Những năm qua, TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ luôn là điểm đến của hàng triệu lao động từ khắp các miền đất nước, đặc biệt là lao động từ miền Tây và miền Trung.
Chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng theo ước tính, có khoảng 3/4 lao động của TP.HCM đến từ địa phương khác. Người tứ xứ lâu nay chọn vùng này làm nơi "đất lành, chim đậu" với nhiều cơ hội việc làm luôn mở lòng đón nhận.
Tuy nhiên, gần đây nhiều lao động nhập cư có xu hướng "bỏ phố về quê" tạo ra những cuộc "di cư ngược". Cuộc sống bấp bênh tại thành phố lớn là một thách thức lớn cho lao động ngoại tỉnh. Chi phí sinh hoạt, giá nhà trọ, điện, nước, thực phẩm tiêu dùng tăng cao khiến thu nhập của công nhân chỉ đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày, thậm chí thiếu hụt.
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều lao động "Anh ơi đô thành ở đây em sống không quen/Đưa nhau lên tàu về quê em thấy vui hơn" là sự thay đổi đáng kể ở các tỉnh thời gian gần đây. Người nhập cư vào TP.HCM giảm mạnh, chỉ còn 65.000 người/năm
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông như các tuyến cao tốc, các trục dọc đường ngang, cầu vượt sông lớn phá thế bị chia cắt, tạo ra không gian phát triển mới. Việc xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp mới tạo ra nhiều cơ hội việc làm.
Các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn, chế biến nông sản và dịch vụ du lịch sinh thái, cộng đồng cũng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề tại chỗ giúp cải thiện khả năng tiếp cận việc làm chất lượng cao của người lao động. "Bỏ phố về quê" không chỉ là sự hồi hương về mặt địa lý mà còn là hành trình tìm lại sự ổn định, bình yên và hy vọng về một tương lai mới tại quê nhà.
Dù cơ hội việc làm ở quê nhà còn rất chông chênh, nhưng rõ ràng những người "hồi hương" vẫn đang kỳ vọng về quê nhà vẫn có thể đủ đầy và đáng sống hơn thay vì lăn lộn nơi xa. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng đang tạo ra những thách thức mới. Sự suy giảm lực lượng lao động ở các thành phố lớn khiến nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương đang phải đối mặt với bài toán thiếu hụt lao động.
Các ngành nghề sử dụng nhiều lao động như dệt may, chế biến nông sản, xây dựng hiện đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và duy trì nhân lực. Điều này không chỉ làm gián đoạn sản xuất mà còn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.
Để tận dụng tốt cơ hội từ "cuộc di cư ngược", đồng thời giảm thiểu các hệ lụy, cần có những giải pháp mang tính chiến lược và toàn diện. Chính quyền các tỉnh cần xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo cân bằng giữa nông thôn và thành thị.
Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp, dịch vụ và kinh tế nông nghiệp là rất quan trọng, tạo ra nhiều việc làm. Cần xây dựng một hệ thống liên kết vùng chặt chẽ giữa TP.HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ và các địa phương khác. Hợp tác đào tạo lao động, chia sẻ thông tin về nhu cầu tuyển dụng và điều phối lao động giữa các địa phương sẽ giúp cân bằng cung cầu lao động, tránh tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa nhân lực. Cải thiện chất lượng sống và điều kiện làm việc, triển khai các chương trình hỗ trợ tài chính, đào tạo lại tay nghề và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động hồi hương cần được triển khai đồng bộ. Thiếu việc làm, thu nhập thấp, thiếu đất sản xuất, lao động chưa qua đào tạo và sinh kế khan hiếm đã từng là những nguyên nhân "đẩy" lao động nông thôn, đô thị quy mô nhỏ ra khỏi khu vực truyền thống một cách chông chênh.
Để "hồi hương" không phải là chọn lựa chẳng đặng đừng của nhiều lao động làm thuê bấp bênh, cần tạo dựng niềm tin nơi người dân. Việc đáp ứng niềm tin đó được thể hiện cụ thể qua việc ưu tiên cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị, phát triển các khu, cụm công nghiệp ở các tỉnh để tạo ra không gian phát triển mới để giải quyết việc làm bền vững ngay tại quê nhà cho những cư dân bản địa.
Cuộc "di cư ngược" không chỉ là hiện tượng ngắn hạn mà còn phản ánh một xu hướng dài hạn, từ đó đòi hỏi sự chuyển đổi trong mô hình phát triển của các địa phương. Việc thúc đẩy phát triển đồng đều giữa các vùng miền, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn sẽ là yêu cầu đảm bảo sự phát triển bền vững và toàn diện để không ai bị bỏ lại phía sau, giảm bớt áp lực cho các đô thị lớn và cả dòng "di cư ngược" khi trở về vẫn cảm thấy đáng sống nơi quê nhà.
https://tuoitre.vn/lao-dong-nhap-cu-bo-pho-ve-que-giai-phap-xuoi-cho-di-cu-nguoc-20241029084027442.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét