Theo TS. Trần Hữu Hiệp, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội) được thiết kế bài bản với quyết tâm chính trị rất lớn song triển khai còn chậm. Vấn đề này cần được thảo luận toàn diện tại Diễn đàn để sớm có giải pháp cải thiện tình hình.
Thể hiện sự quan tâm sát sao của lãnh đạo Quốc hội
Sáng qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trực tiếp đi kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức Diễn đàn. Ông nghĩ sao về điều này?
Việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trực tiếp đi kiểm tra công tác chuẩn bị cho Diễn đàn cho thấy sự quan tâm sát sao của lãnh đạo Quốc hội, vì mục tiêu chung là đưa ra quyết sách đúng, trúng, nhằm đáp ứng yêu cầu của đất nước.
Vấn đề quan trọng bây giờ là 400 đại biểu dự Diễn đàn sẽ cùng cụ thể hóa quyết tâm đó, thông qua việc thảo luận, trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm, hiến kế giải pháp để đưa đất nước nhanh chóng phục hồi và phát triển.
Là một chuyên gia kinh tế, ông trông đợi gì từ Diễn đàn?
Cá nhân tôi đặc biệt quan tâm tới Diễn đàn, bởi lẽ Diễn đàn tổ chức ngay trước Kỳ họp thứ Tư của Quốc hội vào tháng 10 tới. Diễn đàn lần này, ngoài việc đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, dự báo cả năm thì còn đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp và các cân đối lớn cho nền kinh tế của năm sau.
Điểm đặc biệt tại Diễn đàn lần này là Quốc hội sẽ đánh giá việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết số 43/2022/QH15). Mặc dù Chương trình được thiết kế bài bản, với quyết tâm chính trị rất lớn là phục hồi và phát triển kinh tế song hiện triển khai vẫn còn chậm.
Đồng thời, Quốc hội sẽ quyết định chủ trương, chính sách quan trọng trước tác động của bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước, trong đó nổi lên 3 vấn đề quan trọng, tác động tới nhiều mặt kinh tế - xã hội.
Thứ nhất, tác động của lạm phát, tiền tệ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam vì nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng.
Thứ hai, tác động của cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine và xu thế vừa hợp tác vừa đối đầu của nhóm các quốc gia, đặc biệt là các nước lớn. Điều này dẫn tới cấm vận, đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là ảnh hưởng tới năng lượng.
Thứ ba, những yếu tố tác động tiêu cực tới kinh tế - xã hội, tạm gọi là “tiền khủng hoảng năng lượng”. Nếu các quốc gia không có chính sách ứng phó có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng.
Để ứng phó với vấn đề mới phát sinh sẽ có nhiều cách tiếp cận, nhìn nhận khác nhau. Với vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước tối cao, Quốc hội cần tập hợp trí tuệ, lắng nghe ý kiến của giới khoa học, đồng thời cân nhắc nhiều mặt từ thực tiễn quản lý điều hành, bao gồm cả ý kiến của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hiệp hội.
Trong bối cảnh như vậy, việc Quốc hội tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tôi hy vọng Diễn đàn sẽ làm rõ các vấn đề của nền kinh tế - xã hội nước ta hiện nay, chỉ rõ nguyên nhân, nhận diện được các thách thức, rủi ro, đề ra các nhóm giải pháp chính sách, đặc biệt là các cân đối lớn của nền kinh tế. Trên cơ sở đó, Quốc hội sẽ ra được những quyết sách đúng đắn nhằm đáp ứng yêu cầu của đất nước.
Các chương trình hỗ trợ phải được triển khai hiệu quả
Diễn đàn sẽ có 2 hội thảo chuyên đề về đẩy mạnh cải cách thể chế - hoàn thiện chính sách đất đai và thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Ông đánh giá thế nào về việc lựa chọn chủ đề này?
Phải nhấn mạnh rằng, việc lựa chọn nội dung này là sát với thực tế hiện nay, khi chúng ta đang tiến hành sửa Luật Đất đai. Bên cạnh đó, mặc dù kinh tế ghi nhận sự phục hồi và phát triển sau đại dịch, bức tranh kinh tế - xã hội có nhiều gam màu sáng hơn, trong đó nổi lên là sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu, du lịch… song vẫn đang tiềm ẩn nhiều bất ổn, thách thức.
Về kinh tế hiện nổi lên 3 vấn đề lớn.
Trước tiên, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm, ưu tiên phân bổ vốn đầu tư công cho các dự án và có các quyết sách hỗ trợ phục hồi nền kinh tế như gói hỗ trợ lãi suất 2% hay hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, song kết quả thực hiện vẫn còn chậm, đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư công.
Hai là, sự điều hành, thực hiện cho thấy có lúng túng, nổi rõ trong lĩnh vực điều hành về xăng dầu, giải ngân vốn đầu tư công, cung ứng hàng hóa thiết yếu (thuốc chữa bệnh, vật tư y tế khan hiếm), ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân.
Ba là, có sự yếu kém trong việc chuẩn bị các dự án đầu tư để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của một số cơ quan, đơn vị, dẫn đến điều chỉnh danh mục dự án đầu tư khi đã cân đối vốn. Đây cũng là nguyên nhân khiến giải ngân đầu tư công chậm.
Về mặt xã hội, đại bộ phận người dân vẫn còn gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh khiến họ mất sinh kế, gần đây là ảnh hưởng của lạm phát, giá cả leo thang. Điều này giống như người bệnh chưa kịp phục hồi lại gặp cơn trái gió trở trời, khó càng thêm khó.
Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ đã được Quốc hội và Chính phủ ban hành song chậm triển khai. Do vậy, qua các hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu cần nhận diện được tình hình, xác định đúng nguyên nhân bao gồm cả chủ quan và khách quan để tìm ra giải pháp.
Cụ thể, giải pháp cần lưu tâm điều gì?
Trước hết, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan, bảo đảm các chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phải được triển khai hiệu quả.
Công tác thực thi lâu nay vẫn thiếu phối hợp, thừa chồng chéo. Các đại biểu tham dự Diễn đàn cần đề ra được giải pháp cho vấn đề này. Trong đó, cần chú ý tới công tác giám sát thực hiện của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, của Nhân dân.
Đặc biệt, nguồn lực cho sự phát triển mà Quốc hội quyết là có hạn. Diễn đàn phải thảo luận để trên cơ sở đó, Quốc hội sẽ đưa ra quyết sách nhằm tạo ra nguồn lực mới, thông qua hoàn thiện chính sách về đất đai.
Bằng cách nào, thưa ông?
- Vai trò đặc biệt quan trọng của đất đai không những thể hiện với tư cách là nguồn lực về hiện vật mà còn là nguồn lực tài chính to lớn để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế của từng chủ thể sử dụng đất và là nguồn thu ngân sách quan trọng. Khi đất đai được đưa vào vận hành trong cơ chế thị trường thì giá trị của nó sẽ được nhân lên gấp nhiều lần, trở thành nguồn lực đầu tư quan trọng, nguồn lực phát triển to lớn.
Hiện, chúng ta vẫn chưa có một thị trường “mua bán quyền sử dụng đất” thật sự. Đất đai, quyền sử dụng đất trở thành nguồn lực tài chính quan trọng khi nó được mua bán và trao đổi trên thị trường.
Điểm mới của dự thảo là Luật Đất đai (sửa đổi) là bỏ quy định về khung giá đất và xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, cần làm rõ về cơ chế vận hành, chế độ thực thi “nguyên tắc thị trường” cho giá đất làm cơ sở áp dụng trong nhiều mối quan hệ đất đai đang diễn ra, tránh tùy tiện. Diễn đàn cần thảo luận, làm rõ nội dung này.
Xin cảm ơn ông!
https://tapchitaichinh.vn/chuong-trinh-phuc-hoi-kinh-te-vi-sao-trien-khai-cham.html
Nhận xét
Đăng nhận xét