Chuyển đến nội dung chính

Trí thức trẻ - Sứ giả cộng đồng chung ASEAN


Lược ghi nội dung chính bài nói chuyên với sinh viên ĐH Hà Nội ngày 11-10-2014
Các bạn sinh viên thân mến,
Chúng ta đang ở trong lòng thủ đô, giữa mùa thu Hà Nội, trong không khí phấn khởi, tự hào kỷ niệm 60 năm lịch sử ngày Giải phóng thủ đô.
Cách đây 30 năm, tôi bước chân vào một cổng trường đại học ở Sài Gòn. Đó là những năm tháng của thập niên 80, thời bao cấp, đất nước còn nhiều khó khăn về kinh tế. Trong thế bị bao vây, cấm vận, Việt Nam chưa phải là thành viên của tổ chức cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á.

Tôi đã trải qua một quãng đời sinh viên, cũng nhiều hoài bão, ước vọng, nhưng có lẽ không được như các bạn bây giờ - những thanh niên trí thức phơi phới trước xu thế hội nhập và vị thế ngày càng cao của nước ta trong cộng đồng quốc tế.
Khác với 30 năm trước, hôm nay, từ vùng đất phương Nam của Tổ quốc, tôi bước chân vào ĐH Hà Nội của các bạn, một ngôi trường có bề dày truyền thống, lịch sử 55 năm, từ 1 trường vốn đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ, nay là trường đa ngành mà các bạn sinh viên Khoa quốc tế học các bạn vinh dự là những người đại diện có mặt hôm nay.
Tôi rất vui mừng được gặp gỡ, lắng nghe và chia sẻ với các bạn sinh viên thủ đô về vai trò, vị trí của trí thức trẻ trong hội nhập cộng đồng chung ASEAN – Chủ đề của cuộc trao đổi mà các bạn cán bộ đoàn của Trường ĐH Hà Nội, Đoàn Bộ Ngoại giao và các anh chị Đoàn khối các cơ qua TW có sáng kiến tổ chức.
Nhiều bạn trẻ đã biết, từ năm 2003, các Nhà Lãnh đạo ASEAN đã nhất trí mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2020 với 3 cột chính. Một là, chính trị - an ninh. Hai là, kinh tế. Ba là, văn hóa xã hội.
ASEAN với số dân 600 triệu người, GDP gần 2.200 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gần 2.400 tỷ USD. ASEAN đang là một thị trường lớn, năng động và giàu tiềm năng.
Năm 2007, các Nhà Lãnh đạo ASEAN tái khẳng định cam kết liên kết, hội nhập sâu rộng và toàn diện với việc hình thành “Cộng đồng ASEAN” vào cuối năm 2015 với trụ cột là kinh tế, thương mại, đầu tư.
Chúng ta đang ở những tháng cuối năm 2014, chỉ còn hơn 1 năm nữa, những công dân ASEAN bước vào ngôi nhà chung “Cộng đồng kinh tế ASEAN”. Đó là cơ hội lớn, đồng thời cũng là một thách thức lớn mà hơn ai hết, lực lượng thanh niên, đặc biệt là các trí thức trẻ cần nhận thức, chủ động, tích cực chuẩn bị và sẵn sàng hội nhập một sân chơi lớn của khu vực.
Tôi đến từ vùng sông nước Cửu Long. Nơi mà nhiều người hay gọi là “xứ sở Hai Lúa”. Tôi cũng có một phần ký ức tuổi thơ gian khó trong những năm cuối cuộc chiến tranh ở miền Nam trước 1975, có niềm vui ngày đất nước thống nhất, đã trải qua những năm tháng khó khăn của miền Tây Nam Bộ thời bao cấp sau giải phóng, rồi được hưởng lợi từ thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước cho đến ngày hôm nay.
