Trần Hữu Hiệp
Ông bạn người nước
ngoài có lần hỏi tôi: “Mr.
Duong Cho Lun là danh nhân nào mà được đặt tên rất nhiều cho các con đường mới được xây dựng ở
Việt Nam?”.
Tôi phải vận dụng hết năng lực ngoại ngữ “nói mỏi tay” của mình để giải thích,
rằng đó không phải là nhân vật lịch sử, văn hoá mà là “công nghệ” làm đường của
Việt Nam. Ở những nơi địa hình phức tạp, nền đất yếu, cầu đường hay bị lún sụt,
nhà thầu xây dựng cần có thời gian gia cố công trình sau khi đưa vào sử dụng.
Người
được giải thích có vẻ không thoả mãn, khi biết nhiều công trình xây dựng bị lún
sụt gây tai nạn nguy hiểm cho người dân, nên hỏi tiếp: “Sao không chờ gì, lại chờ lún?”. Đến đây thì tôi bí, phải đổ cho
“đó là vấn đề kỹ thuật” trong khi tôi không phải là dân kỹ thuật cầu đường.
Vừa qua, dư luận cả nước quan tâm theo dõi sự cố “tuyến đường vàng” cao tốc Nội Bài
– Lào Cai vừa được khánh thành đã bị nứt, lún. Dân chúng không khỏi hoài nghi,
lo ngại về chất lượng công trình, “nứt đường, nứt cả niềm tin”.
Bất kỳ người Việt nào đã từng đi nước ngoài đều có thể xác tính việc chưa từng thấy bảng báo giao thông “đường chờ lún”, nhưng nó lại rất phổ biến ở nước ta. Phổ biến đến mức, khi thông xe đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, cơ quan chức năng đã thông báo về 10 vị trí phải chờ lún và giải thích đó là cần thiết để khai thác hiệu quả tuyến đường.
Bất kỳ người Việt nào đã từng đi nước ngoài đều có thể xác tính việc chưa từng thấy bảng báo giao thông “đường chờ lún”, nhưng nó lại rất phổ biến ở nước ta. Phổ biến đến mức, khi thông xe đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, cơ quan chức năng đã thông báo về 10 vị trí phải chờ lún và giải thích đó là cần thiết để khai thác hiệu quả tuyến đường.
Trả
lời báo chí, các chuyên gia xây dựng lại cho rằng, hiện nay trên thế giới không
nước nào xây dựng xong công trình mà còn gắn biển “chờ lún”. TS. Phạm Sanh, một
chuyên gia giao thông khẳng định: "Đường chờ lún chỉ có ở Việt Nam!”. Còn
PGS.TS Trần Chủng, Trưởng ban Chất lượng, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Cục
trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng),
thì không đồng tình việc cắm biển chờ lún ở đường cao tốc. Nếu biết được nền đất
ở đó yếu, thì phải chọn giải pháp xử lý để kiểm soát được độ lún và tốc độ lún
chứ không phải cắm biển.
Để
công trình đưa vào khai thác sử dụng bình thường khi nền vẫn còn lún, thế giới
đều đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật quy định về độ lún còn lại cho phép và mức độ
cố kết tối thiểu phải đạt được tùy quy mô, tính chất con đường và tại các vị
trí xung yếu. Các tiêu chuẩn kỹ thuật về khảo sát thiết kế đường ô tô ở nước ta
từ lâu đã được quy định rõ về độ lún còn lại chỉ 10-30 cm, tùy vị trí. Ở xứ
mình, những tuyến đường, cây cầu nào đã đưa vào khai thác mà có cắm biển
"chờ lún", thì chứng tỏ đang “có vấn đề”, độ lún thực tế đã lớn quá
so với việc dự báo độ lún trong tính toán thiết kế. “Chờ lún” còn có
nguyên nhân do công trình được “ép” đưa vào khánh thành các dịp lễ, tết; dịp
lãnh đạo về thăm địa phương; trách nhiệm chưa đến nơi đến chốn của giám sát thi
công, kiểm định chất lượng công trình... nên thường xảy ra tình trạng “khánh
thành hôm trước”, hôm sau phải đi “dặm vá”, rồi cắm biển “chờ lún”.
Chất
lượng công trình kém là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông. Cùng
với việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm giao thông,
cũng cần xử lý nghiêm vi phạm... làm đường giao thông kém chất lượng. Không thể
chấp nhận tình trạng “chờ lún”, chẳng khác nào chờ ... tai nạn giao thông.
Đã
đến lúc phải “bye bye Mr. Duong Cho Lun”, kiên quyết khắc phục tình trạng không
giống ai, cần có chế tài xử lý nghiêm khắc tình trạng công trình chưa được nghiệm
thu mà đưa vào sử dụng.
Nhận xét
Đăng nhận xét