Trần Hữu Hiệp
“...Gái nào thảo bằng gái Tân Châu/Tháng ngày dệt lụa trồng
dâu/Thờ cha, nuôi mẹ quản đâu nhọc nhằn”. Câu hò xưa như lời giới thiệu mộc mạc
về con gái xứ lụa Tân Châu, An Giang, nơi đầu nguồn sông Hậu.
Đường về Tân Châu bây
giờ không còn được nghe tiếng khung cửi xập xình hòa trong tiếng chày đêm dập
lụa. Xứ cù lao, vùng ven sông Hậu ngày nào, nay không còn xanh ngát những bãi
dâu, nhưng lụa Tân Châu, lãnh Mỹ A vang bóng một thời vẫn còn trong ký ức nhiều
người miền Tây. Thập niên 50-60, đàn bà, con gái Nam Bộ, kể cả cánh đàn ông,
không ai mà không biết, ưa chuộng, tin dùng hàng lụa Tân Châu. Sắc đen bóng
láng, dập dờn của áo bà ba, quần lãnh Mỹ A một thời uốn theo đường cong mềm
mại, tự nhiên trên cơ thể của con gái miệt vườn, xứ rẫy và nhiều phụ nữ thị
thành đã tạo ra sức quyến rũ lạ kỳ của loại lụa độc đáo này.
Nguyên liệu để dệt ra lụa Tân Châu đều do người dân nơi đây
tự trồng dâu nuôi tằm để sản xuất ra tơ dệt lụa, trồng cây mặc nưa để lấy trái
làm thuốc nhuộm. (Ảnh minh họa, nguồn: chudu)
Lãnh Mỹ A cũng như nhiều
loại tơ lụa khác, nhưng điểm độc đáo là kỹ thuật tạo mặt lụa đen tuyền, trơn
láng, mặc vào mùa hè thì mát, mùa đông ấm. Bí quyết là nhờ tài nhuộm lụa bằng
nhựa trái mặc nưa. Giống này chỉ thích cho trái đẹp ở những mảnh đất cằn cỗi,
khi trồng trên đất tốt, cành lá sum suê, thì không trái.
Nghe ông tôi kể, xưa
người Pháp chọn Tân Châu làm trọng điểm phát triển nghề tằm tơ. Tơ lụa Tân Châu
không chỉ cung cấp cho cả Nam Kỳ, chính quốc mà còn được bán qua tận Nam Vang
(Campuchia), Thái Lan. Nơi đây đã từng có Viện Tằm tơ (năm 1908), có 2 hãng tơ
tằm nổi tiếng. Theo những người am hiểu, thời thịnh hành, Tân Châu có hoảng 60
xưởng dệt, 120 lò ươm, mỗi năm tiêu thụ 5-6 ngàn tấn tơ sợi.
Lụa Tân Châu đã từng
theo “những con đường tơ lụa đồng bằng” len lỏi khắp nơi qua mạng lưới bán hàng
dạo của những người Chăm giỏi nghề thủ công, dệt thổ cẩm và giỏi buôn bán. Ký
ức tuổi thơ tôi về lãnh Mỹ A gắn liền với hình ảnh mấy ông Chà Và vận xà rông
đi bán dạo, cho thiếu chịu, năm sau mới trở lại lấy tiền mà không ai quỵt nợ.
Người mua phần vì sợ mấy thằng cha này có bùa "thư", phần vì bản chất
người miền Tây thật thà. Té ra, từ lâu, các tay "lái vải" đã biết sử
dụng hiệu quả các chiêu thức kinh doanh "tiền mãi, hậu mãi" mà thời
nay người ta hay gọi là marketing và "chăm sóc khách hàng" .
Hơn trăm năm
vang danh khắp xứ, lụa Tân Châu, lãnh Mỹ A chỉ còn lại trong ký ức, khắc khoải
trong hoài niệm của nhiều người về một thời không xa lắm!
Nhận xét
Đăng nhận xét