Trần Hữu Hiệp
Đồng
bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều đóng góp quan trọng cho cả nước, nhưng thu
hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa tương xứng với tiềm năng, vai
trò, vị trí. Trong giai đoạn dòng vốn đầu tư trong khu vực, trên thế giới đang
có xu hướng dịch chuyển theo hướng tái cấu trúc của các nền kinh tế thì việc
nhận diện đúng thực trạng, có chiến lược thu hút đầu tư, tư duy phát triển và
các giải pháp phù hợp, đồng bộ là những vấn đề cần quan tâm để tăng cường thu
hút FDI vào ĐBSCL
* Từ khu
vực thu hút vốn FDI sớm nhất đến... “vùng trũng”
Năm 1988, ĐBSCL đã có 5 dự án FDI với
tổng vốn đầu tư là 7,8 triệu USD, bằng 10% về số dự án và 2,09% tổng vốn đầu tư
của cả nước. Các dự án có vốn FDI đầu tiên này chủ yếu tập trung ở TP Cần Thơ
(tỉnh Hậu Giang cũ) trong lĩnh vực nông nghiệp. Ở giai đoạn đầu, cùng cả nước
thực hiện chính sách mở cửa kinh tế, đẩy mạnh thu hút FDI, ĐBSCL có nhiều lợi
thế nhờ nguồn lao động dồi dào, nhân công rẻ, là vùng nguyên liệu nông sản lớn.
Tuy nhiên, những giai đoạn tiếp theo, trong khi các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Bình
Dương, Đồng Nai nhanh chóng “chuyển mình” tận dụng lợi thế liền kề TP Hồ Chí
Minh, thực hiện chính sách “trải thảm đỏ” cần thiết, nhưng các tỉnh ĐBSCL vẫn
“ì ạch” trong thu hút FDI. Những trở ngại chủ yếu của vùng là hạ tầng giao
thông kém, đầu tư công hạn chế, thiếu động lực, lao động qua đào tạo chưa đáp
ứng yêu cầu nhà đầu tư, chính sách thu hút đầu tư rập khuôn, thiếu liên kết
chặt chẽ để phát huy thế mạnh... Vì vậy, mặc dù là “điểm sáng” ở thời kỳ đầu,
nhưng ĐBSCL trong nhiều năm nay lại là “vùng trũng” trong bản đồ thu hút đầu tư
cả nước.
Theo Cục đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, 8 tháng đầu năm 2011, toàn vùng ĐBSCL thu hút thêm 53 dự án FDI với
125,36 triệu USD, xếp thứ 5/6 vùng cả nước, chỉ cao hơn Tây Nguyên. Lũy kế đến
nay, ĐBSCL có 612 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 9.756
triệu USD; xếp thứ 4/6 khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ hơn Tây Nguyên và
các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc... Nhìn chuỗi dòng vốn FDI vào ĐBSCL thời
gian qua, nhiều năm liền, vốn này tập trung chủ yếu ở Long An, Tiền Giang - nhờ
lợi thế liền kề TP Hồ Chí Minh, “cửa ngõ miền Tây”. Năm 2010, toàn vùng ĐBSCL
thu hút 1.740 triệu USD, thì có 757,6 triệu USD thuộc Long An và Tiền Giang,
chiếm 43,5% tổng vốn FDI của toàn vùng. Lũy kế cho đến nay, 2 địa phương này
thu hút 408 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 4.028 triệu USD, chiếm 66,7% dự
án và 41,3% tổng vốn FDI của cả ĐBSCL. Thời gian gần đây, TP Cần Thơ trung tâm vùng cùng với Kiên Giang,
Cà Mau và An
Giang là 4 địa phương nằm trong “Tứ giác phát
triển” của vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL cũng trở thành địa bàn trọng điểm thu
hút FDI. Đến nay, các địa phương này có 92 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu
tư 4.616 triệu USD, chiếm 47,2% tổng vốn toàn vùng...
Kết quả thu hút FDI những năm gần đây
của ĐBSCL đã có những khởi sắc nhờ những cải thiện về cơ sở hạ tầng, tập trung
đầu tư dồn sức phát triển các khâu đột phá. Cụ thể như: giao thông, thủy lợi,
giáo dục đào tạo và dạy nghề; thành lập vùng kinh
tế trọng điểm vùng ĐBSCL, tăng cường đầu tư cho TP
Cần Thơ trung tâm vùng; Phú Quốc, Kiên Giang, trung tâm công nghiệp khí điện đạm Cà Mau và bước đầu hình thành, phát huy
vai trò vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, yêu cầu phát triển vẫn đang đặt ra cho
vùng đất giàu tiềm năng này nhiều
thách thức phải vượt qua...
* Thu
hút FDI cần tư duy và chiến lược cho vùng ĐBSCL
Quyết định phê duyệt Qui hoạch xây dựng
vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ xác
định: ĐBSCL đến năm 2050 sẽ là vùng nông sản lớn trong mạng lưới sản xuất toàn
cầu; là vùng kinh tế phát triển năng động, bền vững, có môi trường đầu tư thuận
lợi... Đó là mục tiêu chiến lược của một tầm nhìn chiến lược, định vị ĐBSCL
không chỉ trong phạm vi quốc gia mà nhìn ra quốc tế. Nhưng để đạt được mục tiêu
đó, phải chọn cách làm, cần một tư duy phát triển, bao gồm cả thu hút FDI.
Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều qui hoạch
cấp vùng đã được ban hành, vẫn chưa có một chiến lược hay qui hoạch thu hút đầu
tư FDI nào cho ĐBSCL. Thiếu một chiến lược, lúng túng trong tiếp cận các đối
tác, nôn nóng muốn thoát khỏi “vùng trũng”... là nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh
thiếu lành mạnh trong thu hút đầu tư giữa các địa phương trong vùng. Vì thế,
nắm tay chia sẻ lợi ích, chia sẻ thị trường, khai thác lợi thế chung của vùng
về cơ sở hạ tầng: sân bay, cảng biển, cầu đường, các cơ sở đào tạo nguồn nhân
lực là mấu chốt để tránh đầu tư lãng phí, cải thiện thu hút đầu tư. Bởi lẽ kinh
tế vùng không chỉ cho ĐBSCL, mà còn cho TP Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ và các
kết nối liên vùng khác. Lợi thế của ĐBSCL không chỉ với các sản phẩm nông
nghiệp mà còn là từ vị trí địa lý chiến lược trong cục diện mới. Đó là thế mạnh
để phát triển kinh tế biển; từ đảo ngọc Phú Quốc đến tuyến hàng hải quốc tế rất
gần, tuyến hành lang kinh tế trong Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng; từ thế “tựa
lưng” với TP Hồ Chí Minh, ngước mặt ra biển Đông, “kề vai” tuyến biên giới Tây
Nam, nằm trong bán kính 500 km của ASEAN mà vùng châu thổ này là tâm điểm...
Nếu gắn kết được quá trình liên kết các chuỗi giá trị kinh tế, đây sẽ là khâu
đột phá để ĐBSCL trở thành một cực thu hút đầu tư và tăng trưởng trong những
thập niên tới.
Nhu cầu bức xúc hiện nay là những cơ
chế, chính sách tốt để thúc đẩy liên kết vùng. Các tỉnh trong vùng, các bộ,
ngành Trung ương đã có tiếng nói chung, thông qua nhiều hoạt động như: Diễn đàn
hợp tác kinh tế ĐBSCL được tổ chức hàng năm, thành công của Hội nghị xúc tiến
đầu tư vùng ĐBSCL năm 2010 thay cho các hoạt động riêng lẻ, chồng chéo của các
tỉnh. Việc tích cực chuẩn bị để ra đời Hội đồng doanh nghiệp ĐBSCL và Diễn đàn
doanh nghiệp vùng, Hội nghị hợp tác kinh tế quốc tế vùng ĐBSCL sẽ diễn ra vào
tháng 10-2011 tại Cà Mau... là những nỗ lực liên kết đáng ghi nhận... Liên kết
giữa các tỉnh trong vùng sâu và đạt đến độ có thể biến những lợi thế nổi trội
của từng địa phương thành “lợi thế dùng chung” của cả ĐBSCL thì sẽ hình thành
được phong cách làm việc mới xây dựng một cực tăng trưởng mới của đất nước
trong các thập niên tới.
Nhận xét
Đăng nhận xét