Báo Hải Quan - 20:37 | 18/11/2022
(HQ Online) - Đó là ý kiến được nêu ra tại hội thảo Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa do báo Thanh niên tổ chức ngày 18/11.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành lúa gạo |
Bà Trần Thị Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, ngành lúa gạo phát triển mạnh mẽ không chỉ đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trong nước mà còn góp phần nâng cao, khẳng định vị thế chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cụ thể, sau hơn 30 năm xuất khẩu gạo (từ năm 1989), hạt gạo Việt Nam đã có mặt ở hơn 172 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã trở thành 1 trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Sản lượng tăng từ 1,4 triệu tấn năm 1989 lên 6,24 triệu tấn năm 2021. Giá trị tăng từ 321,8 triệu USD năm 1989 lên 3,28 tỷ USD năm 2021.
Trong 10 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt 6 triệu tấn. Dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam năm nay có thể vượt kế hoạch 6,3 - 6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000 - 200.000 tấn so với năm 2021.
Đặc biệt, bà Hoà đánh giá, xuất khẩu gạo đang có sự chuyển dịch từ phân khúc thấp sang gạo chất lượng cao. Số liệu thống kê trong 8 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo sang các thị trường khó tính ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, như: Mỹ 8 tăng 84,8%; thị trường EU tăng 82,2%.
Bà Trần Thị Hoà nhận định, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội như nhu cầu nhập khẩu gạo thế giới vẫn còn tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Ngành lúa gạo có cơ hội rất lớn để mở rộng thị trường xuất khẩu khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại mới như TPP, liên minh thuế quan…
Tuy nhiên, bà Hoà cũng chỉ ra nhiều tồn tại và hạn chế của sản xuất lúa gạo ĐBSCL như chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và tính cạnh tranh thấp; thu nhập của nông dân sản xuất lúa thấp và không tương xứng so với thu nhập của tác nhân trong kinh doanh, xuất khẩu gạo. Sản xuất lúa thiếu tính bền vững, tác động tiêu cực đến môi trường.
Cùng quan điểm này, TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế, Đại học FPT Cần Thơ, cho rằng việc phát triển cây lúa đang đứng trước nhiều thách thức mang tính toàn cầu và khu vực khi mà tài nguyên nước hiện nay đã khác trước. Biến đổi khí hậu khiến ĐBSCL bị tác động nặng nề. Trong khi “gu” tiêu dùng khác và xuất khẩu ở các nước cũng đã khác. Nếu trước chỉ là xuất khẩu thô thì nay các nơi nhập khẩu bắt truy xuất nguồn gốc, đòi hỏi chất lượng gạo cao hơn. Điều này một mình người nông dân không thể tự làm.
Dù vậy, ĐBSCL vẫn là vùng có nhiều lợi thế cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp và ngành lúa gạo sẽ vẫn giữ vị trí quan trọng trong ngành trồng trọt của Việt Nam. Nhưng các chuyên gia cho rằng, ngành lúa gạo cần được thay đổi để từ vai trò là một ngành sản xuất vì mục tiêu an ninh lương thực là chủ yếu trở thành một ngành kinh tế năng động và hiệu quả, đem lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng trong nước và có tính cạnh tranh cao trong xuất khẩu.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã giao Cục Trồng trọt xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL nhằm nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Bà Hoà cho biết, đề án đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh lúa gạo, đảm bảo lợi ích bình đẳng và tương xứng cho các tác nhân tham gia ngành lúa gạo; bảo đảm an ninh lương thực và gạo chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong nước. Xuất khẩu gạo có tính cạnh tranh trên thị trường thế giới và có giá trị gia tăng cao; đảm bảo phát triển bền vững đối với môi trường, bảo vệ tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nguyễn Hiền
https://haiquanonline.com.vn/chuyen-doi-san-xuat-lua-gao-thanh-nganh-kinh-te-nang-dong-va-hieu-qua-169248.html
Nhận xét
Đăng nhận xét