Trần Hữu Hiệp
Kinh tế Sài Gòn Online, Thứ Năm, 8/12/2022
(KTSG) – Là một trong hai tỉnh có diện tích, dân số và lực lượng lao động thấp nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nay Bạc Liêu đang hướng tới các mục tiêu cụ thể, gồm thu hút các dự án đầu tư lớn, làm trung tâm năng lượng sạch của cả nước và là điểm đến hấp dẫn du khách.
- Ưu tiên đầu tư Trần Đề thành cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long
- Đường sách đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long đi vào hoạt động
Người về Bạc Liêu, vẫn nghe Dạ cổ hoài lang, Điệu buồn phương Nam nhưng vùng đất này đang vang lên lời biển hát và những bản giao hưởng của gió.
Biển hát những bản tình ca
Nhắc Bạc Liêu, nhiều người thường ngân nga bài Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, bản gốc hình thành nên bộ môn đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại… “Từ là từ phu tướng/Bảo kiếm sắc phong lên đàng/Vào ra luống trông tin chàng/Đêm năm canh mơ màng”.
Vũ Đức Sao Biển cũng làm thổn thức bao trái tim yêu mến đất Bạc Liêu qua những câu ca buồn “Về phương Nam lắng nghe cung đàn/Thổn thức vọng dưới trăng mơ màng/Rồi theo sóng Cửu Long nhớ nhung dâng tràn/Chợt thương con sáo bay xa bầy/Sương khói buồn để lại lòng ai?”. Và Lê Như với “Bạc Liêu hoài cổ”: “Nghe tiếng đàn ai rao sáu câu/Như sống lại hồn Cao Văn Lầu/Về Bạc Liêu danh tiếng ôn lại/Một thời để nhớ ngày đó xa rồi”.
Về với “Ngày hội Văn hóa – Du lịch và Lễ hội Dạ cổ hoài lang tỉnh Bạc Liêu 2022” vừa được tổ chức tuần qua tại tỉnh này, du khách sống trong không gian văn hóa, nghe câu ca, làn điệu nhạc xưa, nhưng Bạc Liêu nay không còn là “xứ cơ cầu, dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu hay nghe danh Công tử Bạc Liêu, đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu!” mà đang vang lên câu ca “Bạc Liêu giấc mơ tình yêu”.
Tổ hợp điện gió Hòa Bình 1 và Hòa Bình 2 là “Bản giao hưởng của gió” đã xác lập nhiều kỷ Việt Nam: Tổ hợp điện gió trên biển lớn nhất (150 MW), tuyến cầu dẫn trên biển dài nhất (26 ki lô mét), là tổ hợp điện gió có thiết bị lắp đặt lớn nhất nước (2 bộ sà lan 10.000 tấn đặt cẩu sức nâng 1.350 tấn), có tiến độ thi công nhanh nhất (8 tháng) và có turbine xa bờ nhất (11 km). Điện gió Hòa Bình 1 cũng thuộc Top 10 dự án Năng lượng tái tạo tiêu biểu 2021.
Ba thế mạnh được tỉnh này chú trọng phát triển và đã tạo ra những điểm sáng: Kinh tế biển, năng lượng sạch và du lịch. Bạc Liêu đang tạo ra hiện tượng khi thu hút các dự án đầu tư lớn, trung tâm năng lượng sạch của cả nước và là điểm đến hấp dẫn du khách.
Đó là một quá trình nỗ lực tăng tốc những năm gần đây của một tỉnh nhỏ, xuất phát điểm thấp. Năm 2017, ngay sau khi Quy hoạch điện lực VII (điều chỉnh) được công bố, Bạc Liêu đã chủ động xin Trung ương loại bỏ quy hoạch dự án Nhà máy nhiệt điện Cái Cùng, công suất 1.200 MW, dự kiến được xây dựng trên địa bàn hai huyện Đông Hải và Hòa Bình. Thay vào đó là tập trung phát triển năng lượng tái tạo, nguồn điện sạch và đầu tư xây dựng khu trung tâm nuôi tôm công nghệ cao tại địa phương, xây dựng Bạc Liêu thành “thủ phủ” tôm của cả nước, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.
Năm 2020, trong khi cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề đại dịch Covid-19, tỉnh này đã vươn lên trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy LNG tổng mức đầu tư 4 tỉ đô la Mỹ. Đây là mức vốn FDI mà toàn vùng ĐBSCL đã từng nỗ lực thu hút trong nhiều thập niên.
Là tỉnh ven biển thuộc khu vực ĐBSCL, có bờ biển dài 56 ki lô mét, Bạc Liêu có nhiều lợi thế để phát triển điện gió, điện mặt trời và điện khí. Đây là địa phương đầu tiên có dự án điện gió hòa lưới điện quốc gia với Nhà máy điện gió Bạc Liêu – nhà máy điện gió ven biển đầu tiên của Việt Nam và lớn nhất cả nước, được xây từ năm 2010, hòa điện quốc gia năm 2013. Tỉnh hiện có 8 dự án điện gió đã đi vào hoạt động với tổng công suất là 469MW (đứng thứ 3 trên cả nước), đóng góp khoảng 450 tỉ đồng vào nguồn thu ngân sách hàng năm của Bạc Liêu.
Các nhà máy điện gió gồm Bạc Liêu (99,2 MW); Hòa Bình 1- Giai đoạn 1 (50MW); Đông Hải 1 – Giai đoạn 1 (50MW); Hòa Bình 1- Giai đoạn 2 (50MW); Hòa Bình 2 (50MW); Đông Hải 1 – Giai đoạn 2 (50MW); KOSY – Giai đoạn 1 (40MW); Hòa Bình 5 – Giai đoạn 1 (80MW). Ngoài ra, Bạc Liêu cũng đang đẩy nhanh tiến độ một số dự án gồm điện gió Bạc Liêu – Giai đoạn III (141MW), điện gió Đông Hải 2 (50MW) và dự án điện khí LNG Bạc Liêu với tổng công suất gần 3.200MW, cùng với 17 dự án điện gió khác với tổng công suất gần 3.000MW đang trình bổ sung quy hoạch.
Đánh thức tiềm năng du lịch ven biển
Bạc Liêu đang nỗ lực làm mới du lịch để trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Du lịch tỉnh Bạc Liêu không chỉ nổi tiếng nhờ Nhà công tử Bạc Liêu, Quan Âm Phật đài, Khu nhà mát ven biển, Khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cánh đồng điện gió, vườn nhãn cổ, cánh đồng muối đặc trưng, mà còn hấp dẫn nhiều người đam mê khám phá. Từ bị các chủ tour du lịch bỏ qua khi lên lịch trình nghỉ đêm cho du khách ở Cần Thơ rồi xuống Cà Mau, thì nay, nhiều tuyến du lịch đã “dừng chân” tại Bạc Liêu khi mà các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng cao cấp đã và đang được đầu tư và sức hút ban đêm với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, nghỉ dưỡng.
Khu Resort Nhà máy điện gió Hòa Bình 1, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu đang hình thành là khu du lịch mà nhiều người gọi đùa là tổ hợp du lịch “102” – có một không hai nhờ kết hợp khách sạn nghỉ dưỡng sinh thái ven biển và ngoài khơi dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2023.
Tổ hợp 102 này gồm khách sạn 12 tầng, khu biệt thự, homestay trên 26 trụ turbine, khu cắm trại giữa trụ turbine trên biển, Nhà mát cánh diều, Khu vườn nông nghiệp organic, Đường hoa giấy kết vòm dài 500 mét, cầu tình yêu dài 4.000 mét… đang hứa hẹn trở thành điểm đến hấp dẫn du khách đến với Bạc Liêu.
https://thesaigontimes.vn/ban-giao-huong-cua-gio/
Nhận xét
Đăng nhận xét