Ngọc Tùng
|
(TBKTSG Online) - Ngoài yêu cầu giữ an ninh lương thực, Đồng bằng
sông Cửu Long (ĐBSCL) hàng năm đóng góp 90% lượng gạo, 70% sản lượng trái cây,
52% sản lượng thủy sản xuất khẩu… Tuy nhiên ở vùng này nông dân vẫn nghèo khó,
thiếu chỗ ở. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng di dân tự do
khó kiểm soát.
Sông rạch miền Tây |
Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế
trung ương chiều 4-8 với nội dung tình hình thực hiện chính sách xã hội và thực
trạng di cư tự phát vùng ĐBSCL, ông Dương Quốc Xuân, Phó ban chỉ đạo Tây Nam bộ,
cho biết với vai trò là kho gạo, thực phẩm nuôi sống luôn cả dân thế giới như
vậy nhưng ĐBSCL là nơi nông dân nghèo nhất cả nước, tỷ lệ nghèo ở vùng này còn
cao hơn cả Tây Bắc, Tây Nguyên.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình
trạng nghèo nàn của cư dân vùng ĐBSCL, ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng vụ Kinh tế,
Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, cho rằng, do kinh tế chính là nông nghiệp lại hàm chứa
nhiều rủi ro như thiên tai mất mùa, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định… ĐBSCL
không chỉ có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước mà tình hình nghèo khó ở đây biến
động rất mạnh khi có bất cứ tác động nào ảnh hưởng đến nông nghiệp.
Thống kê năm 2013 dân số ĐBSCL có
gần 17,5 triệu người, chiếm 19,6% dân số cả nước, trong đó nam giới chiếm
49,84%; 75,15% dân số tập trung ở khu vực nông thôn, tỷ lệ thất nghiệp chiếm
3,5% những người trong độ tuổi lao động.
Tuy nhiên, do đời sống khó khăn,
xu hướng di dân trong nhóm lao động nông thôn ĐBSCL về những khu vực đô thị và
công nghiệp phát triển tăng mạnh trong những năm gần đây khiến dân số trong vùng
giảm. Tập trung lớn nhất là lao động chuyển dịch từ ĐBSCL về TPHCM và các tỉnh
miền Đông Nam bộ tìm việc làm.
Khó khăn kinh tế khiến cho chỉ 11
tỉnh, thành vùng ĐBSCL (chưa tính hai tỉnh Cà Mau và Tiền Giang) đã có trên
65.700 hộ dân có nhu cầu bức xúc về nhà ở với nhiều mức độ khác nhau. Bên cạnh
đó, các tỉnh dọc biên giới Tây Nam như An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An
đã tiếp nhận gần 4.000 hộ với khoảng 12.300 nhân khẩu là Việt kiều từ Campuchia
hồi hương có nhu cầu an cư lâu dài tại quê hương xứ sở. Theo Ban Chỉ đạo Tây
Nam bộ, số người Việt này đã sinh sống nhiều năm tại Campuchia; phần lớn họ
sống lưu động, nhà cửa tạm bợ, nên không giấy tờ tùy thân, đông con và hầu hết
trẻ con không được đi học…
Thông qua Ban Kinh tế trung ương,
Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ kiến nghị Chính phủ cần có chính sách, chương trình hỗ
trợ nhà ở cho hộ nghèo; bố trí ngân sách triển khai các dự án ưu tiên thuộc
chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó
riêng các tỉnh ĐBSCL có 17 dự án với tổng vốn 5.014 tỉ đồng; điều chỉnh các lỗi
hệ thống trong giáo dục, dạy nghề; tạo cơ chế hỗ trợ ĐBSCL phát triển kinh tế,
nâng cao mức sống cho người dân.
Ông Đinh Văn Cương, Phó ban Kinh
tế trung ương, thừa nhận có nhiều chủ trương từ trung ương khi triển khai tới
địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ các dự án mang tính liên kết vùng khó
triển khai vì vướng phải luật ngân sách…
Do vậy, theo ông Cương cần thiết
phải xây dựng một cơ chế phối hợp nghiên cứu giữa Ban Kinh tế trung ương và Ban
Chỉ đạo Tây Nam bộ. Ông Cương cho rằng, ĐBSCL cũng đã thực hiện được nhiều phần
việc trong an sinh xã hội, kinh tế, quốc phòng… nhưng những vướng mắc từ các
địa phương vùng này sẽ được tổ công tác ghi nhận, nghiên cứu thêm để có những
đề xuất trong xây dựng chính sách.
Theo ông Cương, chính sách có
nhiều nhưng cần xác định những phương án giàu tính khả thi để địa phương có thể
vận dụng thực hiện một cách hiệu quả, xóa bỏ tình trạng báo cáo không chính
xác, để được đánh giá đã hoàn thành được nhiệm vụ.
Nhận xét
Đăng nhận xét