Phải chuyển đổi cây trồng để
thay thế nguyên liệu nhập khẩu, giảm giá thành chăn nuôi để tăng sức cạnh tranh
cho hàng nội địa là giải pháp đã được các cơ quan quản lý đề ra. Nhưng khâu triển
khai quá chậm và ngổn ngang nhiều việc cần phải tháo gỡ.
Đi sau vẫn chậm
Theo Bộ NN-PTNT, đến năm 2015, vùng ĐBSCL sẽ chuyển đổi
112.000 ha trồng lúa sang các loại cây trồng khác và đến năm 2020 tổng diện
tích đất trồng lúa sẽ chuyển đổi sang các loại cây trồng khác là 204.000 ha.
Nhiều doanh nghiệp (DN) cũng đã tham gia dự án chuyển đổi như Công ty TNHH
Dekalb VN (Monsanto) tiên phong nghiên cứu và thử nghiệm nhiều mô hình trồng bắp
trên đất lúa tại ĐBSCL. DN này cũng đã liên kết với nhiều công ty đầu tư thu
mua như Tài Lộc, Adeco, Toyota Tsusho... hình thành chuỗi cung ứng để cung cấp
bắp nông sản cho các công ty chế biến thức ăn gia súc. Ông Nguyễn Hồng Chính,
Giám đốc đối ngoại Dekalb VN, khẳng định vùng ĐBSCL có ưu thế nhất về canh tác
bắp (ngô) lai, với năng suất trung bình ổn định 9 - 11 tấn/ha (hạt khô), tiềm
năng có thể đạt 12 - 13 tấn/ha, gấp đôi mức trung bình cả nước. Canh tác bắp
lai giúp bà con thu lãi hơn lúa 40 - 80%. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay
là sản xuất bắp lai còn manh mún nhỏ lẻ, mới chuyển đổi, thiếu kỹ thuật canh
tác và thiếu sự hiểu biết về hạt giống, thiếu cơ giới hóa, khâu chế biến sau
thu hoạch… nên giá thành cao. Từ đó không thể cạnh tranh nổi với bắp nhập khẩu.
GS-TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng: “Chuyển
đổi cây trồng cần phải được nhìn trong một bình diện toàn cảnh thì mới đạt hiệu
quả. Để làm được điều này, vai trò của các DN là rất quan trọng. DN phải năng động
tìm, mở thị trường cho những sản phẩm hàng hóa của mình. Nhưng để có những DN
năng động như vậy thì nhà nước phải có những cơ chế chính sách hỗ trợ. Nông dân
liên kết với nông dân thành một cụm, từ đó liên kết với DN, các nhà khoa học nhảy
vào huấn luyện nông dân sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn. Làm đúng thì công
ty thu mua và mua cao hơn thị trường, nếu không thì không mua”.
TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược
phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), khẳng định: “Nếu cần sự đột phá, hỗ
trợ về đất đai, cung cấp thông tin, hỗ trợ đào tạo lao động thì chưa đủ mà nên
tiến tới miễn giảm thuế, có chế độ bảo hiểm rủi ro, tổ chức đầu tư hạ tầng để
đưa DN vào mới thành công”.
Không thể chuyển đổi nếu chính sách lắt nhắt
Theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ
Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, dự kiến năm 2014 - 2015 sẽ chuyển đổi khoảng
112.000 ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang cây màu, nhưng kế hoạch chỉ mới
tính theo cung mà không tính theo cầu nên sẽ còn nhiều khó khăn. “Cần có nhiều
hơn nữa các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân và được thực thi có hiệu quả.
Các vấn đề đất đai, khoa học kỹ thuật cho sản xuất hàng hóa lớn ở khu vực nông
nghiệp, nông thôn đang cần sự sửa đổi cực kỳ mạnh dạn để chuyển đổi nông nghiệp
sang một mô hình khác. Chứ cứ lắt nhắt một ít chính sách trợ giúp tạm trữ, một
ít chính sách hỗ trợ vốn, một vài dự án hỗ trợ khoa học kỹ thuật... có tính đối
phó, theo đuôi như vừa qua thì rõ ràng không ăn thua”, ông Hiệp phân tích.
GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật
nông nghiệp miền Nam, cũng than phiền: “Một trong những vấn đề cần đổi mới
trong tư duy là đầu tư cho khoa học hiện nay quá thấp, chỉ khoảng 0,15% tổng
chi cho khoa học của nhà nước. Đầu tư cho khoa học nông nghiệp của VN hiện chỉ
có 6 USD/ha/năm, trong khi Hàn Quốc cao gấp 50 lần, Thái Lan gấp 10 lần và
Philippines gấp 7 lần. Ở Đài Loan, chỉ một viện nghiên cứu rau thôi thì kinh
phí đầu tư mỗi năm là 20 triệu USD. Thế nhưng, cả ngành nông nghiệp của VN mỗi
năm chỉ có 30 triệu USD đầu tư nghiên cứu khoa học thì làm sao phát triển cho kịp?”.
Ông Nguyễn Hồng Chính kiến nghị: “Trong suốt thời gian qua,
chúng tôi đã tiếp cận gần 8.000 nông dân nhưng chuyển đổi chỉ được 4.400 ha, nếu
kế hoạch chuyển đổi 120.000 ha trong 3 năm thì ít nhất mỗi năm chúng ta phải tiếp
cận tập huấn chuyển giao cho khoảng 30.000 nông dân với khoảng 400 - 500 lớp tập
huấn/năm. Đây là khối lượng công việc rất lớn và rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ
từ các cơ quan chức năng. Ngoài ra, nhà nước cần quan tâm đầu tư công nghệ sau
thu hoạch như máy lẩy bắp hạt, lò sấy… để giảm tỷ lệ hao hụt, tăng sự đồng đều
chất lượng của nông sản, bảo quản lâu hơn để cạnh tranh với hàng nhập khẩu”.
Quang Thuần - Chí Nhân
Nhận xét
Đăng nhận xét