(LĐ) - Số 248 TRẦN LƯU
Nhu cầu sử dụng ngày càng cao, trong khi nguồn nguyên liệu truyền thống đang dần cạn kiệt, hàng loạt những thách thức đang đặt ra đối với sự phát triển năng lượng ở Việt Nam. Đó là nội dung hội thảo “Hướng tới phát triển năng lượng bền vững vùng ĐBSCL” vừa diễn ra tại TP.Cần Thơ…
Theo chuyên gia năng lượng độc lập Nguyễn Tiến Long, đến năm 2030, nhu cầu năng lượng sơ cấp ở nước ta trên 250 triệu TOE, tăng 5 lần so với 2009. Các thủy điện lớn sẽ khai thác hết trong thập kỷ này, trong khi nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu, khí…) trữ lượng có hạn. Từ một quốc gia xuất khẩu thô năng lượng, năm 2013 Việt Nam đã nhập khẩu 1,308 triệu tấn than đá cho phát triển điện, ký hợp đồng nhập khẩu 10 triệu tấn than trong năm 2014. Việc nhập khẩu sẽ khiến Việt Nam phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung và giá năng lượng thế giới…
Bạc Liêu là địa phương đi đầu trong phát triển điện gió tại vùng ĐBSCL. Ảnh: NHẬT HỒ |
Ông Nguyễn Tiến Chỉnh - chuyên gia năng lượng độc lập - cho biết, trong cân đối năng lượng Việt Nam năm 2020, thủy điện là 17.729 MW, chiếm 29,7%; năng lượng tái tạo (gió, mặt trời…) rất có tiềm năng nhưng thiếu công nghệ và vốn, còn năng lượng hóa thạch tuy rẻ nhưng gây ô nhiễm môi trường. Trong vấn đề an ninh năng lượng, Việt Nam vẫn phải dựa vào năng lượng hóa thạch với tỉ trọng 62,5%; trong đó than 28.125 MW (47,%) - một con số rất lớn. Ông Chỉnh đề xuất cần tăng cường áp dụng các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, giảm áp lực dựa vào nhiên liệu hóa thạch và than, tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo trên 10% vào năm 2020. Trong đó, thị trường hóa giá năng lượng và có cơ chế hỗ trợ năng lượng tái tạo, tận dụng lợi thế năng lượng mặt trời và gió ở ĐBSCL.
Theo giới chuyên môn, trước sự cạn kiệt dần của năng lượng hóa thạch, điện gió được xem là sự thay thế hoàn hảo. Đây là nguồn điện sạch, ít gây ô nhiễm môi trường. Riêng vùng ĐBSCL, đã có nhà máy điện gió Bạc Liêu; các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre... cũng đã có quy hoạch về điện gió. Ông Trần Hữu Hiệp - Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - cho biết: ĐBSCL đã được Chính phủ xác định là một trong những trung tâm năng lượng lớn của cả nước. Việc phát triển năng lượng điện gió đang mở ra một hướng phát triển mới, làm thay đổi nhận thức của các địa phương trong phát triển năng lượng. Đây là nguồn năng lượng không phải sử dụng nguyên liệu, đỡ tốn chi phí… “Gió ở đâu cũng có, nhưng không phải địa phương nào cũng khai thác được. Chúng ta chỉ nên xem điện gió là một yếu tố trong vấn đề phát triển năng lượng tổng thể của cả nước, vì chỉ có điện gió thì không thể giải quyết tất cả” - ông Hiệp nói.
Nhận xét
Đăng nhận xét