Trần Hữu Hiệp
Điều
kiện khó khăn, kinh tế vùng chủ yếu là nông nghiệp, địa bàn nông thôn rộng
khắp, lực lượng nông dân đông đảo, nguồn lực trong dân hạn chế, hỗ trợ từ ngân
sách hạn hẹp; sản xuất nông nghiệp bấp bênh, hiệu quả thấp, doanh nghiệp nông
thôn nhỏ bé, kết nối cung - cầu nông sản bất cập
Đó là những
"điểm nghẽn" của hầu hết các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long khi bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM).
Giải quyết các vấn đề trên phải trả lời
câu hỏi đầu tiên, tiền đâu? Nguồn lực vật chất nào bên cạnh động lực tinh thần
xây dựng NTM? Làm gì để khơi thông dòng vốn cho nông thôn, phát huy sức dân? Đó
là những câu hỏi lớn không dễ có lời giải. Nhưng bài học từ thực tiễn cho thấy
sự năng động, sáng tạo, vượt khó, huy động sức dân và nhiều kinh nghiệm quý
trong của vùng này cần được tiếp tục phát huy sau 5 năm - chặng đường đầu tiên
của công cuộc xây dựng NTM.
Diện mạo
mới
Sau 5 năm xây dựng NTM, ĐBSCL đã xuất
hiện nhiều "điểm sáng" đáng ghi nhận, bước đầu tạo ra một diện mạo
mới. Kết quả chung cho thấy, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong thực tế đã
xuất hiện nhiều cách làm mới sáng tạo, mô hình hay trong tuyên truyền, vận động
người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị "chung tay xây dựng nông
thôn mới". ĐBSCL đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung (lúa
gạo, thủy sản và cây ăn quả). Nhiều mô hình mới như "Cánh đồng lớn"
nhanh chóng trở thành hình mẫu của cả nước. Bên cạnh "cánh đồng lớn"
là nhiều hình thức hợp tác kiểu mới, các câu lạc bộ sản xuất theo ngành hàng
như mía, thủy sản, trái cây. Nhiều mô hình hay trong nông nghiệp của vùng đã
góp phần quan trọng nâng cao thu nhập một bộ phận dân cư nông thôn. Qua các
phong trào xây dựng nông thôn mới, hệ thống chính trị của các tỉnh, thành không
ngừng được củng cố, nhất là ở cơ sở, đội ngũ cán bộ, công chức các xã được
chuẩn hóa; chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở được nâng lên; các tổ chức chính trị
xã hội tiếp tục được củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm một HTX áp dụng GlobalGAP ở Đồng Tháp.
Ảnh: HỮU HIỆP
Kết quả chung, ước đến cuối năm 2015,
toàn vùng có 236/1.260 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, chiếm 18,7% tổng số xã,
cao hơn bình quân chung cả nước (ước khoảng 17%). ĐBSCL đã có 1 đơn vị cấp
huyện đạt NTM là thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, dự kiến đến cuối năm 2015, có
4 huyện đạt NTM. Ngoài ra, toàn vùng còn có 203 xã đạt từ 15 đến 18/19 tiêu
chí, chiếm 16,11%; 598 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, chiếm 47,46%; 222 xã đạt
từ 05 đến 09 tiêu chí, chiếm 17,62% ...
Nhiều địa phương đã thực hiện lồng ghép
nội dung xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng
cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; quan tâm đẩy mạnh nghiên cứu, thực
hiện thí điểm nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, có kế hoạch đào tạo, thu hút
nguồn nhân lực, phát triển các mô hình kinh tế tập thể, xúc tiến đầu tư và
thương mại, gắn kết kinh tế nông thôn với đô thị; tận dụng tối đa lợi thế của
vùng, địa phương, phát huy nội lực để xây dựng nhiều mô hình canh tác hiệu quả
và khơi thông đầu ra cho nông sản.
Cùng với nông nghiệp, lĩnh vực công
nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ cũng được tập trung chỉ
đạo, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Bên cạnh phát triển sản xuất,
các xã NTM còn tập trung làm tốt công tác dạy nghề, tạo việc làm, phát triển các
hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người lao động; biến địa bàn
nông thôn thành "hệ đệm" cho các đô thị.
Đích đến
vẫn đang ở phía trước
Đích đến của NTM vẫn còn đang ở phía
trước. Hạ tầng giao thông, thương mại, thủy lợi tuy được quan tâm đầu tư, bước
đầu tạo ra diện mạo mới, nhưng còn khoảng cách xa trước yêu cầu phát triển sản
xuất qui mô lớn. Phần lớn đường giao thông nông thôn trên địa bàn vùng mới phục
vụ cho đi lại, chưa đáp ứng tốt vận chuyển hàng hóa, nông sản và nhu cầu giao
thông kinh tế; hệ thống thủy lợi chưa kết nối tốt cho vùng nguyên liệu sản xuất
lớn, thủy lợi đa mục tiêu; hệ thống chợ nông thôn còn tạm bợ, chưa thật sự trở
thành kênh phân phối 2 chiều và cầu nối cho nông thôn và đô thị. Đó là những
cản trở khó thu hút nhiều doanh nghiệp vào địa bàn nông thôn tạo ra "cốt
vật chất", tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Trong thời gian tới, xây dựng NTM vùng
ĐBSCL cần tiếp tục tập trung giải quyết những khó khăn từ "điểm
nghẽn" về vốn, phát huy nội lực, nhất là đầu tư phát triển kinh tế, xây
dựng cơ sở hạ tầng và chăm lo an sinh xã hội. Xây dựng NTM là "cuộc cách
mạng ở nông thôn". Việc đạt tiêu chí là yêu cầu bắt buộc để được công nhận
theo "chuẩn quốc gia". Nhưng trên hết vẫn là đời sống của người dân,
môi trường nông thôn văn minh, đáng sống và phát triển bền vững.
NTM thực sự là một môi trường đáng sống
phải được đo lường bằng sự hài lòng của người dân hơn là những tiêu chí mang
tính kỹ thuật. Yêu cầu đó, phụ thuộc vào kết quả sáng tạo của quá trình lãnh
đạo "cuộc cách mạng ở nông thôn", vận động quần chúng, phát huy vai
trò làm chủ của người dân. Năm 2020 khi Việt Nam "cơ bản trở thành nước
công nghiệp phát triển" cũng chưa phải là cái đích cuối cùng trong xây
dựng NTM.
Nhận xét
Đăng nhận xét