PHONG LINH
Là vùng sản xuất lúa gạo chính của cả nước, tuy nhiên ĐBSCL vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong giai đoạn hiện nay. Đâu là giải pháp để cây lúa vùng đồng bằng tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình?
Vai trò, thách thức lớn
Báo cáo kinh tế thường niên của vùng ĐBSCL cho thấy, điểm sáng nhất của ĐBSCL trong 2 năm 2020 - 2021 là nông nghiệp. Vượt qua những tác động bất lợi từ dịch bệnh trong năm 2021, khu vực nông nghiệp của ĐBSCL vẫn tăng trưởng mạnh (3,4%), cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Xuất khẩu nông sản, thủy sản của vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại của Việt Nam.
Theo đó, diện tích gieo trồng lúa của vùng ĐBSCL luôn đứng đầu cả nước, trung bình chiếm 52% diện tích gieo trồng lúa của cả nước.
ĐBSCL đã phát huy lợi thế là vựa lúa lớn nhất cả nước, khi đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, góp phần khẳng định vai trò, vị thế xuất khẩu gạo trong nhóm dẫn đầu của thế giới; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và ổn định cuộc sống cho 65% dân cư nông thôn của vùng.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, cây lúa vùng ĐBSCL vẫn đang đối diện với rất nhiều thách thức và khó khăn dẫn đến thu nhập của nông dân trồng lúa vẫn chưa ổn định, thấp hơn nhiều so với các loại nông sản khác.
Tại hội thảo “Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa” được tổ chức tại TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vào ngày 18.11, các chuyên gia ngành lúa gạo đánh giá, hiện nay cây lúa của vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu trong khi đó giá phân bón, vật tư lại tăng cao; điều kiện thủy văn thổ nhưỡng, trình độ khoa học công nghệ cũng như yếu tố thị trường chính cũng là những vấn đề lớn khiến đời sống nông dân trồng lúa gặp rất nhiều khó khăn.
“Có thể tóm nhanh 3 yếu tố và cũng là 3 khó khăn mà sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng: Thứ nhất là điều kiện tự nhiên, thời tiết, thủy văn, thổ nhưỡng bởi toàn vùng không phải chỗ nào cũng trồng được. Kế đến là trình độ khoa học công nghệ của nông dân. Dẫu biết ngày nay đã được cải thiện nhưng phải làm sao để đẩy nhanh hơn nữa vẫn là bài toán khó.
Cuối cùng là nên chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, không chỉ số lượng mà là chất lượng và giá trị mang lại” - Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, nhà nghiên cứu kinh tế nông nghiệp ĐBSCL chia sẻ.
Những gam màu sáng
GS.TS Võ Tòng Xuân chia sẻ thêm, từ Nghị quyết 120/NQ-CP về sau cây lúa Việt Nam phải sống chung với biến đổi khí hậu (nước lũ, hạn, mặn xâm nhập) vừa giảm khí thải nhà kính để tích lũy tín dụng các bon.
Bên cạnh đó, việc đầu tư khoa học và cấu trúc hạ tầng thủy lợi đối với các diện tích lúa ở vùng kém thích nghi giữa đồng bằng và vùng lúa tôm ven biển cũng sẽ giúp nông dân sản xuất tốt hơn.
Còn theo TS Trần Hữu Hiệp, hạt gạo của đồng bằng vẫn còn dư địa rất lớn, có thể tiến tới dùng các bộ phận khác của cây lúa để ứng dụng sáng tạo sản phẩm mới giúp tăng thêm thu nhập cho bà con; chuyển sản xuất nông nghiệp là chủ yếu sang kinh tế nông nghiệp là chủ yếu cũng là giải pháp hiệu quả.
Tiếp đến, ngành nông nghiệp các tỉnh, nông dân sản xuất lúa gạo cũng nên tham khảo những mô hình tiêu biểu của tỉnh thành khác trong vùng và tìm ra giải pháp phù hợp cho địa phương, cá nhân mình.
“Đồng Tháp đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp nâng cao lợi nhuận thu được trên một đơn vị diện tích sử dụng đất so với trồng lúa từ 30 đến trên 550 triệu đồng/ha; chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản giúp nông dân có lợi nhuận cao hơn so với hộ dân chỉ trồng lúa. Hiệu quả thu nhập bình quân 35-50 triệu/ha/năm”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong chia sẻ.
Còn tại tỉnh Tiền Giang, bức tranh cây lúa cũng có thêm nhiều gam màu sáng sau tái cơ cấu nông nghiệp. Tỉnh đã định hình những vùng sản xuất lúa gạo tập trung phù hợp với đặc thù thổ nhưỡng như vùng dự án Ngọt hóa Gò Công phía Đông, vùng kiểm soát lũ phía Tây... Mặt khác, việc phát triển hạ tầng giao thông cũng giúp tỉnh này thu hút đầu tư cho giá lúa.
https://laodong.vn/kinh-doanh/nhieu-giai-phap-cho-phat-trien-cay-lua-vung-dbscl-1118146.ldo
Nhận xét
Đăng nhận xét