Báo Tuổi Trẻ - 16/10/2024 10:15 GMT+7
H.T.DŨNG
và 3 tác giả khác
Cũng
như hàng loạt địa phương khác trong cả nước, TP Cần Thơ đã được trung ương cho
phép thực hiện nhiều cơ chế, chính sách đặc thù. Thế nhưng sau nhiều năm, tại
Cần Thơ, những cơ chế, chính sách này chưa đi vào cuộc sống, vì sao?
Để thực hiện nghị quyết 59 năm 2021 của Bộ Chính trị về phát triển TP Cần Thơ, trong năm 2022, Quốc hội đã ban hành nghị quyết 45 với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính ngân sách, cũng như cơ chế đặc thù thực hiện hai dự án quan trọng tại TP Cần Thơ. Thế nhưng đến nay các dự án, cơ chế đặc thù này vẫn đang nằm trên giấy!
Dự án áp dụng cơ
chế đặc thù nằm trên giấy
Một trong hai dự án đặc thù theo nghị quyết 45 của
Quốc hội (năm 2022) là dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải
Định An - Cần Thơ, có quy mô vốn từ 500 tỉ đồng trở lên, được áp dụng các hình
thức ưu đãi đầu tư như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong bốn năm, giảm 50%
số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong chín năm tiếp theo, miễn
thuế tiền thuê đất trong
15 năm...
Ông Võ Nhựt Quang, phó giám đốc Sở KH&ĐT Cần
Thơ, cho rằng việc kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Sông Hậu,
đáp ứng cho tàu trọng tải 10.000 tấn trở lên, sau khi hoàn thành sẽ mang lại
hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn cho các địa phương trong vùng.
Đặc biệt là việc thực hiện nâng cao cải thiện dịch
vụ logistics, giảm chi phí vận chuyển, góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất nhập
khẩu. Thế nhưng, dự án này phải mất nhiều năm để... xác định thẩm quyền thực
hiện.
Theo đó, đến ngày 5-7-2024, trong văn bản gửi Bộ
GTVT về việc triển khai thực hiện nghị định số 57 năm 2024 của Chính
phủ, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết đã giao thẩm quyền thực hiện dự án này
(nằm trong địa giới hành chính TP Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu
Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang) cho TP Cần Thơ - trung tâm của
vùng ĐBSCL, nơi tập trung số lượng bến cảng nhiều nhất trên tuyến
luồng hàng hải Định An - Sông Hậu.
Ngoài dự án nạo vét luồng Định An, nghị quyết 45
của Quốc hội còn cho Cần Thơ triển khai nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về tài
chính và ngân sách, trong đó có chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức và
được phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đến nay những cơ
chế này vẫn còn trên giấy tờ, chưa triển khai áp dụng được.
Chẳng hạn, vào đầu năm 2024, UBND TP Cần Thơ đã có
đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương với tổng số vốn 2.000 tỉ đồng
dùng để đầu tư các dự án
trọng điểm tại địa phương.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Nghị, giám đốc Sở Tài
chính TP Cần Thơ, cho biết địa phương vẫn đang làm rõ một số nội dung theo yêu
cầu của Bộ Tài chính như huy động nguồn vốn này để thực hiện công trình nào,
khả năng giải ngân theo tiến độ ra sao...
Theo ông Nghị, chưa biết có phát hành được hay
không nhưng ít nhất phải có cam kết những nội dung nêu trên bởi nguồn vốn này
cũng phải trả lãi. Với chính sách ban hành phí, lệ phí mới ngoài danh mục, ông
Nghị cho rằng là "cực kỳ khó khăn" bởi nghị quyết 45 ra đời trong bối
cảnh còn dịch COVID-19 nên có các chính sách miễn giảm phí, lệ phí. "Bộ
Tài chính vẫn đang tiếp tục miễn giảm phí, lệ phí trong khi TP lại thu phí, lệ
phí mới thì cũng hơi kỳ kỳ...", ông Nghị nói.
Chờ gỡ điểm nghẽn cơ chế?
TS Trần Hữu Hiệp cho rằng các cơ chế, chính sách
đặc thù được kỳ vọng tạo động lực, nguồn lực đầu tư mới cho TP Cần Thơ. Những
nỗ lực triển khai nghị quyết 45 của TP Cần Thơ và các bộ ngành trung ương là
đáng ghi nhận nhưng đã bộc lộ nhiều lúng túng, tiến độ chậm so với kế hoạch.
Theo ông Hiệp, việc thực hiện thí điểm đòi hỏi năng
lực tổ chức bộ máy, hiệu quả thực thi của chính quyền TP, yêu cầu tăng cường
liên kết vùng, liên vùng để thu hút các nguồn lực và tác động lan tỏa, cần sự
đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Đặc biệt là cần có kết quả cụ thể để Chính phủ báo
cáo Quốc hội sơ kết ba năm thực hiện cơ chế, chính sách thí điểm vào kỳ họp
cuối năm 2024 của Quốc hội.
Do đó, theo ông Hiệp, TP Cần Thơ phải rà soát, xác
định rõ nguyên nhân và biện pháp, giải pháp khắc phục việc "chưa có sản
phẩm cụ thể nào" từ cơ chế đặc thù.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Hiểu - phó bí thư thường
trực Thành ủy, chủ tịch HĐND TP Cần Thơ - cho biết sau ba năm thực hiện nghị
quyết số 45 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát
triển TP Cần Thơ, đến nay vẫn còn một số chính sách thuộc thẩm quyền của địa
phương chưa được thể chế hóa, chưa phát huy được hiệu quả.
Một số dự án đòi hỏi phải có những thủ tục pháp lý
có liên quan làm điều kiện để thực hiện, mặc dù đã được các bộ ngành hỗ trợ
nhưng đến nay vẫn chưa đầy đủ điều kiện để thực hiện.
Chẳng hạn, Cần Thơ đã ban hành đề án phát hành trái
phiếu nhưng vẫn đang giải trình làm rõ một số nội dung liên quan đến việc triển
khai theo yêu cầu của Bộ Tài chính.
Với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng
hàng hải Định An - Cần Thơ, do liên quan đến nhiều địa phương nên cần có sự
phối hợp để xác định cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án.
Riêng dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến
và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL đang hoàn tất các thủ tục để kêu
gọi đầu tư...
Ngoài một số nguyên nhân khách quan, theo ông, việc
triển khai thực hiện các cơ chế đặc thù theo tinh thần nghị quyết 45 chậm hoặc
chưa đủ điều kiện triển khai thực hiện, còn do một bộ phận cán bộ, công chức,
viên chức chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong thực hiện chức trách,
nhiệm vụ được giao, "sợ trách nhiệm", không dám làm, đùn đẩy, né
tránh.
"Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở một số
cơ quan, đơn vị còn lúng túng khi phát sinh khó khăn vướng mắc, tổ chức thực
hiện thiếu quyết liệt..." - ông Hiểu nói và cho biết sau khi sơ kết, đánh
giá ba năm thực hiện nghị quyết 45, địa phương sẽ kiến nghị trung ương xem xét
điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế chính sách mới, khả thi, phù hợp với thực
tiễn và yêu cầu phát triển của Cần Thơ trong thời gian tới.
Dự án sân golf ở
cồn Ấu có chủ trương nhiều năm qua nhưng chưa được triển khai trên thực tế -
Ảnh: CHÍ QUỐC
* Ông Phan Đình Huê (thành viên Tổ biên soạn báo cáo kinh tế
thường niên ĐBSCL):
Cần
tận dụng chất xám đội ngũ chuyên gia
Cần Thơ nên tận dụng tốt chất xám của các chuyên
gia, mà trước hết là các chuyên gia tại Cần Thơ, yêu mến Cần Thơ. TP này có
thuận lợi là đang có hai trường đại học hàng đầu là Trường đại học Cần Thơ và
Trường đại học Y Dược Cần Thơ, nhưng tôi chưa thấy sự hợp tác rõ ràng nào giữa hai
trường này với TP.
Chẳng hạn, có một chương trình hợp tác liên kết
giữa trường này với trường nước ngoài đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ công
chức TP. Là trung tâm vùng, TP Cần Thơ rất cần chất xám nhưng TP chưa biết cách
thu hút, tận dụng các chuyên gia từ các trường đại học, đưa họ trở thành một
phần của TP để cùng các sở, ban, ngành thúc đẩy sự phát triển của TP.
Ngoài ra, tại một hội nghị về xúc tiến du lịch, tôi
đã từng nêu Cần Thơ muốn làm gì cũng phải xác định có năng lực tốt hơn các tỉnh
trong vùng.
Bởi khi đó TP Cần Thơ mới đóng vai trò đầu tàu, kéo
được các tỉnh. Trung ương cho Cần Thơ nhiều cơ chế chính sách, trong đó có cơ
chế chính sách đặc thù, là kỳ vọng Cần Thơ làm được việc đó.
* Ông Nguyễn Phương Lam (giám đốc VCCI vùng ĐBSCL):
Phải
tính được lợi ích cho doanh nghiệp
Đến nay TP Cần Thơ vẫn chưa triển khai được việc
phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, theo tôi, nguyên nhân chính là do
chưa có phương án cụ thể. Người dân và doanh nghiệp cần biết có phương án cho
dự án nào cụ thể, nhưng đề án lại chỉ nói chung chung.
Nếu không làm rõ phương án, người dân và doanh
nghiệp không có niềm tin. Quy định của Chính phủ là phát hành trái phiếu phải
nêu rõ phục vụ dự án nào, nguồn lực trả nợ ra sao, lấy từ nguồn nào...
Thế nhưng đến nay TP Cần Thơ vẫn đang phải làm rõ
những vấn đề này theo yêu cầu của Bộ Tài chính. Do đó, tôi e ngại khó phát hành
được 2.000 tỉ đồng như mục tiêu ban đầu.
Việc nạo vét luồng Định An mãi chưa triển khai
được, theo tôi, là do tìm không ra nhà đầu tư, không mời được doanh nghiệp tham
gia.
Trong thực tế, dự án qua nhiều địa phương nhưng các
địa phương khác không có cơ chế đặc thù như Cần Thơ. Do vậy, khi triển khai,
chính quyền TP Cần Thơ phải tính được lợi ích cho doanh nghiệp vì chính họ là
người thực hiện.
Nếu cát hút lên so
với chi phí nạo vét không cân bằng được, phải tính lợi ích gì bù đắp cho doanh
nghiệp? Nếu không, việc nạo vét luồng Định An vẫn cứ vướng mãi không triển khai
được.
https://tuoitre.vn/vi-sao-can-tho-co-co-che-dac-thu-van-kho-dot-pha-20241015234337302.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét