Bài, ảnh: GIA BẢO
Báo Cần Thơ - 26/10/2022 - 08:42
TP Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương có vị trí trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức tác động lan tỏa vùng về kinh tế, văn hóa, xã hội. Cần Thơ còn đóng vai trò kết nối các nước tiểu vùng sông Mekong và kết nối quốc tế. Tuy nhiên, nếu thiếu cơ chế, chính sách đặc thù thì Cần Thơ không đủ nguồn lực để giải quyết, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong nội tại nền kinh tế để xứng tầm trung tâm động lực vùng ĐBSCL.
Đòn bẩy cho sự phát triển
Cơ chế, chính sách đặc thù là "đòn bẩy" thúc đẩy Cần Thơ phát triển.
Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội thông qua ngày 11-1-2022 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ. Thời gian thí điểm là 5 năm. Đây được xem là đòn bẩy để Cần Thơ phát triển xứng tầm trung tâm vùng ĐBSCL như Nghị quyết 59-NQ/TW và Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định. Trên thực tế qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, Cần Thơ vẫn chưa tạo ra sự đột phá trong phát triển, do cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch chậm, nhất là ngành công nghiệp, dịch vụ chưa trở thành trung tâm lớn, đa ngành của vùng; nông nghiệp chưa thể hiện rõ vai trò sản xuất theo hướng hiện đại. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị thiếu bền vững; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đầu tư đồng bộ… đã trở thành những điểm nghẽn lớn cho sự phát triển. Lẽ đó, Cần Thơ cần kích hoạt nhanh cơ chế, chính sách đặc thù để nắm bắt các cơ hội phát triển.
Với xuất phát điểm thấp, quy mô nền kinh tế nhỏ, nguồn ngân sách chưa đủ lớn để tạo sức tác động lan tỏa vùng. Theo các chuyên gia kinh tế, các nhóm cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội đều mở hướng tăng thêm nguồn lực đầu tư cho thành phố. Chẳng hạn, tận dụng cơ chế được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để thực hiện các dự án quan trọng; nhất là các dự án hạ tầng giao thông kết nối sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố và kết nối toàn vùng ĐBSCL, kết nối quốc tế. Bởi thực tế, một số công trình hạ tầng giao thông quan trọng trên địa bàn thành phố chưa sử dụng hết công suất như Cảng Cái Cui, Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ. Một số dự án, công trình giao thông kết nối vùng chậm triển khai nên chưa thể thúc đẩy sự kết hợp giữa đầu tư và hiệu quả khai thác để tạo thêm nguồn vốn tái đầu tư.
TS Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế ĐBSCL, nhận định 6 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù lớn cho TP Cần Thơ có liên kết chặt chẽ với nhau. Chẳng hạn như chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An. Chính sách đặc thù này xuất phát từ nhu cầu bức thiết thực tế của Cần Thơ trong quá trình phát triển. Trong nhiều năm qua, cả vùng ĐBSCL đang nghẽn đường ra biển, việc nạo vét luồng mở thông cửa biển cho các tàu lớn vào sông Hậu để khai thác các cảng trên địa bàn Cần Thơ và các địa phương vùng ĐBSCL rất cấp thiết. Cảng phụ thuộc luồng, thời gian qua nhiều cảng trên sông Hậu có nơi chỉ khai thác được khoảng 30% công suất do luồng cạn, tàu lớn ra vào cảng không được. Nạo vét luồng Định An không chỉ khơi thông giao thông thủy, giao thông hàng hải của Cần Thơ và của ĐBSCL mà còn thúc đẩy đầu tư vào vùng. Hiện các địa phương đang nỗ lực tìm nguồn cát để phục vụ cho các tuyến đường bộ cao tốc, trong điều kiện đang thiếu hụt nguồn cát thì việc nạo vét luồng sẽ bù đắp phần nào lượng thiếu hụt.
Cũng theo TS Hiệp, khơi thông luồng Định An không chỉ Cần Thơ nỗ lực mà các địa phương có luồng đi qua cũng cần hợp sức để thúc đẩy và cuối cùng là sự quan tâm của các bộ, ngành liên quan. Vì là cơ chế đặc thù thí điểm, nên cần kích hoạt sớm để có thể đúc kết quá trình thí điểm và biến thành cơ chế, chính sách chính thức. Theo lộ trình năm 2024 Chính phủ phải báo cáo Quốc hội cơ chế thí điểm, vì vậy cần kích hoạt sớm để thúc đẩy sự phát triển của Cần Thơ, tạo động lực lan tỏa vùng.
Đầu tàu kết nối vùng
Với vai trò đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL, định hướng mục tiêu phát triển đến năm 2030 Cần Thơ trở thành trung tâm vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục… Tầm nhìn đến năm 2045 “là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á”. Hiện tại, cơ cấu kinh tế của thành phố phát triển theo trục dịch vụ - công nghiệp, xây dựng - nông nghiệp. Muốn đạt được các mục tiêu mà các nghị quyết của Bộ Chính trị đã xác định, thành phố cần nguồn lực đầu tư tương xứng để tạo nên các trục phát triển mới.
Giai đoạn 2021-2030, định hướng tăng trưởng GRDP của Cần Thơ đạt mức trên 7%, vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 10.000 USD vào năm 2030; tỷ lệ đô thị hóa đạt 80%; cơ bản không còn hộ nghèo… Theo các chuyên gia, TP Cần Thơ có nhiều thuận lợi phát triển so với các địa phương trong vùng ĐBSCL. Lẽ đó, việc kích hoạt sớm các cơ chế, chính sách đặc thù của Quốc hội để tháo gỡ khó khăn về nguồn lực đầu tư cần tiến hành đồng bộ. Đồng thời cần sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng và sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương nhằm thúc đẩy tiến trình thực hiện để đạt hiệu quả cao hơn.
TS Trần Hữu Hiệp cho rằng, khơi thông luồng Định An không chỉ thúc đẩy sự phát triển của hệ thống cảng biển khu vực ĐBSCL mà còn kết nối với các phương thức vận tải khác như đường bộ, hàng không, hệ thống logistics… tạo ra sức bật mới để đánh thức các tiềm năng, lợi thế riêng của Cần Thơ và tạo sức lan tỏa vùng. Cần Thơ cũng có quy hoạch Trung tâm logistics hạng 2; thành phố cũng đang xúc tiến dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL đặt tại Cần Thơ... là lợi thế lớn để thực hiện sứ mệnh trung tâm, đầu tàu phát triển vùng ĐBSCL. Cạnh đó, các địa phương cũng đang nỗ lực thúc đẩy tiến độ các dự án cao tốc, những dự án giao thông trọng điểm khi hoàn thành sẽ nâng cao vị thế phát triển của Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL. Thúc đẩy tiến trình phát triển, hội nhập quốc tế của các địa phương.
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhãn
Góc nhìn bè bạn- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét