Hàm Luông
Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ
vừa tổ chức hội thảo “Cơ hội và thách thức phát triển nguồn điện ở ĐBSCL”.
Thông tin từ hội thảo cho biết, ĐBSCL đang nổi lên vai trò của một trung tâm điện
lực quốc gia. Triển khai tổng sơ đồ điện VII, nhiều nhà máy nhiệt điện trong
vùng đã, đang và sẽ được xây dựng như Duyên Hải 1, 2, 3 (Trà Vinh), Long Phú 1,
2, 3 (Sóc Trăng), Sông Hậu 1, 2 (Hậu Giang) và Kiên Lương (Kiên Giang) cùng với
các trung tâm điện lực Cần Thơ, khí - điện - đạm Cà Mau…
Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, Trà Vinh |
Việt Nam hiện có 14
nhà máy nhiệt điện đang hoạt động bằng công nghệ đốt than phun và tầng sôi. Dự
kiến sẽ có thêm có 57 dự án nhiệt điện khác sẽ được xây dựng thời gian tới. Còn
theo quy hoạch trong tổng sơ đồ điện VII, đến năm 2020, công suất nhiệt điện cả
nước đạt 36.000 MW, điện lượng đạt khoảng 154 tỷ kWh, tương đương khoảng 47% tổng
sản lượng điện cả nước.
Theo đó, lượng than cần
cho ngành điện tăng khoảng 6 triệu tấn vào năm 2015. Từ năm 2016 trở đi, Việt
Nam phải nhập khẩu vài triệu tấn than mỗi năm. Đến năm 2020, sẽ nhập khoảng
20-30 triệu tấn than để phục vụ cho nhu cầu sản xuất của các nhà máy điện. Nguồn
than cho các nhà máy điện ở ĐBSCL dự tính nhập khẩu từ Indonesia hoặc Úc. Trong
khi vùng này hiện chưa có một cảng nước sâu nào đảm bảo cho tàu lớn nhập than
trực tiếp. Phương án được đề xuất là xây dựng cảng trung chuyển than. Từ năm
2012, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã đề xuất 8 vị trí xây cảng
trung chuyển than cho ĐBSCL, trong đó có Trần Đề (Sóc Trăng), Nam Du (Kiên
Giang), Duyên Hải (Trà Vinh) và Hòn Khoai (Cà Mau). Hiện nay mới chỉ có cảng
trung chuyển than đang được xây dựng tại Trà Vinh, chủ yếu phục vụ 3 nhà máy điện
Duyên Hải 1, 2, 3 hoạt động.
Thời gian vừa qua đã
có nhiều ý kiến lo ngại về việc triển khai các nhà máy điện than ở ĐBSCL, nhất
là nguy cơ ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Theo một
công trình nghiên cứu của nhóm mô hình hóa học khí quyển thuộc Trường Đại học
Harvard, số người chết sớm liên quan đến nhiệt điện than vào năm 2010 trên toàn
thế giới là 3,2 triệu người, trong đó ở Việt Nam có 31.000 người và riêng ĐBSCL
8.000 người.
Theo ông Trần Hữu
Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Ban chỉ đạo Tây Nam bộ), nhiệt điện than có những
tác động lớn đến môi trường (ô nhiễm không khí, đất, nước), vì vậy, cần đảm bảo
những nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường nghiêm túc, kỹ lưỡng, khách quan
đối với những dự án đầu tư lĩnh vực này; phải đảm bảo nguyên tắc “không hối tiếc”
trước khi “chuyện đã rồi”. Trong khi đó, ông Nguyễn Đức
Cường, Giám đốc Trung tâm năng lượng (Viện Năng lượng, Bộ Công thương) khẳng định:
“Chúng ta phải phát triển nhiệt điện than bởi không có cách nào khác”. Theo ông
Cường, sau khi xem xét các vấn đề có liên quan và cả dự báo giá than nhập khẩu
thời gian tới, thì nhiệt điện than vẫn là ưu tiên. Tuy nhiên, bài toán cần phải
giải quyết ở đây là lựa chọn nhà máy đặt ở đâu để không ảnh hưởng đến cộng đồng;
có thể kiểm soát được chất lượng, lựa chọn công nghệ phù hợp… để vừa đảm bảo
phát triển kinh tế vừa không ảnh hưởng đến môi trường, đời sống người dân.
Vì thế, nỗi lo bụi
than vẫn đang treo lơ lửng!
Nhận xét
Đăng nhận xét