Trần Hữu Hiệp
Anh bạn
tôi người Bắc, làm kinh tế,
nhưng lại mê văn chương, hỏi tôi: “Muốn tìm hiểu văn học miền Tây xưa, nên đọc ai?”. Tôi
khuyên: “Muốn biết chuyện xưa lục tỉnh, thử đọc Hồ Biểu Chánh”.
Lời khuyên
của tôi với tư cách là đồng hương của tác giả ở một thời đã xa, chỉ là ý kiến
cá nhân. Tất nhiên còn nhiều văn tài đặc sản khác như Vương Hồng Sển, Sơn Nam
... Nhưng quả là rất thú vị khi tìm hiểu giọng văn “đặc sệt” phương ngữ miền
Tây Nam bộ Hồ Biểu Chánh.
Giai
1975-1985, thời tôi học phổ thông, văn chương Hồ Biểu Chánh không được phổ biến
chính thức. Kho tiểu thuyết đồ sộ của cụ cũng không được in ấn, tái bản, dù nó
từng là những đầu sách “best seller” một thời, được nhiều nhà xuất bản ở miền Nam
trước giải phóng đua nhau phát hành. Lứa tuổi của tôi thời đó, chỉ đọc được vài
quyển sách cũ mèm, sờn ráy, còn lại nghe qua chuyện kể.
Tôi biết
đến dòng tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh qua câu chuyện kể của một ông già quê xứ tôi.
Ông Tư Hộ không biết chữ mà có tài kể chuyện phát mê. Kiến thức văn chương, chữ
nghĩa của tôi có được phần lớn nhờ nghe ông Tư kể chuyện đời xưa. Trong số đó có
nhiều tiểu thuyết phóng tác của Hồ Biểu Chánh. Các “phiên bản truyền miệng” của
cụ Chánh như Ngọn cỏ gió đùa, Chúa tàu Kim Qui, Lời thề trước miễu, … có sức hấp
dẫn lạ thường. Sau này, tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh được tái bản như một hiện tượng
sách. Tôi được đọc văn cụ nhiều hơn, càng thích, yêu tài sử dụng phương ngữ Nam
Bộ, cảm cụ viết như dân lục tỉnh xưa nói chuyện.
Hồ Biểu
Chánh là người có công quảng bá phương ngữ Nam Bộ vào văn chương, tiểu thuyết.
Văn Hồ Biểu Chánh từ cuộc sống bình dị, chân chất của người miền Nam, thẩm thấu
vào nhà văn – một bậc thức giả – rồi tuông trào ra thành chữ nghĩa để trở lại
cái cốt cách bình dị, hào sảng mang đậm tính cách người phương Nam. Văn chương của
cụ là văn tươi, bình dân mà thâm thúy, không xổ xàng, cục mịch. Nhiều bộ phim
Việt gần đây dựng lại từ cốt truyện của cụ. Lời thoại trong phim, người thời
nay nghe lạ tai. Nhân vật lớn tuổi trong phim thường xưng “qua” - ngôi thứ nhất
số ít, cuối câu nói thường hay có chữ “đó đa” nghe chân chất như bà con dân tộc
nói tiếng Kinh, lấy “cái bụng”, “con mắt”, “cái đầu” để chỉ tấm lòng, cái nhìn
và suy nghĩ của đồng bào. Đọc văn Hồ Biểu Chánh như được tìm lại dấu xưa của lục
tỉnh Nam Kỳ.
Nhận xét
Đăng nhận xét