. Tuy nhiên, để việc xây hồ vừa tích trữ được nước ngọt, vừa tích hợp hiệu quả các mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, xã hội, cũng cần cân nhắc cẩn trọng dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn.
Vườn quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp là nơi được một số chuyên gia gợi ý xây hồ chứa nước với dung tích 1,5 tỉ m3 để cung cấp nước cho 4 tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long - Ảnh: H.L. |
Thời gian qua, một số tỉnh trong vùng đã triển khai các dự án xây dựng hồ chứa nước với kỳ vọng sẽ cung cấp nguồn nước ngọt ổn định cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Song, nhiều công trình chưa thật sự phát huy hiệu quả như mong đợi.
Hàng trăm tỉ đồng đã được đầu tư xây dựng các hồ chứa Kênh Lấp, Lạc Địa (tỉnh Bến Tre), hồ chứa nước ngọt ở huyện U Minh, tỉnh Cà Mau… nhằm giúp địa phương chủ động nguồn nước ngọt nhưng sau khi hoàn thành công trình, tình trạng thiếu nước vào mùa khô vẫn tiếp diễn.
Mới đây, hồ chứa nước ngọt dọc bờ sông Láng Thé (tỉnh Trà Vinh) được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư 4.500 tỉ đồng. Trong khi đó, cũng có những tổ chức, cá nhân đề xuất xây dựng hồ chứa nước quy mô lớn ở vườn quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) và hồ chứa nước gần khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (tỉnh Hậu Giang).
Những cảnh báo của các chuyên gia không phải là không có cơ sở. Họ cho rằng, trong bối cảnh ngân sách quốc gia còn hạn chế, việc đầu tư xây dựng các hồ chứa lớn, tốn hàng ngàn tỉ đồng là đáng lo ngại, chưa kể chúng có thể gây rủi ro cho môi trường. Vùng ĐBSCL có nhiều sông ngòi và hệ sinh thái phong phú, việc can thiệp thô bạo vào tự nhiên bằng các công trình nhân tạo có thể làm suy giảm sự đa dạng sinh học, ảnh hưởng tổng thể môi trường.
Không phủ nhận giải pháp công trình, nhưng các giải pháp phi công trình là rất quan trọng. Cần lựa chọn mô hình thích ứng tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững, ứng phó hiệu quả trước thiên tai. Để tạo ra không gian bền vững cho nước, ĐBSCL cần hướng tới các giải pháp kết hợp giữa công trình và phi công trình. Thay vì chỉ tập trung xây dựng các hồ chứa, cần triển khai các giải pháp hiệu quả hơn và phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng, như nâng cao vai trò của cộng đồng địa phương trong việc quản lý và bảo vệ nguồn nước; sử dụng công nghệ tưới tiêu hiện đại và tiết kiệm nước trong nông nghiệp để giảm áp lực lên các nguồn nước tự nhiên.
ĐBSCL cần một chương trình tổng thể phục hồi các “túi chứa nước tự nhiên” của khu vực Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên. Những vùng đất ngập nước tự nhiên như vườn quốc gia Tràm Chim, khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng… sẽ đóng vai trò như những hồ chứa nước tự nhiên, có khả năng điều tiết và cung cấp nước ngọt. Việc bảo tồn những vùng đất này sẽ mang lại lợi ích lâu dài hơn so với việc xây dựng các công trình nhân tạo.
Việc tạo ra không gian cho nước ở ĐBSCL là vô cùng cần thiết, nhưng không thể chỉ dựa vào các công trình hồ chứa nước ngọt. Các giải pháp bền vững cần phải được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng và không gây ra các tác động tiêu cực đến môi trường cũng như sinh kế của người dân.
Vùng ĐBSCL cần một chiến lược quản lý nước toàn diện, hài hòa giữa công trình và phi công trình để bảo đảm an ninh nguồn nước trong dài hạn thay vì tập trung xây dựng các công trình chứa nước đồ sộ.
https://www.phunuonline.com.vn/can-mot-chien-luoc-quan-ly-nuoc-toan-dien-hai-hoa-a1535089.html
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhãn
Báo chí- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét