Mô hình cánh
đồng mẫu lớn, hay cánh đồng lớn (CĐL) được triển khai ở vùng ĐBSCL từ năm 2011.
Đến nay, sau gần 5 năm, mô hình này đã và đang khẳng định tính ưu việt của một
phương thức sản xuất nông nghiệp tiên tiến, phù hợp với định hướng tái cơ cấu
nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt
được, CĐL còn nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ để nâng cao
giá trị, sức cạnh tranh của lúa gạo và cả sản phẩm ngành nông nghiệp.
Khẳng định
tính ưu việt
Mô hình CĐL đã và đang
khẳng định ưu việt vượt trội trong sản xuất lúa ở vùng ĐBSCL.
Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục
trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: Có 5 tiêu chí cơ bản để hình thành nên CĐL. Đó
là: CĐL tiến tới hình thành vùng nguyên liệu. Doanh nghiệp tham gia cung ứng,
hỗ trợ và hướng dẫn nông dân sử dụng giống, phân bón thuốc bảo vệ thực vật, máy
móc thiết bị cơ giới hóa và phải tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng. Sở
NN&PTNT các địa phương chỉ đạo, phối hợp doanh nghiệp hướng dẫn nông dân
thực hiện quy trình sản xuất thống nhất. Xây dựng thương hiệu lúa gạo. Nâng cao
đời sống nông dân và mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Thực tế thời
gian qua, mô hình CĐL ở vùng ĐBSCL đã phát triển đúng định hướng và tạo ra sự
liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và
nhà doanh nghiệp). Từ đó làm tăng sản lượng, tạo ra sản phẩm lúa gạo chất
lượng, tăng giá trị và nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm lúa gạo. Theo Cục Trồng
trọt, nếu như năm 2011, diện tích CĐL ở ĐBSCL chỉ khoảng 8.000 ha, thì đến năm
2014 đạt khoảng 140.000ha và dự kiến đạt khoảng 200.000 ha trong năm 2015. Tiến
sĩ Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: CĐL là mô hình ưu
việt, hài hòa lợi ích giữa 2 tác nhân chính trong chuỗi sản xuất: nông dân và
doanh nghiệp. Cụ thể: CĐL giúp tăng thu nhập cho nông dân do tăng năng suất,
giảm chi phí, hạ giá thành nên lợi nhuận thu được từ mô hình cao hơn sản xuất
lúa thông thường từ 1,2-7,5 triệu đồng/ha. CĐL giúp tăng tính cộng đồng, sự
đồng đều do khắc phục hạn chế chênh lệch giữa các hộ nông dân (đầu tư, áp dụng
các biện pháp kỹ thuật…) tạo nên sự đồng đều trên toàn bộ cánh đồng về năng
suất, chất lượng sản phẩm; thúc đẩy sự phát triển hợp tác xã kiểu mới. Thực
hiện mô hình CĐL, nông dân được cung ứng vật tư đầu vào kịp thời với giá cả hợp
lý, bảo đảm chất lượng; được tư vấn, hướng dẫn sử dụng nên hiệu quả cao hơn;
khắc phục tình trạng mua bán vật tư trôi nổi, không rõ nguồn gốc, kém chất
lượng. Chi phí sản xuất (dịch vụ làm đất, tưới nước, gieo cấy, thu hoạch…)
giảm, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, quản lý dịch hại tổng hợp và cơ
giới hóa nên tăng năng suất lao động, giảm chi phí nhân công, giảm lượng và số
lần phun thuốc, giảm lượng giống, lượng phân bón và tăng hiệu quả sử dụng, giảm
giá thành, tăng lợi nhuận cho nông dân so với cách làm riêng lẻ trước đây… Tham
gia CĐL, nông dân được tiếp cận thị trường thông qua liên kết với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đặt hàng nông dân sản xuất theo yêu cầu thị trường về chủng loại,
số lượng, chất lượng nên sản xuất-tiêu thụ bền vững, hiệu quả cho nông dân và
doanh nghiệp. Ngoài ra, tham gia CĐL, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định,
chất lượng sản phẩm được cải thiện, đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc.
Đây là những điều kiện giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh
nghiệp. Từ đó khẳng định vị thế, thương hiệu của hạt gạo Việt Nam trên thị
trường trong và ngoài nước.
Cần giải
pháp đồng bộ
Ông Trần Hữu
Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng: CĐL đang là mô
hình tốt, là “nguồn cung thực tiễn” sinh động để các cơ quan trung ương và địa
phương hoạch định cơ chế, chính sách hỗ trợ, tổ chức triển khai thực hiện.
