Trần Hữu Hiệp
TT - Theo các chuyên gia, việc bãi bỏ, sửa đổi các điều
kiện kinh doanh không cần thiết giúp cải thiện môi trường kinh doanh, có thể
tăng 1% GDP, tương đương 2 tỉ USD mỗi năm.
Mới đây, cùng với việc ban hành nghị quyết một số giải pháp về
thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp, Thủ
tướng Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, xây dựng các danh mục ngành nghề cấm, ngành
nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và ngành nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương
phải chủ động rà soát, loại bỏ các ngành nghề không cần cấm, cắt giảm những
ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện đầu tư, kinh doanh không
cần thiết gắn với đơn giản hóa thủ tục hành chính, tôn trọng quyền tự do kinh
doanh của người dân.
Có nghĩa là môi trường kinh doanh
hiện tại đang làm lãng phí nguồn lực lớn. Song để đạt được điều đó không dễ
dàng nếu không có những cải cách mạnh mẽ, cách làm cương quyết và hiệu quả.
Kinh nghiệm thi hành Luật doanh nghiệp năm 2000 gần 15 năm trước cho thấy để
các cơ quan “cha mẹ” của giấy phép con “tự xử đẹp”, rất cần một tổ công tác của
Thủ tướng Chính phủ có thực quyền để rà soát, cắt bỏ giấy phép con.
Phải thừa nhận sự cần thiết của
việc cấm, hạn chế một số ngành nghề kinh doanh có thể gây phương hại đến quốc
phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng; không để xu hướng
“tối ưu hóa lợi nhuận” trong kinh doanh làm phương hại lợi ích chung.
Nhưng cấm cái gì, hạn chế như thế
nào để không mất quyền “tự do kinh doanh” của công dân được ghi nhận trong Hiến
pháp còn quan trọng hơn. Vì vậy luật quy định chỉ có Chính phủ mới có quyền ban
hành danh mục ngành nghề cấm, điều kiện kinh doanh hoặc ngành nghề đó phải được
quy định rõ trong các pháp lệnh, luật chuyên ngành. Việc đẻ thêm giấy phép con
của các bộ trưởng là sự lạm quyền.
“Mọi người có quyền tự do kinh
doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” không chỉ mới được quy
định tại điều 33 Hiến pháp 2013 mà đã được ghi nhận tại điều 57 Hiến pháp 1992.
Nhưng giấy phép con thời gian qua vẫn tiếp tục được sinh ra, làm hạn chế quyền
tự do kinh doanh của công dân.
“Không hiểu tại sao lại nhiều như
vậy, có những ngành nghề không hiểu tại sao lại cấm, không hiểu tại sao lại
phải có điều kiện... Nói vậy để biết rất cam go trong lĩnh vực này” - lời than
phiền của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, tư lệnh ngành kế hoạch - đầu tư, được báo
chí trích dẫn.
Đằng sau “khó khăn” tự cắt bỏ giấy
phép con của các bộ, ngành chính là sự từ bỏ quyền và lợi ích “ban phát” của
mình; từ bỏ sự chọn lựa nhận phần dễ về mình, đẩy khó khăn cho doanh nghiệp,
cái gì quản ngon thì nắm, quản không nổi thì cấm. Tình trạng xin - cho, ban
phát, thiếu minh bạch, thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê chắc chắn là mảnh
đất màu mỡ cho tệ vòi vĩnh, nhũng nhiễu người dân.
Tư tưởng mới về việc bỏ quy định
ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay cho
việc phải liệt kê đủ thứ ngành nghề sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu
tư và doanh nghiệp.
Những sửa đổi cực kỳ mạnh dạn đó
có thành hiện thực được hay không còn phụ thuộc vào quyết tâm và việc tổ chức
thực thi. Cắt giảm giấy phép con cũng cần được làm quyết liệt như cắt giảm đầu
tư công vừa qua và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành. Yêu cầu đó
rất cần một tổ công tác của Thủ tướng có “gươm lệnh” để thực thi hiệu quả.
Nhận xét
Đăng nhận xét