TT - Sự phát triển quá nóng của Phú Quốc (Kiên Giang) gần đây đã mang đến thực tế: bộ máy công quyền quá tải, ô nhiễm môi trường, liên tiếp những vụ trọng án xảy ra...
TT - Sự phát triển
quá nóng của Phú Quốc (Kiên Giang) gần đây đã mang đến thực tế: bộ máy công quyền
quá tải, ô nhiễm môi trường, liên tiếp những vụ trọng án xảy ra...
Làm thế nào để Phú Quốc phát triển mà vẫn giữ được sinh
thái, phát triển mà con người vẫn còn bình dị, thân thiện?
* Ông LÊ VĂN THI (chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang):
Lo lắng cho môi trường
Phú Quốc
Kế hoạch dài hạn cho phát triển đảo Phú Quốc xứng đáng là đảo
ngọc tầm cỡ khu vực và quốc tế đã được trung ương xác định, không có gì phải
bàn cãi nữa.
Đề án đặc khu Phú Quốc hiện đã làm xong, trình các bộ,
ngành và Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch - đầu tư thẩm định lại, trình Bộ Chính trị
quyết định.
Tuy nhiên, trong khi chờ Bộ Chính trị quyết định thì thời
gian gần đây rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước thấy được cơ hội nên đến
đảo đầu tư.
Tình hình rất sôi động nên đã phát sinh một số vấn đề cần
phải giải quyết. Trong ngắn hạn thì có việc quản lý đất đai, nguồn nhân lực và
môi trường.
Khó khăn lớn nhất đối với Phú Quốc hiện nay là công tác quản
lý nhà nước về đất đai vì bộ máy quản lý, điều hành chưa tương xứng và quá tải
nên việc quản lý đất đai, giá cả, mua bán lấn chiếm đất rừng phòng hộ còn bất cập,
yếu kém đang làm hạn chế sự phát triển của Phú Quốc.
Tỉnh đã nhìn thấy với tốc độ thu hút đầu tư quá nóng như vừa
qua, nhưng bộ máy quản lý nhà nước vẫn là cấp chính quyền nông thôn là không ổn,
không đủ sức làm, rất muốn tăng bộ máy biên chế cho huyện đảo nhưng vướng luật
không thể tăng được.
Vừa rồi tỉnh đã xây dựng đề án thành lập TP Phú Quốc với đề
xuất có bộ máy của chính quyền đô thị, nhưng theo luật mới thì thành lập TP thuộc
thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Môi trường Phú Quốc hiện tại cũng không đảm bảo, mà sắp tới
lượng khách tăng với nhịp độ 30 - 40%/năm còn khó hơn.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị Bộ Tài nguyên - môi trường có giải
pháp giúp Kiên Giang xử lý trước tiên là vấn đề nước thải, tiếp đến là bảo vệ
môi trường. Hệ thống xử lý nước thải gần như Phú Quốc chưa có gì cả.
Nếu có khu xử lý tập trung gom về đó xử lý, đủ tiêu chuẩn mới
thải ra môi trường thì rất thuận lợi, còn hiện tại mạnh ai nấy xử lý, lúc mình
kiểm tra, đo đạc, cấp phép hoạt động thì đảm bảo tiêu chuẩn nhưng quá trình vận
hành có thể giảm, hoặc nhà đầu tư thấy tốn kém rồi xả thẳng ra môi trường cũng
không hay.
Việc này vừa rồi tỉnh có đề nghị và được Thủ tướng đồng ý
huy động, vay vốn ODA. Tỉnh cũng đã làm việc với Ngân hàng Thế giới thì họ đồng
ý với một số dự án môi trường nhưng vấn đề này còn liên quan tới nợ công, không
phải dễ.
Một vấn đề nữa mà Phú Quốc cũng đối diện là không có vốn đầu
tư cơ sở hạ tầng. Hiện đường chính trục bắc - nam do trung ương đầu tư, còn đường
nhỏ Phú Quốc phải cân đối ngân sách làm.
Nhưng vừa qua đất thu hồi nhiều, do giá đền bù cao mà Nhà
nước ứng tiền ra bồi hoàn rồi thu lại tiền thuê đất, giao đất cho nhà đầu tư
thì thực chất tiền ứng ra bằng với tiền thu lại nên... bằng không.
Vì vậy, bản thân Phú Quốc đầu tư hạ tầng còn lại để phát
triển các khu chức năng rất khó. Một số khu vực lớn cần có đường xiên, dọc,
ngang không đủ vốn đầu tư thì nhà đầu tư cũng... nằm đó lúc lắc.
Có nhà đầu tư bỏ vốn làm đường, khi nào Nhà nước có tiền
thì trả lại cho họ, nhưng cái này chỉ một số có năng lực mạnh chứ mấy ông nhỏ
nhỏ không làm được, nên đây là điểm khó khăn cho Phú Quốc phát triển trong thời
gian tới.
Để giải quyết khó khăn trước mắt, tỉnh đã thành lập một tổ
công tác liên ngành bao gồm nhiều lực lượng ra giúp huyện đảo, trong đó đặc biệt
quan tâm giải quyết ổn định tình hình an ninh trật tự, đất đai, đất rừng.
Ông TRẦN
HỮU HIỆP (vụ trưởng Vụ kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam bộ):
Nguy cơ thành “túi chứa” tệ nạn
Những
gì đang diễn ra ở Phú Quốc trong thời gian qua rất đáng lo ngại. Tội phạm ở đâu
cũng có, không riêng gì tại Phú Quốc.
Nhưng
Phú Quốc là nơi đặc biệt, là hòn ngọc thu hút khách quốc tế, họ đến đây sẵn
sàng trả phí cao hơn trong đất liền thì đòi hỏi phải đáp ứng cao hơn nên không
thể nói tội phạm nơi nào cũng xảy ra, nên Phú Quốc xảy ra cũng bình thường được.
Phú Quốc
bao đời nay là nơi rất bình an, người dân có thể bỏ nhà đi đám giỗ hai ngày,
người lạ mà đến là họ sai con dẫn tới tận nơi, một môi trường mà ngủ thậm chí
không đóng cửa.
Nhưng
20 năm trở lại đây Phú Quốc có nguy cơ trở thành túi chứa tệ nạn. Ai bể hụi, trốn
nợ là chạy ra Phú Quốc, tội phạm truy nã chạy ra Phú Quốc...
Nguyên nhân
có thể lý giải thời gian qua Phú Quốc phát triển quá nóng, với nhiều nhà đầu tư
kéo đến làm ăn, môi trường ấy thu hút nhiều người đến với Phú Quốc là đương
nhiên.
Thời
gian qua với nhiều dự án đầu tư, bộ mặt Phú Quốc đã có sự thay đổi rất đáng ghi
nhận. Tôi có cảm nhận Phú Quốc như chàng trai đang lớn nhanh mà chiếc áo chàng
trai ấy mặc lâu nay mình nghĩ là vừa nhưng thực tế nó lại chật, không giống như
mình nghĩ.
Nghĩ nó
là một huyện cái gì cũng giống như những huyện khác thì không được mà phải hơn
thế. Tôi cho rằng đảm bảo môi trường sống, du lịch an toàn ở Phú Quốc là vấn đề
cực kỳ đáng quan tâm, là vấn đề bức xúc hiện nay.
* Ông HUỲNH QUANG HƯNG (phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc):
Đảo ngọc như “đại
công trường”
Có thể nói thời điểm này Phú Quốc như một đại công trường.
Trong đó, nhiều nhất là các công trường xây dựng những khu nghỉ dưỡng, khu vui
chơi giải trí.
Với việc phát triển nóng như vậy đang đặt ra nhiều thách thức
cho công tác quản lý của địa phương. Đặc biệt, tình hình an ninh trật tự ở Phú
Quốc có nhiều diễn biến phức tạp hơn trước do các lực lượng lao động phổ thông
đổ về đây rất lớn.
Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, hiện nay có hơn
40.000 lao động là ngư dân từ khắp mọi miền đất nước đến Phú Quốc; hơn 20.000
lao động làm việc ở các công trình, các dự án; dự kiến năm nay có khoảng
850.000 lượt khách du lịch đến Phú Quốc.
Trong khi đó, dân cư trên đảo trên dưới 108.000 người...
Tính ra lượng khách đến Phú Quốc gần gấp chín lần dân số trên đảo. Chúng tôi đã
kiến nghị và tỉnh cũng cho chủ trương tăng cường lực lượng để đảm bảo an toàn
cho khách.
Tình hình Phú Quốc phát triển nóng nên giá đất trên đảo
cũng tăng đột biến, điều này cũng đúng theo quy luật. Nhưng nó cũng kéo theo hệ
lụy là tình hình bao chiếm, lấn chiếm, xây dựng trái phép đất Nhà nước quản lý,
đất dự án, thậm chí có cả đất rừng rất phức tạp.
Hồi cuối tháng 7, chúng tôi đã tiến hành cưỡng chế, buộc
tháo dỡ, di dời hơn 30 căn nhà xây dựng trái phép trên đất do Nhà nước quản lý;
tổ chức lập biên bản buộc di dời cây trồng ở khu vực An Thới... bước đầu tình
hình cũng dần ổn định lại.
Giá đất ở Phú Quốc hiện nay bắt đầu giảm nhiệt, chuyện mua
bán đất cũng không còn nóng như những tháng đầu năm.
H.TRÍ DŨNG - C.QUỐC - TIẾN TRÌNH ghi
Nhận xét
Đăng nhận xét