Ở cái tuổi ngấp nghé 50, gọi trẻ không đúng, bảo già cũng sai. Tôi mà nói về “vai trò, vị trí, tư duy, tầm nhìn”, “sứ mệnh, sứ giả ASEAN của trí thức thanh niên” như các bạn chưa chắc đã trúng, không hẳn đã hay bằng các bạn. Nhưng với những gì được trãi nghiệm, cả thua thiệt nhiều hơn các bạn bây giờ cùng với những trăn trở, nghĩ suy của một “thanh niên quá lứa”, tôi cũng xin được trải lòng cùng các bạn.
1. Trong buổi gặp gỡ sáng nay, điều đầu tiên tôi muốn chia sẻ và lắng nghe từ các bạn là vấn đề nhận thức và tư duy về vai trò, vị trí của trí thức trẻ trước yêu cầu hội nhập mà các bạn thiết kế chương trình giao lưu này gọi tên cho chủ đề 1 là “Trí thức trẻ - Sứ giả cộng đồng chung ASEAN”.
Bước ra sân chơi khu vực và nhìn rộng hơn là hội nhập quốc tế, trí thức trẻ VN không thể mang tư duy bó hẹp, tư duy thụ động, tư duy theo kiểu “cơ học”... Chắc nhiều bạn cũng đồng tình với tôi rằng, chúng ta cần có một tư duy mới.
Tư duy mới đó là gì? Để làm gì? Để hiểu rõ đâu là bản sắc của mình, tìm ra lợi thế cạnh tranh, xác định điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức …trong hội nhập.
Trong 2 quyển sách: “Suy ngẫm từ đất phù sa” và “Chuyện đồng bằng” của tôi xuất bản năm 2013, tôi không dấu giếm về “dấu chân lấm bùn phù sa sông Hậu” quê hương mình. Trong số nhiều người ở đây, chắc không ít bạn đến từ, hoặc xuất thân từ nông thôn, những miền quê lam lũ của đồng bằng Bắc bộ, miền trung du hay miền núi khó khăn. Chúng ta hiểu, dễ cảm thông và chia sẻ với những người dân quê, với nông dân. Cái chất nông thôn dường như vẫn còn đâu đó, nó ngấm trong máu của chúng ta khi đã được gọi là công dân đô thị.
Tôi và chắc rằng có nhiều người cũng giống tôi đang trăn trở về nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế xã hội của nơi mà nhiều người nói là “Vựa lúa gạo, thủy sản, trái cây quốc gia” … Nơi tuyến đầu “đảm bảo an ninh lương thực quốc gia”, “bệ đỡ cho nền kinh tế”, nhưng hạt gạo của người nông dân đồng bằng đang bị cắn chia làm 8 phần, con cá tra bị chặt ra làm nhiều khúc, cây mía chặt thành nhiều lóng, trái dừa bị bửa ra nhiều miếng … mà phần của những người nông dân đồng bằng lam lũ, chất phác đang chịu nhiều thiệt thòi. Những trăn trở về tình trạng “nghèo trên vựa lúa miền Tây”, một bộ phận không nhỏ nông dân, nhiều nhất là những người trẻ bỏ ruộng đồng, di cư lên thành thị, làm đủ thứ nghề, kể cảm những ngành nghề nhạy cảm để mưu sinh trong điều kiện cuộc sống bấp bênh ... đang là trăn trở lớn.
Các bạn thử tưởng tượng, sản xuất nông nghiệp của nông dân hiện nay như “cây đòn gánh”. Một đầu gánh nặng nguyên liệu, vật tư, phân bón, chi phí ngày càng cao; đầu kia là tiêu thụ bấp bênh, điệp khúc “trúng mùa, mất giá, được giá, hết hàng” cứ diễn ra. Người nông dân làm nông nghiệp với “cái đòn gánh” đó vừa đi, vừa gánh, vừa bị lắc lư trong thế dễ ngã. Nông dân phải vượt qua (hay vướng lại) trong “4 bước đi”: Bước lên, bước xuống, bước vào, bước ra. Vào làm ăn và đi lên hợp tác hóa nông nghiệp theo cách làm mới hay bước ra riêng lẻ, tụt hậu trước thách thức, cạnh tranh toàn cầu?
Đó là những bức xúc nổi lên, nếu chậm được khắc phục, thì kỳ tích lúa gạo, trái cây và thủy sản - thành tựu to lớn của nông nghiệp VN sau 30 năm đổi mới sẽ chỉ là quá khứ. Thành tích đã qua không phải là một đảm bảo chắc chắn cho thành công tới. “Vựa lúa gạo quốc gia” hay vị thế của một nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới, đòi hỏi thanh niên trí thức phải có tầm nhìn, tư duy và nhận thức mới.
Danh xưng “Vựa lúa quốc gia” dành cho ĐBSCL đã có từ lâu đời, nhưng đã đến lúc cần nhận thức lại. Đã đến lúc người miền Tây không cần tự hào về mỹ từ "vựa lúa". Hay nhìn rộng ra, người Việt chúng ta cũng không cần thiết phải tự hào là cường quốc số 1, số 2 thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, cá tra; không cần thiết phải tự hào về “Vựa lúa quốc gia” hay “Bát cơm  châu Á”, “Vương quốc trái cây”. Tự hào làm chi là những người làm ra thật nhiều nông sản cung ứng cho toàn cầu mà dân ta vẫn còn nhiều khó khăn… Đã đến lúc cần phải thấy, đó không nên là mục tiêu ưu tiên, cần phải chuyển từ trồng lúa để ăn sang trồng lúa để bán, từ “bát cơm đầy” sang “bát cơm ngon”. Cần thương mại hóa ngành lúa gạo, và sản xuất nông sản, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cư dân nông thôn để làm giàu.
Trong chúng ta ở đây, bạn sinh viên nào đang có iphone? Chắc hẳn không ai mà không biết “Quả táo cắn dở” – biểu tượng của hãng iphone nổi danh toàn cầu. Thử đặt “Quả táo giả” đó của Mỹ bên cạnh “Quả táo thật” của chúng ta và tư duy. Các bạn cảm nhận và ngộ ra được điều gì?
Mới tháng trước, tập đoàn toàn cầu này tung ra sản phẩm mới, dòng điện thoại iphone 6 và iphone 6 plus, lập tức tạo ra cơn sốt tiêu dùng khắp thế giới. Bạn nào đang sử dụng điện thoại, máy tính bảng có truy cập mạng vào trang báo Tuổi Trẻ, thử truy cập lại bài viết của tôi: “Quả táo cắn dở” của Mỹ và trái cây Việt.
Theo số liệu thống kê, điện thoại và các loại linh kiện thuộc mặt hàng hạn chế nhập khẩu vào nước ta, nhưng trong năm 2013 cũng đã ngốn hơn 8 tỷ USD, trong khi các nhà vườn, nông dân phải còng lưng làm ra lượng rau quả xuất khẩu, mặc dù lần đầu tiên đạt được giá trị kim ngạch xuất khẩu kỷ lục hơn 1 tỉ USD, nhưng cũng chỉ bằng khoảng 1/8 giá trị số ngoại tệ phải chi cho nhập khẩu các loại “máy a lô” này.
Đặt “Quả táo cắn dở” của Mỹ bên cạnh trái cây Việt là một so sánh khập khiễng. Một bên là giá trị của công nghệ cao, hàm lượng chất xám và đại diện của “kinh tế tri thức”; còn một bên là hoa lợi của tự nhiên, sức lao động phổ thông. Câu chuyện “quả táo cắn dở” và trái cây Việt được nêu ra không phải là sự đố kỵ trước thành công của một tập đoàn Mỹ hay sự tự ti về nền nông nghiệp VN. Nhưng sự khác biệt quá lớn của nó cần được các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và người nông dân - vốn đã tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa toàn cầu phải suy ngẫm. Các bạn trí thức trẻ ngồi đây, chúng ta ngẫm ra điều gì? Tôi rất muốn nghe ý kiến từ các bạn.
Từ trái cây, hạt gạo, cảnh lam lũ của người nông dân, từ những sinh viên miệt mài trên giảng đường đại học, chúng ta hãy nhìn sang ly bia, chai rượu và những kiểu ăn chơi của một bộ phận không nhỏ trong giới thanh thiếu niên ngày nay.
Cách đây 2 năm, 1 tờ báo đăng bài viết của tôi có tên “Dân Việt uống bia nhiều hơn ăn cơm?”. Nghe có vẻ giật tít, nhưng cũng phải giật mình khi thấy những con số thống kê so sánh.
Đầu năm 2012, Kirin Holdings - Công ty bia nổi tiếng Nhật công bố kết quả khảo sát: Việt Nam nằm trong tốp đầu các nước tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới. Nước ta chỉ đứng sau Mỹ và Pháp trong danh sách 170 thị trường tiêu thụ bia Heineken trên toàn thế giới năm 2010. Ông Michel de Carvalho, chủ sở hữu thương hiệu bia nổi tiếng này cho báo chí biết vào thời điểm đó. Euromonitor International cũng xếp hạng VN đứng đầu các nước Đông Nam Á vì tiêu thụ gần 2,6 tỉ lít bia, chưa kể rượu trong năm 2011. Dân Việt đã “được” xếp vào hàng ăn nhậu số 1 khu vực và có thể giật giải quán quân thế giới.
Trong khi đó, theo Statistisches Bundesamt (Cơ quan thống kê Đức), thì người Đức vốn đứng đầu thế giới về uống bia đang ngày càng dùng bia ít hơn và xuất khẩu bia nhiều hơn. Các hãng bia của nước này chỉ tiêu thụ được khoảng 98,2 tỷ lít trong năm 2011, giảm 0,1% so năm 2010. Thị trường nội địa giảm 0,8%, xuất khẩu tăng 4%.
Tệ hại của “nhậu nhẹt” đã rõ. Theo thống kê, có 60% vụ bạo lực gia đình xuất phát từ say rượu; ngộ độc rượu bia chiếm gần 22% các loại ngộ độc; 7% bệnh nhân tâm thần xuất phát từ rượu bia. Tình trạng CBCC đi nhậu trong giờ làm việc hoặc buổi trưa, ảnh hưởng đến công việc đã đến mức báo động, nhiều nơi cấm, pháp luật cũng qui định xử phạt nặng người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn quá qui định. Nhưng quán nhậu cứ mọc lên, ăn nhậu cứ đều đều. 
10 triệu tấn gạo dùng trong năm so với 2,6 tỉ lít bia và nhiều loại rượu nội, ngoại nhập. Dường như dân ta đang uống bia, rượu nhiều hơn ăn cơm? 7 triệu tấn gạo xuất ngoại/năm, thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo và đứng đầu Đông Nam Á, đang vươn lên tầm thế giới về tiêu thụ bia! Đó không phải là mục tiêu của một nước vừa thoát khỏi nhóm quốc gia thu nhập thấp hướng tới. Đó cũng là điều mà giới trẻ trí thức cũng rất đáng suy ngẫm. Phải không các bạn?  
Nhìn ra các lĩnh vực khác, cách tư duy và chọn lựa các vấn đề trong phát triển của chúng ta, thử các bạn hãy tiếp sức cùng suy ngẫm.
Cho đến nay, VN vẫn hướng đến mục tiêu “cường quốc đóng tàu”, trong khi các cường quốc đóng tàu trên thế giới đã chuyển từ “công nghiệp đóng” sang bán dây chuyền công nghệ và thiết kế để tránh các hệ lụy ô nhiễm môi trường và kiếm lãi “trí tuệ” nhiều hơn. Tất nhiên, bước chuyển đó không thể ngày một ngày hai. Nhưng lấy kinh tế tri thức, quy luật giá trị ra để so sánh những chiếc tàu to và con cá tra VN, có thể đo đếm được hàm lượng chất xám chúng ta tạo ra, lợi nhuận quốc gia chúng ta mang về, hay chỉ là kết tinh của sự gia công trong nền kinh tế cá tra và đóng tàu?
Với hơn 90 triệu dân VN là một thị trường tiêu dùng lớn, cộng với tâm lý xài sang của một bộ phận dân cư là “chiếc bánh ngon” của nhiều nhà sản xuất và thương mại. Ôtô, xe máy, điện thoại di động, hàng điện tử thời thượng mới “ra lò” đều xuất hiện ở VN và không ít đại gia tung tiền. Chiến lược người Việt dùng hàng Việt sẽ thành công hơn nữa nếu Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nội những việc thiết thực hơn là phong trào. Những “miếng ngon” như logistics, khách sạn, quảng cáo... trông hấp dẫn, nhưng chực chờ bên cạnh là các nhà đầu tư ngoại nhiều kinh nghiệm và trình độ hơn ta. Mở cửa cho nước ngoài vào, chuẩn bị tâm thế và tư thế để chủ động hội nhập cũng có nghĩa là chúng ta phải xác định rõ lộ trình đến khi nào ta sẽ kết thúc vai trò làm thuê, làm gia công, tiến đến làm chủ? Trong khi trình độ quản lý “tầm thấp” khó vượt lên trên sự ma mãnh thương trường của các kiểu chuyển giá, lời thật, lỗ giả, đã không “áp” được nhà đầu tư ngoại thực hiện các nghĩa vụ, thì doanh nghiệp nội chỉ được khuyến khích chung chung, không thúc đẩy phát triển sáng tạo, đầu tư dài hạn, mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết tạo sức mạnh. Phần lớn trong số hơn 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa phải lo ăn xổi ở thì, đối phó ngắn hạn hơn là chiến lược dài hạn.
Tư duy về lợi thế cần được thể hiện trong một chiến lược quốc gia, vùng miền để tạo ra sức cạnh tranh hơn là quanh quẩn trong địa giới hành chính tỉnh, huyện như vừa qua. “Chiếc bánh nông sản” hay những lợi thế, yếu thế của các sản phẩm của ngành công nghiệp, dịch vụ trong nước cần được chế biến thành những “chiếc bánh” ngon hơn, bán giá cao hơn, lãi hợp lý hơn cho những người làm ra nó. Nông sản có được phát huy lợi thế cạnh tranh hay không bằng chính tư duy, tầm nhìn và cách làm. Chiếc bánh ngon của mình cũng có thể thành miếng mồi ngon của thiên hạ!
2. Vấn đề thứ hai tôi muốn chia sẻ và thực sự muốn lắng ghe ý kiến từ các bạn về việc trí thức trẻ chúng ta cần chuẩn bị gì về kiến thức, kỹ năng để chủ động hội nhập?
Chúng ta đều biết, Việt Nam là một nước nông nghiệp và nông nghiệp được coi là "bệ đỡ" của nền kinh tế. Điều đó đã được khẳng định trong lịch sử phát triển đất nước này và vẫn còn nguyên ý nghĩa.
Nhưng muốn đất nước giàu có phát triển nhanh, không thể chỉ trông vào hạt gạo, trái cây, con cá, con tôm, không phải chỉ trông chờ vào tài nguyên hữu hạn của “rừng vàng, biển bạc, đất titan”. Mà tài nguyên vô hạn, có giá trị nhất là trí tuệ, sức sáng tạo của con người. Chừng nào Việt Nam “xuất khẩu” được trí tuệ thì khi ấy, chúng ta mới thật sự hóa rồng và cất cánh, mới thật sự hội nhập thành công. Trí tuệ của dân tộc phụ thuộc vào chính nguồn lực của dân tộc. Nguồn nhân lực chất lượng cao không ai khác chính là lực lượng trí thức trẻ.
Không phải chỉ hôm nay, khi chúng ta mở cửa nhìn ra thế giới mới trao cho thanh niên trọng trách là "người chủ hiện tại và tương lai của nước nhà". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là ở thanh niên. Bác nhấn mạnh, thanh niên có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp cách mạng và tương lai của đất nước. Đảng ta cũng đã có 2 Nghị quyết quan trọng về vai trò, vị trí và sứ mạng của thanh niên và đội ngũ trí thức. Vấn đề là các bạn phát huy thế nào.
