Trần
Hữu Hiệp
Cần
Thơ hướng đến mục tiêu "cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm
2020" phải trên cơ sở "định vị" thành phố, khả năng nỗ lực đạt
được trong quỹ thời gian chỉ còn hơn 4 năm nữa. Làm gì để về đích, trở thành
thành phố đồng bằng, cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, đáp ứng
kỳ vọng của người đồng bằng và cả nước, đang là thách thức lớn mà Tây Đô phải
vượt qua trong thời gian tới.
Băn
khoăn "chưa có bộ tiêu chí"
"Cần Thơ phấn đấu cơ bản trở thành thành phố công nghiệp
trước năm 2020" là mục tiêu được xác định tại Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày
17/02/2005 của Bộ Chính trị "về Xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong
thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" và nhiều văn bản quan
trọng. Nhận thức về vấn đề này được bổ sung, ngày càng sáng tỏ hơn, nhưng cho
đến nay, vẫn chưa có một bộ tiêu chí chính thức (như tiêu chí xã nông thôn mới)
để đánh giá, công nhận một tỉnh công nghiệp hay thành phố công nghiệp.
Một góc Cần Thơ
Năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lập Báo cáo nghiên cứu Bộ
tiêu chí tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại của Việt Nam, gồm 18 chỉ tiêu,
được chia thành 2 nhóm: kinh tế (6 chỉ tiêu) và nhóm văn hóa, xã hội, môi
trường (12 chỉ tiêu). Theo Bộ này, việc xác định tỉnh công nghiệp không nhất
thiết phổ cập cho tất cả các địa phương trong cả nước. Mỗi tỉnh có thế mạnh và
đặc thù riêng, nên có thể xây dựng kế hoạch phát triển theo điều kiện riêng của
mình. Trong bối cảnh đó, một số tỉnh như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ đã
tiến hành xây dựng, ban hành "Bộ tiêu chí tỉnh công nghiệp" và chỉ
đạo thực hiện.
Mục tiêu "cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước
năm 2020" của Cần Thơ cần phải đặt trong bối cảnh chung của cả nước, nhưng
có thể tham khảo "Bộ tiêu chí tỉnh công nghiệp" của các tỉnh như
Quảng Ninh, Thái Nguyên để nghiên cứu xây dựng cho phù hợp yêu cầu của một
thành phố trực thuộc Trung ương.
"Nội
hàm công nghiệp" trong "thành phố công nghiệp"
Tiêu chí công nghiệp trong khái niệm "thành phố công
nghiệp" không nên hiểu theo "nghĩa thô", chỉ là ngành sản xuất
vật chất với máy móc (công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ) mà cần được hiểu là
những đặc trưng để nhận biết về trình độ phát triển trong tiến trình công
nghiệp hóa. Đây cũng là cách phân loại quốc tế khi phân chia thành Nhóm các
nước công nghiệp phát triển G-8 hay các nước công nghiệp mới NIC - Newly
Industrialized Country. Tổ chức phát triển Liên Hiệp Quốc (UNIDO) cũng phân
loại các quốc gia trên thế giới thành 4 nhóm theo các giai đoạn của công nghiệp
hóa, gồm: Các nước đã CNH, các nước CNH mới nổi, các nước đang phát triển khác
và nhóm nước kém phát triển nhất.
Cầu Cần Thơ |
Một "thành phố công nghiệp", ngoài tiêu chí
"công nghiệp thuần túy", còn có nội hàm thể hiện trình độ phát triển
của con người thông qua các chỉ tiêu như: HDI, thu nhập GDP bình quân đầu
người, hay các chỉ tiêu văn hóa, xã hội và môi trường khác thể hiện "chất
lượng cuộc sống" và "phát triển bền vững" trên 3 trụ cột: kinh
tế, xã hội và môi trường. Cơ sở xác lập và cách tiếp cận xây dựng Bộ tiêu chí
"thành phố công nghiệp" cho Cần Thơ cần được thể hiện đặc thù của
Việt Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long (thành phố đồng bằng, cấp quốc gia văn
minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp). Song, bộ tiêu chí đó phải đảm bảo mức độ
"tương thích" chấp nhận được, không quá chênh lệch với tiêu chuẩn
quốc tế được công nhận rộng rãi, thể hiện các đặc tính công nghiệp hóa, hiện
đại hóa. Theo đó, cần lựa chọn ra một số chỉ tiêu định lượng có thể tính toán
được; đồng thời, có phần định tính cho nội hàm "cơ bản trở thành thành phố
công nghiệp". Việc xây dựng, ban hành Bộ tiêu chí làm cơ sở để thành phố
định hướng chính sách, xác định khâu đột phá, trọng tâm ưu tiên và bố trí nguồn
lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp vơi điều kiện, tình hình của
thành phố và nỗ lực thu hút đầu tư từ bên ngoài.
Định
hướng dài hạn và nỗ lực ngắn hạn
Mục tiêu "Cần Thơ phấn đấu cơ bản trở thành thành phố
công nghiệp trước năm 2020" phải là đích đến của một quá trình phấn đấu
liên tục, kế thừa và phát triển thành tựu của 30 năm đổi mới, đặc biệt là sau
hơn 10 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Vì vậy, định hướng chính
sách và giải pháp cho mục tiêu đó phải trên cơ sở tầm nhìn dài hạn, chứ không
chỉ là "tư duy nhiệm kỳ" cho 5 năm tới; song, không thể phủ nhận
những nỗ lực ngắn hạn cần phải đạt được từ nay đến "trước năm 2020".
Định hướng chính sách dài hạn cho Cần Thơ không có con đường
nào khác là chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, dựa vào hiệu quả, sức cạnh
tranh nhằm tạo sự tăng trưởng kinh tế cao hơn, bền vững, phát huy lợi thế trung
tâm vùng và tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng, chủ động hội nhập quốc tế.
Nỗ lực trong ngắn hạn của Cần Thơ cần tập trung cho các khâu đột phá: nhân lực
chất lượng cao và phát triển cơ sở hạ tầng trung tâm vùng.
Hệ thống chính sách, giải pháp đồng bộ cần phải tính đến cho
thành phố gồm: chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiếp tục ưu tiên phát
triển khu vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát
triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển cơ sở hạ tầng trung tâm vùng;
khoa học, công nghệ; tập trung cho một số ngành công nghiệp chủ lực và công
nghiệp phụ trợ; đẩy mạnh độ đô thị hóa; cơ chế chính sách tạo môi trường đầu
tư, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư; nâng cao năng lực cạnh tranh của thành
phố qua các chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAPI (năng lực quản trị
hành chính công cấp tỉnh), đặc biệt là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và
các chủ thể kinh doanh.
Hai nhóm giải pháp kèm theo chính sách ưu tiên hàng đầu cần
được thành phố xem xét. Một là, đầu tư tạo nguồn lực mới cho phát triển, trong
đó trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao và nguồn lực mới đến từ cải cách
thể chế (tận dụng từ cải cách thể chế từ Trung ương và nỗ lực của thành phố).
Hai là, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực được xác định (có
thể là công nghiệp chế tạo công cụ phục vụ nông nhiệp qua hợp tác với Hàn Quốc
với Vườn ươm công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại Cần Thơ và hợp tác với Nhật
Bản xây dựng Làng doanh nghiệp Nhật tại Cần Thơ); đồng thời, phát triển đồng bộ
ngành công nghiệp phụ trợ, tăng cường liên kết với các tỉnh trong vùng ĐBSCL.
Các giải pháp này phải là kết quả nghiên cứu khoa học và thực tiễn, mang tính
then chốt để đạt được các tiêu chí "thành phố công nghiệp".
Mục tiêu "Cần Thơ cơ bản trở thành thành phố công nghiệp
trước năm 2020" thể hiện một quyết tâm chính trị mạnh mẽ, có đạt được hay
không phụ thuộc vào việc sử dụng điểm tựa của các luận cứ khoa học và thực
tiễn, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và vận động doanh nghiệp, nhà
đầu tư, người dân tham gia; nhưng quan trọng hơn hết vẫn là kết quả giải bài
toán kinh tế, bố trí nguồn lực "đầu vào" đúng nhu cầu, khả năng đáp
ứng và kết quả "đầu ra" trên cơ sở các tiêu chí định lượng và hiệu
quả xã hội "chất lượng cuộc sống của người dân" thành phố Cần Thơ.
Nhận xét
Đăng nhận xét