Nhưng vẫn còn những nỗi lo lớn đặt ra trách nhiệm không chỉ của doanh nghiệp,
nông dân mà đòi hỏi các cơ chế, chính sách mới hơn, mạnh mẽ hơn từ các cơ quan
hoạch định chính sách và thực thi để tháo gỡ, mang lại hiệu quả cao hơn. Đó là:
Sản xuất lúa gạo trong CĐL vẫn tồn tại nhiều bất ổn (đất đai manh mún, diện
tích đất sản xuất/nông hộ ít, trình độ sản xuất của nông dân không đồng đều…)
vượt ngoài tầm nỗ lực của doanh nghiệp. Những thách thức lớn hơn từ đồng ruộng
mà CĐL đang đối mặt là sự mâu thuẫn giữa mục tiêu xây dựng đội ngũ nông dân
hiện đại, chuyên nghiệp với thực trạng thu nhập thấp của lao động nông nghiệp
hiện nay. Điều này đòi hỏi sự chuyển đổi căn bản, toàn diện và cần những cải
cách mạnh mẽ hơn nữa từ cơ chế, chính sách đồng bộ gắn với tái cơ cấu nông
nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh và thu nhập cho nông dân, xây dựng nông thôn
mới.
Những bất ổn nội
tại của CĐL là liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn lỏng lẻo. Chuyện “bẻ
kèo” khi thị trường có biến động diễn ra ở cả hai phía doanh nghiệp và nông dân
nhưng bên thiệt hại không thể làm gì được bởi hiện chưa có quy định pháp luật
cụ thể để xử lý. Doanh nghiệp đầu tư, cung ứng giống cho nông dân khi bị “xé”
hợp đồng không biết kêu ai. Ngược lại, để đáp ứng điều kiện được xuất khẩu, có
xu hướng doanh nghiệp hợp thức hóa việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu hơn
là quyết tâm thật sự hợp tác. Điều này thể hiện ở việc, doanh nghiệp quay lưng
với nông dân khi giá lúa gạo xuống thấp. “Thực tế đang cần một cơ chế pháp lý
và xử lý hợp đồng liên kết theo luật để bảo vệ các quan hệ mới một cách hữu
hiệu qua CĐL. Nhìn rộng ra là cơ chế pháp lý về liên kết vùng ĐBSCL, trong đó
có liên kết doanh nghiệp và nông dân” – ông Trần Hữu Hiệp nói.
Qua gần 5
năm kể từ khi Bộ NN&PTNT phát động tại TP Cần Thơ, đến nay, nhiều ý kiến
khẳng định, sản xuất nông nghiệp nói chung và lúa nói riêng theo mô hình CĐL là
xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp. Chỉ có hình thức này mới có thể kiến tạo
ra các vùng nguyên liệu đặc thù, chủ động áp dụng kỹ thuật trong cùng một thời
điểm với quy mô diện tích gieo trồng lớn. Đồng thời, khắc phục được những yếu
điểm của nông sản Việt Nam, cắt bỏ bớt những chi phí bất hợp lý trong sản xuất
mà những chi phí này làm tăng giá thành sản xuất, kéo theo giảm bớt thu nhập
của nông dân. Để CĐL tiếp tục mở rộng trong thời gian tới, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh,
nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, khuyến nghị: Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ
đạo của các cấp chính quyền và sự tham gia của hệ thống chính trị; tuyên truyền
nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải liên kết để phát triển nông nghiệp hàng
hóa cho các đối tác tham gia liên kết. Xác định rõ vai trò chủ yếu của mỗi đối
tác trong quan hệ liên kết để có biện pháp quản lý, hỗ trợ, nâng cao hiệu quả
liên kết. Cần thể hiện liên kết “4 nhà”, mỗi nhà cần làm “tròn vai” của mình
thì mối liên kết mới có hiệu quả. Bên cạnh đó, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng
các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới theo hướng GAP, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ…
nhằm tăng năng suất, chất lượng an toàn thực phẩm, giá trị gia tăng, bảo vệ môi
trường và giảm phát thải trên CĐL… Ngoài ra, chính phủ cần có chiến lược về sản
xuất và tiêu thụ nông sản theo liên kết vùng; bổ sung, sửa đổi một số văn bản
pháp luật quy định về điều kiện doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần phải có đầu tư
vùng nguyên liệu hoặc phải có hợp đồng tiêu thụ lúa gắn với vùng nguyên liệu…
Lồng ghép hỗ trợ phát triển CĐL từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông
thôn mới, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và các chương trình, dự án
có liên quan.
Bài, ảnh: HÀ
TRIỀU
Nhận xét
Đăng nhận xét