TS TRẦN HỮU HIỆP
Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (viết tắt là Đề án 1 triệu ha lúa) đã được triển khai tại 12 địa phương,
với 7 mô hình thí điểm đầu tiên ở TP Cần Thơ và các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Bên cạnh những kết quả bước đầu, trong thực tế, việc triển khai đề án còn gặp không ít khó khăn.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên thực hiện giảm phát thải trên lúa với quy mô lớn. Các bước triển khai, nội dung hoạt động đều mới mẻ. Diện tích canh tác còn nhỏ lẻ; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; nông dân thiếu vốn đầu tư, thiếu kiến thức về mô hình mới; số hộ tham gia đề án thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác và liên kết với doanh nghiệp còn nhiều hạn chế...
Một số địa phương, đơn vị còn lúng túng trong việc huy động đầu tư, phân khai các nguồn vốn thực hiện đề án. Với kinh phí triển khai đề án, hiện ngân sách trong nước chưa có dòng riêng; còn quy trình xây dựng dự án vay vốn của Ngân hàng Thế giới thì trải qua các trình tự, thủ tục mất nhiều thời gian. Trong khi việc mua bán tín chỉ carbon từ sản xuất lúa đang được nhiều người kỳ vọng thì chúng ta chưa có thị trường "gạo giảm phát thải" - còn bị đánh đồng với gạo thường.
Dù vậy, kết quả bước đầu từ các mô hình thí điểm là minh chứng về cách tiếp cận đúng đắn. Mô hình thí điểm tại Cần Thơ vụ hè thu vừa qua cho kết quả tích cực: Chi phí đầu vào và lượng giống, phân bón, nước tưới lẫn khí phát thải CO2 đều giảm, trong khi năng suất lúa đạt cao hơn mô hình đối chứng, dẫn đến lợi nhuận cũng cao hơn.
Nhằm thúc đẩy triển khai Đề án 1 triệu ha lúa bảo đảm đúng tiến độ và mục tiêu đề ra, cần căn cứ thực tiễn để hoàn thiện chính sách. Thực tiễn cũng là thước đo hiệu quả của đề án. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài phục vụ đề án.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các cơ chế, chính sách gắn với việc triển khai Luật Đất đai 2024 nhằm tháo gỡ vướng mắc về đất đai cho sản xuất lớn; tăng cường liên kết các bên trong chuỗi giá trị lúa gạo. Làm sao để thực sự tạo ra không gian rộng lớn hơn, điều kiện sản xuất thuận lợi hơn cho việc thực hành nông nghiệp tốt, hiện đại hóa; giảm chi phí trung gian, kiểm soát sản phẩm đồng đều, chất lượng hơn và đo đếm được các giá trị môi trường từ lúa gạo giảm khí phát thải nhằm thương mại hóa... là những vấn đề cần đặt ra.
Để chuyển đổi sang phương thức sản xuất - kinh doanh nông nghiệp mới, đòi hỏi phải nghiên cứu, kết nối thực tiễn, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ trong việc xây dựng chuỗi liên kết, chọn tiêu chuẩn phù hợp, xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng tin cậy làm công cụ, xây dựng các tác nhân nòng cốt tham gia chuỗi và hướng đến cộng đồng.
Từ đề án 1 triệu ha lúa, cần sự tiếp cận tổng thể, sự phối hợp đa ngành và giải quyết liên ngành để nông sản Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai. Thương hiệu lúa gạo cũng là một giá trị mới được tạo ra. Cần có chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể để mở rộng mã số vùng và cơ sở đóng gói, bao bì đủ điều kiện. Cần sớm hình thành các tổ hợp đủ mạnh để hỗ trợ, chủ động ứng phó, tạo ra giá trị gia tăng dựa vào việc khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Trong mối liên kết các tác nhân quan trọng của chuỗi giá trị lúa gạo, cần sự tích hợp các nguồn lực từ lợi thế tự nhiên, từ các nguồn tài chính, khoa học - công nghệ..., đặc biệt là nguồn lực con người. Để thực hiện chuỗi giá trị lúa gạo thành công, cần có lộ trình từng bước, không thể nóng vội, không nên theo phong trào mà phải dựa vào thực lực của nông dân và từng địa phương, doanh nghiệp.
https://nld.com.vn/thuoc-do-tu-thuc-tien-1962409081946288.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét