Báo Phụ nữ TPHCM - 01/11/2024 - 06:35
Sự chuyển hướng chiến lược trong tư duy phát triển vùng từ “khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh” sang “thích ứng thuận thiên”, phục hồi và tăng cường “sức khỏe” cho đồng bằng, phát huy các nguồn lực tự nhiên, con người, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (bìa phải) kiểm tra, đôn đốc tiến độ xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng vào tháng 7/2024 - Ảnh: Trung Phạm |
4 hành lang phát triển vùng đang mở ra không gian phát triển mới. Đó là hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp từ TP Cần Thơ đến tỉnh Long An; hành lang dọc sông Tiền - sông Hậu; hành lang kinh tế ven biển từ các tỉnh Long An, Cà Mau đến Kiên Giang và hành lang biên giới từ tỉnh Long An đến Kiên Giang.
Vấn đề cốt lõi của ĐBSCL vẫn là định vị vùng, bố trí không gian và huy động các nguồn lực phát triển. Liên kết vùng được xem là giải pháp có tính chiến lược nhằm đẩy mạnh việc thu hút có chọn lọc nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và các dòng vốn đầu tư khác vào vùng ĐBSCL. Những thế mạnh mới cần được kết nối, khai thác, dùng chung chứ không riêng một địa phương nào.
Yêu cầu quan trọng để tăng cường thu hút đầu tư vào vùng ĐBSCL trong giai đoạn mới chính là chiến lược thu hút đầu tư, quy hoạch phân công, phân vai giữa các địa phương. Cần xây dựng và hoàn thiện một chiến lược thu hút FDI cho vùng. Những lĩnh vực cần tập trung kêu gọi vốn đầu tư theo hướng ưu tiên là các dự án công nghệ cao, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, chế biến nông sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Tăng cường liên kết vùng trong thu hút FDI là rất quan trọng, nhưng liên kết cái gì, ai làm, thực thi ra sao… cần được nhất trí và triển khai đồng bộ với cơ chế chỉ huy, vận hành hiệu quả. Sự liên kết phải thực chất, dựa trên “3 kết nối” chủ yếu là hạ tầng, doanh nghiệp và thể chế, chính sách. Cần tổ chức huy động nguồn lực đầu tư phát triển, ưu tiên bố trí vốn đầu tư công, thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách, nhất là vốn trong khối tư nhân; thúc đẩy hình thành các quỹ đầu tư, các cơ chế huy động vốn khuyến khích cho vay, tăng cường năng lực cho các thành phần kinh tế.
Với nguồn lực có hạn, việc lựa chọn mục tiêu trọng tâm, lựa chọn khâu đột phá, khắc phục tình trạng dàn trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư là yêu cầu quan trọng hàng đầu. Cần nghiên cứu, huy động nguồn lực triển khai chương trình hỗ trợ cấp vùng cho nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp nông thôn.
Các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và khoa học, công nghệ cần được xem là chìa khóa để thành công. Theo đó, cần ưu tiên phát triển nguồn nhân lực theo hướng phục vụ phát triển các ngành lợi thế của vùng và tăng cường đào tạo, thu hút số lao động trẻ có trình độ chuyên môn, tay nghề, trên cơ sở gắn kết hoạt động của các trung tâm đầu mối với hệ thống các viện nghiên cứu và trường đại học trong vùng cũng như ngoài vùng, cả các tổ chức quốc tế và các quỹ có quan tâm, ưu tiên đầu tư cho vùng.
Với những thế mạnh sẵn có và tiềm năng to lớn, cộng với những tiến bộ trong việc cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và có sự liên kết tốt hơn giữa các địa phương với nhau, cần có chiến lược thu hút đầu tư căn cơ, bài bản, có tư duy và cách làm mới, sự quan tâm đầu tư của cấp trung ương vào các khâu đột phá của vùng để ĐBSCL có đủ cơ sở tạo ra bước đột phá trong đầu tư, phát triển.
Diện mạo tương lai của vùng đã được định hình rõ. Điều cần làm là hiện thực hóa sự kỳ vọng bằng sự chủ động của các ngành, địa phương và doanh nghiệp, bằng tư duy, cách tiếp cận và hành động thực tế để đón làn sóng đầu tư mới.
https://www.phunuonline.com.vn/khong-gian-phat-trien-moi-cho-vung-tay-nam-bo-a1533084.html
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhãn
Báo chí- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét