Trần Hữu Hiệp
TCCSĐT - Đồng bằng sông Cửu Long nổi tiếng thế giới với tên
gọi “MeKong Delta”. Để có những thương hiệu mạnh được định danh “MeKong
Delta”, yêu cầu đang đặt ra là cần một “chiến lược thương hiệu vùng miền”
với hệ thống cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ từ quy hoạch, đầu tư đến tổ
chức sản xuất - liên kết, thị trường, nguồn nhân lực.
Hạt gạo đồng bằng nổi tiếng khắp năm châu vẫn đang mặc chiếc áo "thương hiệu nước ngoài" hoặc vô danh với các gọi gạo 5% tấm, 25% tấm |
Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vựa lúa gạo, trái cây,
thủy sản của cả nước mà còn là nơi bảo đảm “sức khỏe” cho nền nông nghiệp Việt
Nam, có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội
và bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước. Nhiều năm qua, các mặt hàng nông
sản chủ lực của vùng như lúa gạo, trái cây, thuỷ sản luôn chiếm sản lượng và
kim ngạch xuất khẩu lớn của cả nước. Thế nhưng đến nay, hầu hết các mặt hàng
này vẫn chưa có được thương hiệu mạnh. Yêu cầu xây dựng và phát triển các
thương hiệu nông sản chủ lực của vùng, gắn với các doanh nghiệp thành đạt, uy
tín, trên cơ sở liên kết vùng, liên kết “bốn nhà”... đã được đặt ra thời gian
qua, nhưng đến nay vẫn chưa như mong muốn. Một chiến lược thương hiệu vùng,
miền nói chung và thương hiệu cho các loại nông sản chủ lực của vùng đồng bằng
sông Cửu Long nói riêng đang trở thành đòi hỏi cấp bách.
Việc xây dựng thương hiệu vùng đồng bằng sông Cửu Long nên
bắt đầu từ đâu? Vai trò,
trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức trong hỗ trợ doanh nghiệp,
nông dân được xác định ra sao? Cách thức triển khai như thế nào… để tạo ra sự phối hợp tốt
trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu của các địa phương và của vùng?
Thương hiệu không chỉ là “tài sản riêng” của doanh nghiệp
Thương hiệu (brand) là khái niệm đã được sử dụng trong
nghiên cứu, xuất hiện trong một số văn bản hành chính và được dùng phổ biến
trong ngôn ngữ hàng ngày. Có thể hiểu đó là một tập hợp các dấu hiệu nhận biết
về một đối tượng nào đó hoặc về một sản phẩm, dịch vụ cụ thể, gắn với một doanh
nghiệp, một địa phương, vùng lãnh thổ hay một quốc gia, tạo ra thương hiệu của
doanh nghiệp, địa phương, vùng miền, hay thương hiệu quốc gia. Thương hiệu cần
được xây dựng và phát triển để giữ vững được giá trị niềm tin của “khách hàng”.
Nhiều nước đã quan tâm xây dựng, phát triển thương hiệu nhằm hoạch định các cơ
chế, chính sách, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, địa phương,
vùng miền hay quốc gia mình[1].
Luật Thương mại và Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành
chỉ định nghĩa về “nhãn hiệu”[2]
và “hoạt động thương mại”[3],
không nêu rõ khái niệm “thương hiệu” là gì. Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày
25-11-2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án xây dựng và phát triển
Thương hiệu quốc gia” cũng chỉ định ra một chương trình xúc tiến thương mại
quốc gia dài hạn, nhằm xây dựng, quảng bá nhãn hiệu sản phẩm (hàng hóa và dịch
vụ), tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ hàng hóa, được mang biểu
trưng của Thương hiệu quốc gia trên thị trường trong và ngoài nước.
Thời gian qua, chúng ta quen tiếp cận và sử dụng “thương
hiệu” chủ yếu dưới góc độ của doanh nghiệp, cho dù thương hiệu đó được gắn với
một địa danh cấp xã, huyện, tỉnh, cấp vùng (cà phê Tây Nguyên, Trung Nguyên;
trái cây, lúa gạo miền Tây…), hay cấp quốc gia (Hàng Việt Nam chất lượng cao,
Thương hiệu Việt…). Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được xây dựng
cũng để phát triển các thương hiệu mạnh của doanh nghiệp tầm quốc gia, vươn ra
quốc tế. Đó là “tài sản riêng” của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang ngày
càng hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới, yêu cầu đang đặt ra là cần tiếp
cận, xây dựng và phát triển thương hiệu từ góc độ “tài sản công” của một địa
phương, vùng miền và quốc gia. Dưới góc độ này, thương hiệu trở thành tài sản
tinh thần của xã hội. Quá trình tạo dựng, quản lý và phát huy thương hiệu không
chỉ có vai trò của doanh nghiệp mà còn là sự góp sức của mọi thành phần trong
xã hội cũng như sự hoạch định chính sách, điều phối chiến lược của Nhà nước.
Xây dựng và phát triển các thương hiệu vùng đồng bằng sông
Cửu Long
Việc đăng ký sử dụng,
chứng nhận, bảo hộ thương hiệu vùng miền đã được nhiều quốc gia quan tâm, nâng
tầm giá trị. Song, ở nước ta vấn đề này đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng
mức. Gần đây, một số địa phương, doanh nghiệp đã quan tâm xây dựng, đăng ký
chứng nhận xuất xứ hàng hoá, bảo hộ thương hiệu. Nước mắm Phú Quốc được đăng ký
và bảo hộ tại 28 quốc gia châu Âu; khoai lang Bình Tân - Vĩnh Long được cấp
chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá tập thể… Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có một
chương trình thương hiệu vùng miền trong chiến lược thương hiệu quốc gia, khiến
nhiều sản phẩm, lợi thế vẫn chỉ ở dạng “tiềm năng”. Trong bối cảnh đó, việc xây
dựng và phát triển các thương hiệu vùng đồng bằng sông Cửu Long của doanh
nghiệp (được đặt trong một chuỗi giá trị của quá trình sản xuất hàng hóa), xác
định trách nhiệm - lợi ích của từng “chủ thể” tham gia, những “công đoạn” quyết
định, “điểm nút” đột phá để chọn lựa giải pháp, thứ tự ưu tiên và tiến hành
đồng bộ để xây dựng chiến lược thương hiệu… là những vấn đề rất quan trọng.
Vấn đề đầu tiên là cần xây dựng thương hiệu để khẳng định giá trị
các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long như lúa gạo,
trái cây, thuỷ sản. Điểm bắt đầu phải từ doanh nghiệp, và chính sự hợp tác của
doanh nghiệp - nông dân cùng với nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ tạo ra vùng
sản xuất rộng lớn. Doanh nghiệp là “mắt xích” cuối cùng trong chuỗi đầu ra của
xuất khẩu nông sản. Hơn ai hết, doanh nghiệp “biết mình, biết ta” trong cuộc
cạnh tranh trên trường quốc tế.
Vấn đề thứ hai là nâng cao vai trò của nhà khoa học - “chất xám” của
thương hiệu nông sản. Các thương hiệu gạo, cá tra, trái cây của đồng bằng sông
Cửu Long được xây dựng gắn với tên của doanh nghiệp hoặc địa phương, nhưng hàm
chứa trong nó lại có một phần rất lớn là “chất xám” của các nhà khoa học và “mồ
hôi” của người nông dân. Để có các thương hiệu nông sản đồng bằng sông Cửu
Long, phải giải quyết đồng bộ từ khâu giống, canh tác, công nghệ sau thu hoạch,
tồn trữ và phải tăng cường liên kết “bốn nhà” với hiệu quả thực chất. Với quan
điểm đó, vừa qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ chủ trì, phối hợp với Viện Lúa đồng
bằng sông Cửu Long, Viện Cây ăn quả miền Nam, Trường Đại học Cần Thơ và các địa
phương xây dựng Dự án Phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo vùng đồng
bằng sông Cửu Long thông qua liên kết vùng và sự tham gia “bốn nhà”.
Tuy nhiên, “chất xám” của nhà khoa học cần được gắn với các
doanh nghiệp cụ thể và nông dân. Trong khi đó, người nông dân đang phải đối mặt
với nhiều khó khăn như: thiếu vốn sản xuất (giá vật tư sản xuất đầu vào cao,
mua chịu vật tư trước sau đó trả với lãi suất cao); chi tiêu gia đình ngày càng
cao (sinh hoạt, chữa bệnh, học hành,...); thu nhập thấp do giá nông sản thời
điểm bán thấp, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Sản xuất nông sản ở đồng bằng sông
Cửu Long hiện nay chủ yếu vẫn là ở quy mô nông hộ nhỏ lẻ, manh mún. Vì thế,
muốn xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long,
Nhà nước cần có những giải pháp tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ
những mô hình tốt như “cánh đồng mẫu lớn”, tăng cường tập huấn cho nông dân để
nâng cao kỹ năng ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến và thực hiện các quy trình
canh tác theo nhóm giống, tiểu vùng sinh thái, quy trình thực hành sản xuất
tốt; đầu tư công nghệ sau thu hoạch; quản lý kinh tế hộ; tiếp thị - quảng bá…
Chỉ khi nào có hệ thống các giải pháp đồng bộ, tháo gỡ khó khăn cho người nông
dân - khâu đầu tiên của quy trình sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực của
vùng - thì mới có thể xây dựng được thương hiệu nông sản mang tính vùng, miền
và tầm quốc gia.
Vấn đề thứ ba có vai trò rất quan trọng là sự tác động, hỗ trợ từ Nhà nước.
Vai trò của Nhà nước có tác động to lớn trong liên kết “bốn nhà” thông qua cơ
chế, chính sách chỉ đạo tổ chức sản xuất, điều tiết thị trường, điều hành xuất
khẩu. Thực tế cho thấy, để giải quyết tốt khâu giống, sản xuất, chế biến, xuất
khẩu gạo và nông sản trong hành trình xây dựng thương hiệu, Nhà nước đóng vai
trò quyết định trong việc điều hòa lợi ích. Cần định danh rõ ràng từng thương
hiệu gạo, trái cây, thủy sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long vào Chương trình
thương hiệu quốc gia của Chính phủ để góp phần quảng bá hình ảnh đất nước. Một
nhãn hiệu “Made in Mekong Delta” cho các mặt hàng nông sản chủ lực của đồng
bằng sông Cửu Long là cách tiếp cận hiệu quả với thị trường xuất khẩu, kể cả
thị trường trong nước.
Đề xuất một số giải pháp
Xây dựng và phát triển thương hiệu (nhìn từ khu vực công
lẫn khu vực tư) với tiếp cận theo vùng là một yêu cầu tất yếu, khách quan, nhằm
tăng cường năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, phát huy giá trị tinh
thần, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vượt trội của vùng miền. Để đạt mục
tiêu đó, thiết nghĩ cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách - pháp lý, quy hoạch -
đầu tư: Về cơ chế, chính sách
và pháp lý, cần xây dựng và phát triển thương hiệu dưới 2 góc độ. Một là, “tài
sản riêng của doanh nghiệp”. Hai là, “tài sản chung” của cộng đồng ở một địa
phương, vùng miền và quốc gia. Trong cách tiếp cận “thương hiệu là tài sản
riêng” cần bổ sung chính sách thương hiệu vùng, miền để khuyến khích doanh
nghiệp đầu tư, xây dựng và phát triển các sản phẩm chủ lực của vùng, miền. Tiếp
tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi đồng bộ để bảo hộ thương hiệu.
Về quy hoạch - đầu tư, cần rà soát, bổ sung quy hoạch theo
hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, dựa trên lợi thế cạnh tranh của các sản
phẩm chủ lực, dịch vụ được lựa chọn xây dựng thương hiệu mạnh, tránh dàn trải
để tập trung đầu tư chiều sâu. Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, cần tăng cường
liên kết vùng phát triển sản xuất và tiêu thụ, xây dựng các “Cụm ngành
(cluster) lúa gạo, trái cây, thuỷ sản” của vùng có lợi thế cạnh tranh.
Thực tế cho thấy, vấn đề quan trọng là thay đổi tư duy và
phương pháp đầu tư, chuyển từ đầu tư theo “đoạn” sang đầu tư theo “chuỗi” sản
xuất. Việc đầu tư theo chuỗi sẽ giúp tránh trường hợp tập trung đầu tư không
cân đối trong chuỗi, có đoạn phình to nhưng có đoạn lại teo tóp gây ra tình
trạng mất ổn định trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Muốn vậy, trước tiên cần
xác định sản phẩm phải trải qua những công đoạn nào trong chuỗi sản xuất để quy
hoạch và xây dựng, phát triển thương hiệu.
Nhóm giải pháp về khoa học và công nghệ: Để khắc phục tình trạng sản xuất theo kinh nghiệm truyền
thống, công nghệ lạc hậu, cần chú trọng áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến
một cách đồng bộ tại các khâu giống, nuôi trồng và chế biến. Quy trình đó gồm:
phát triển công nghệ sinh học, áp dụng rộng rãi VietGAP, GlobalGAP trong sản
xuất nông nghiệp, phát triển công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch để giảm thất
thoát, nâng cao chất lượng nông, lâm, thuỷ sản và gia tăng giá trị của sản
phẩm… gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu.
Nhóm giải pháp về thị trường và liên kết: Cần tăng cường đầu tư cho công tác điều tra, nghiên cứu,
dự báo thị trường; tổ chức hội chợ triển lãm trong nước và nước ngoài để các
doanh nghiệp tham gia giới thiệu, quảng bá các hàng hóa chủ lực của địa phương.
Tăng cường liên kết vùng chuyên canh và tập trung sản xuất, liên kết chuỗi sản
xuất, liên kết thị trường - doanh nghiệp và liên kết vùng đồng bằng sông Cửu
Long. Tiếp tục tổ chức mạng lưới liên kết theo mô hình các “Cluster cây ăn
trái” để làm hạt nhân liên kết chặt chẽ. Cách làm này hay hơn các hình thức hợp
đồng tiêu thụ nông sản lỏng lẻo, thường bị phá vỡ hợp đồng do những biến động
về giá cả như thời gian qua.
Nhóm giải pháp về nguồn nhân lực: Hiện nay, phần lớn lao động của vùng đồng bằng sông Cửu
Long chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật tốt, đa số xuất thân từ nông thôn,
hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu dựa vào khả năng và kinh nghiệm mang
tính truyền thống. Vì thế, việc áp dụng tiến bộ của khoa học, công nghệ mới gặp
nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ quản lý phần lớn còn thiếu kiến thức và kỹ năng,
dẫn đến tình trạng quản lý điều hành mang tính tự phát, cảm tính và thiếu tầm
nhìn. Từ thực trạng này, cần có quy hoạch, phân luồng đào tạo chuyên môn và dạy
nghề, đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao,
phù hợp, cán bộ quản lý có năng lực để cung cấp cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất
hay khu công nghiệp sản xuất hàng hóa chủ lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long
gắn với vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu./.
[1] Việt Nam có Chương
trình Thương hiệu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại
Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2003.
[2] Khoản 16, Điều 4, Luật
Sở hữu trí tuệ: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của
các tổ chức, cá nhân khác nhau”.
[3] Khoản 1, Điều 3, Luật
Thương mại: “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm
mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt
động nhằm mục đích sinh lợi khác”.
Nhận xét
Đăng nhận xét