Ba mươi phần trăm dân số là thanh niên - lực lượng sung mãn về thể lực, giàu khát vọng, hoài bão. Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, đây là cơ hội và cũng là thách thức. Sẽ là cơ hội nếu chúng ta biết tranh thủ sử dụng tốt lực lượng trẻ để phát triển và đầu tư cho tương lai.
Không ai không có khát vọng nhưng để biến những hoài bão, khát vọng ấy thành hiện thực lại đòi hỏi chúng ta phải có bước chuẩn bị tích cực, phải học tập, rèn luyện và vấn thân bằng hành động. Ba mươi phần trăm dân số “vàng” có trở thành tiềm lực trí tuệ, thành nguồn chất xám đóng góp cho đất nước hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Song, điều chắc chắn rằng, phát triển và hội nhập gắn liền với sự thành công và lớn mạnh của trí thức trẻ.
Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa là xu thế tất yếu của sự phát triển. Đâu đâu cũng nghe người ta nói tới “hội nhập”. Hội nhập mở ra cho trí thức trẻ những cơ hội, đồng thời là thách thức rất lớn. Năm 2015, khi Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, các bạn - những trí thức trẻ sẽ trở thành những công dân khu vực và toàn cầu, đồng nghĩa với việc chấp nhận người lao động di chuyển trong khu vực, chấp nhận chịu sức ép cạnh tranh việc làm từ lao động các nước. Trong sân chơi quốc tế đòi hỏi sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, chiến thắng chỉ thuộc về người có tri thức.
Những “thanh niên quá lứa” chúng tôi chịu nhiều thiệt thòi, không có điều kiện trong giao tiếp, hội nhập, yếu về ngoãi ngữ. Trong khi thanh niên trí thức các bạn ngày nay được xem là sứ giả hội nhập kinh tế, văn hóa, hội nhập toàn diện, thì một bộ không nhỏ giới trẻ cũng đang thiếu và yếu trong kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, giao tiếp và ngoại ngữ… Đó là những “điểm yếu” đã được các chuyên gia trong và ngoài nước phân tích, mổ xẻ, khiến nhiều sinh viên khi ra trường khó tìm kiếm công việc phù hợp, cần được khắc phục.
Hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, trí thức trẻ VN có điều kiện tiếp xúc với thị trường lao động quốc tế, thế nhưng cũng chính môi trường ASEAN lại đặt ra cho trí thức trẻ những thách thức, nếu như không khắc phục những điểm yếu của mình, nguồn nhân lực trẻ nước ta có thể bị các nước khác qua mặt ngay chính ở môi trường làm việc trong nước.
Muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, trí thức trẻ phải mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp… Hôm nay, có thể nói chúng ta đã có những điều kiện khách quan tương đối “chín muồi”, song thiết nghĩ những yếu tố tự thân ở người trí thức cần hội tụ đầy đủ đó mới là vốn quý quyết định sự thành công của hội nhập.
Có người nêu ra “Phương trình của bài toán trí thức trẻ hội nhập” là “3 thức”: học thức, cách thức, nhận thức đúng và “5 yếu tố” hòa quyện nhau: một là giỏi ngoại ngữ - tin học, hai là kỷ luật lao động, kỹ năng làm việc theo nhóm, ba là chuyên môn tinh thông, bốn là am hiểu văn hóa dân tộc và năm là bản lĩnh và tỉnh táo.
Chúng ta đang sở hữu một tiềm năng sẵn có - lực lượng lao động trí thức trẻ, làm được những điều trên, trí thức trẻ sẽ tự tin hội nhập. Vươn tầm khu vực, hội nhập thành công chính là cách để trí thức trẻ khẳng định mình.
Không biết các bạn sinh viên, những trí thức trẻ của Trường ĐH Hà Nội có mặt hôm nay, có đồng tình với tôi?
3. Vấn đề thứ ba, tôi muốn nghe ý kiến các bạn về “Liên kết tri thức trẻ để chủ động hội nhập”. Chúng ta vừa nghe phát biểu của anh Lê Hải Bình – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta, cũng là một trí thức trẻ, giỏi giang và rất nổi tiếng, đã phát biểu rất hay trước tôi. Và sau chuyên đề nhàm chán này, chắc chắn các bạn được giao lưu, chia sẻ hào hứng và hấp dẫn hơn với 2 diễn giả trẻ, TS. Võ Xuân Vinh, Bí thư Đoàn Thanh niên Viện Hàn Lâm KHXHVN với chuyên đề “Kết nối trí thức trẻ, phát huy trí tuệ tập thể, xây dựng tinh thần Cộng đồng chung ASEAN, và bạn Nguyễn Kim Tùng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dữ liệu Điện tử - Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ - Văn phòng Chính phủ với chuyên đề “Thanh niên thông thái hội nhập Cộng đồng ảo”.
Thời kỳ hội nhập mở ra nhiều cơ hội việc làm với nhiều yêu cầu cao hơn đối với người lao động, với tiêu chí tuyển dụng cao hơn đòi hỏi nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn chuyên ngành phải tinh thông. Gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN là điều kiện thuận lợi phát triển thị trường lao động Việt Nam, hoàn thiện quá trình đào tạo và nâng cao nguồn lực lao động chúng ta còn quá trình để tiếp cận.
Tất nhiên, để chuẩn bị hội nhập chung, đặt ra yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức có vai trò liên kết, tập hợp thanh niên, trí thức trẻ như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên, các câu lạc bộ trí thức trẻ … Cần tăng cường công tác quản lý nhà nước thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác đồng bộ các hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành gắn kết nhu cầu sử dụng lao động.
Các cơ quan thẩm quyền thực hiện nhanh lộ trình sắp xếp hệ thống trường chuyên về từng cấp đào tạo Đại học, Cao đẳng và Trung cấp; phát triển đào tạo liên thông theo loại hình vừa học vừa làm, thống nhất không phân biệt bằng cấp theo loại hình đào tạo.
Tăng cường sự phối hợp các cơ quan, tổ chức, xã hội về phát triển nguồn nhân lực có kế hoạch, theo định hướng chuyên môn, chất lượng cao. Tạo chuyển biến mạnh với các cơ quan, tổ chức, xã hội về phát triển nguồn nhân lực có kế hoạch, theo định hướng chuyên môn, chất lượng cao. Nâng cao nhận thức các yếu tố cạnh tranh trong quá trình tham gia thị trường lao động của các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người lao động về chất lượng nguồn nhân lực.
Tăng cường thông tin định hướng xã hội, không nên chú trọng học nghề theo giá trị bằng cấp; tham gia vào thị trường lao động là năng lực hành nghề, chọn nghề học theo năng lực, điều kiện và xu hướng nhận diện thị trường lao động. Và nhiều việc khác cần phải làm khẩn trương, trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả để hỗ trợ trí thức trẻ trong hội nhập.
Nhưng tất cả chỉ là môi trường, là điều kiện, là cơ hội, còn nắm bắt được cơ hội hay không, tận dụng được điều kiện tốt hay không và phát huy như thế nào trong một môi trường tốt hơn, phần lớn tùy thuộc vào ý thức và năng lực tự thân của các bạn.
Làm sao để phát huy vai trò, vị trí của trí thức trẻ trong hội nhập? Tôi rất muốn lắng nghe ý kiến từ chính các bạn, những sứ giả của hội nhập. Và bây giờ, đã đến lúc các bạn nói, tôi xin nghe.

Xin trân trọng cám ơn. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Tính cách người Việt theo vùng miền"

Thảo luận về "Văn hoá & tính cách con người Việt theo vùng miền" trên  Trái tim Việt Nam online . Người bắc thường ăn nói nhẹ nhàng, kín đáo, thường hay suy nghĩ sâu xa. Người miền trung thì mọc mạc, chất phác lại hay có tính cục bộ. Người miền nam thì phóng khoáng cởi mở, dễ gần.Dân miền Bắc thường thể hiện mình qua lời nói, trong bất cứ tình huống nào họ cũng đều phải nói cho được. Dân miền Trung thường thể hiện mình qua thái độ, cử chỉ, còn miền Nam thì thể hiện qua phong cách. Nói chung dân Bắc-Trung-Nam đều diễn tuồng cả, cho nên lời nói lúc thì nhẹ nhàng điềm đạm, lúc lại gắt gỏng chua ngoa, thái độ có lúc thì đằm thắm, khi thì thì lại khinh bạc, phong cách thì có lúc phóng khoáng lúc lại dè dặt... Ấn tượng bên ngoài là như thế nhưng có khi bạn cũng thấy là chẳng ai tranh cãi lý luận lại người Trung, thái độ cử chỉ của dân Bắc cũng có thể khiến bạn dè chừng, và lời nói hay thái độ của dân Nam cũng khiến bạn chạy dài... Muốn kiểm chứng thì bạn cứ bỏ ra ...

ART NUDE PHOTOS của Dương Quốc Định

Quên những bộn bề lo toan giá vàng lên xuống, giá lúa, cá tra giảm, chuyện nhà khoa học phải nói dối ... để  ngắm ảnh các em xinh đẹp. Và nếu như kết quả nghiên cứu khoa học của một bà đầm Đức  là khoa học  (không như ta nói dối nhiều quá):  DÒM VÚ PHỤ NỮ TĂNG TUỔI THỌ     (Blog này đã từng có bài, nằm trong nhóm truy cập nhiều nhứt, có lẽ nhiều người đã luyện tập?) thì quý ông cũng nên tập thể dục con mắt một tí nhé. Xin mượn mấy tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh Dương Quốc Định làm  dụng cụ luyện tập, ai có điều kiện thì xài hàng thật. Bộ sưu tập những bức ảnh khỏa thân và bán khỏa thân nghệ thuật của nhiếp ảnh gia trẻ Dương Quốc Định. Rất nhiều ảnh trong bộ sưu tập này đã đoạt những giải thưởng quốc tế uy tín. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ tác phẩm trên internet. Mời bạn xem qua phần thể hiện bộ sưu tập trên PPS của chúng tôi. Link PPS:  http://vn.360plus.yahoo.com/nns-nguyennamson/article?new=1&mid=112 Chân dung Dương Quốc Địn...

Nhớ Cần Thơ phố

Trần Hữu Hiệp B áo Dân Việt So với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, cố đô Huế trầm tư hay Sài Gòn phố nhộn nhịp, thì Cần Thơ phố mang đậm đặc trưng sông nước miệt vườn. Nơi đó, hàng ngày, người Tây Đô vẫn đang sống cuộc đời bình dị. Nhớ thời học phổ thông, nhà tôi chỉ cách trung tâm Cần Thơ 20 Km, nhưng mãi đến năm 15 tuổi, lần đầu tiên mới được đến Cần Thơ cùng đội học sinh giỏi của Trường cấp III Ô Môn dự thi. Đêm, mấy thằng nhà quê lang thang, lạc đường trên phố Hòa Bình, thời đó là một  đại lộ mênh mông trong mắt nhìn bọn trẻ nhà quê chúng tôi. Ký ức Cần Thơ phố trong tôi một thời còn vang qua giọng ngâm của ai trong đêm tĩnh lặng nơi con hẻm nhỏ, bài thơ Tình trắng của Kiên Giang – Hà Huy Hà: “Cần Thơ, ơi hỡi Cần Thơ/Bóng dáng ngày xanh phủ bụi mờ/Ai nhặt giùm tôi bao kỷ niệm” … Và thơ tôi, tuổi học trò: “Ai đặt tên em tự bao giờ/Người đời hai tiếng gọi Cần Thơ/Mỗi lúc đi xa ta nhớ quá/Gặp lại hình em tron...